Dự án nâng cấp tuyến đê sông Bưởi nhằm ngăn, giảm lũ, đối với người dân thuộc các xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hoà, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, thuộc huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hoá) được đầu tư với tổng nguồn vốn 249 tỷ đồng. Thời gian thi công dự kiến diễn ra trong 3 năm (2010-2013). Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn 4 năm, công trình vẫn đang dang dở, thậm chí một số hạng mục không đảm bảo chất lượng, xuống cấp.
Cửa cống dẫn vào nội đồng xã Vĩnh Hưng phải nhét giẻ để ngăn nước chảy qua.
Chưa xong đã xuống cấp
Theo thiết kế, trên mặt và mái đê phải được cứng hóa bằng bê tông, nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà thầu mới chỉ đổ bây, lu lèn qua loa. Chính vì vậy, đến thời điểm này, mặt đê đã xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu nham nhở. Nhiều đoạn mái đê do chưa được kiên cố hóa nên bị nước mưa làm xói lở. Các con đường dân sinh dẫn vào nội đồng cũng chưa kịp thi công hoàn tất, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trong xã Vĩnh Hưng gặp rất nhiều khó khăn…
Nghiêm trọng hơn, do thiết kế không đảm bảo, cửa các cống số 1, 2 nhằm phục vụ tưới tiêu và ngăn lũ vào nội đồng không thể đóng kín. Khi nước lũ về khiến một diện tích lớn đất gieo trồng lúa và hoa màu của bà con tại Vĩnh Hưng bị ngập và mất mùa. Đến cuối năm 2015, nhà thầu đã khắc phục bằng cách… nhét giẻ vào kẽ hở, tuy nhiên biện pháp này vẫn không ngăn được dòng nước tấn công mạnh vào đồng ruộng.
Tại một công văn của UBND xã Vĩnh Hưng đề ngày 17/2/2017 gửi UBND huyện Vĩnh Lộc và Ban Quản lý công trình dự án đê sông Bưởi nêu rõ: Hoàn lưu sau bão số 3, năm 2015, các cống hở, nước tràn vào nội đê lớn làm ngập 73,2 ha lúa mùa đã vào thời kỳ thu hoạch, làm ngập chết 15,2 ha cây ớt, 3 ha cây bí và một số diện tích rau màu khác. Điều này gây bức xúc trong nhân dân vì có đê mà không ngăn được lũ... Sau khi chính quyền xã Vĩnh Hưng kiến nghị, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chỉ đạo nhà thầu khắc phục các hạng mục chưa đảm bảo chất lượng. Song, các lỗi kỹ thuật không đảm bảo, cống đóng nhưng nước vẫn tự do vào, ra đồng ruộng.
Ông Lê Đình Thành, trú xã Vĩnh Hưng bức xúc: “Đây đang là thời điểm lúa hè thu chuẩn bị vào kỳ thu hoạch, trong khi mùa mưa bão cũng đã bắt đầu. Nếu không kịp thời khắc phục, nguy cơ ngập lụt và mất mùa là điều có thể nhìn thấy. Trước mắt, chúng tôi chỉ mong nhà thầu khắc phục được sự cố ở các cống số 1 và 2 để bà con yên tâm sản xuất”.
Đình trệ do tắc vốn
Ông Phạm Xuân Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng cho biết: Dự án đê ngăn lũ chạy qua xã Vĩnh Hưng được bắt đầu thi công vào năm 2010. Tuy nhiên, sau khi thi công được vài hạng mục cơ bản, 4 năm trở lại đây, dự án bị ngừng triển khai. Điều này đã khiến đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp và giao thông. “Chính quyền địa phương cũng như hàng nghìn hộ dân mong muốn Nhà nước tiếp tục cho tái khởi động dự án. Chỉ khi nào con đê được hoàn thành thì người dân mới có thể yên tâm mưu sinh”- ông Hương bày tỏ.
Vì sao sau gần 8 năm tính từ ngày khởi công, một con đê có tính chất cấp thiết như vậy vẫn chưa hoàn thành? Ông Lê Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Lộc cho biết: Đây là dự án đê ngăn lũ cho 4 xã: Vĩnh Hưng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc. Tổng chiều dài của toàn tuyến đê là 19,2km, riêng đoạn trọng điểm qua xã Vĩnh Hưng dài 6,2km. Dự án do UBND huyện Vĩnh Lộc làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn 249 tỷ đồng được cấp từ ngân sách trung ương. Theo dự kiến đê sẽ được thi công trong thời hạn hơn 3 năm (12/2010 – 6/2013). Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 11 của Trung ương có chủ trương về siết chặt đầu tư công đã khiến dự án rơi vào thảm cảnh thiếu vốn trầm trọng và phải dừng thi công từ cuối năm 2014.
Cũng theo ông Thao, tính đến thời điểm hiện tại, Ban quản lý dự án của huyện mới nghiệm thu được các hạng mục có tổng giá trị 163 tỷ đồng. Nhưng do thiếu vốn, địa phương mới chỉ thanh toán được cho nhà thầu là Cty Thành Nam 120 tỉ đồng. Nhà thầu đã nhiều lần có văn bản xin thanh toán nốt số tiền còn dư nợ cũng như tiếp tục cấp vốn để khởi động lại dự án nhưng huyện chưa có nguồn để trả do tắc vốn.