Từng nhận được nhiều kỳ vọng và phải bỏ ra số tiền rất lớn nhưng ở thời điểm kết thúc năm 2018, nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại TP HCM vẫn đang chậm tiến độ, thi công dang dở chưa biết khi nào mới hoàn thành. Điều đáng nói, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên không mới nhưng các dự án vẫn lặp đi lặp lại các khó khăn cũ.
Được khởi công từ năm 2010 đến nay, dự án mở rộng, nâng cấp Xa lộ Hà Nội và quốc lộ 1 có mục đích giảm ùn tắc ở khu vực cửa ngõ Đông Bắc thành phố. Với chiều dài khoảng 15,7 km từ chân cầu Sài Gòn đến điểm cuối là tiếp giáp với cầu Đồng Nai, dự án có tổng số vốn đầu tư là 2.500 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP HCM (CII) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, khu vực cuối dự án đi qua quận 9, tỉnh Bình Dương đến hiện nay vẫn ngổn ngang vật liệu xây dựng, gây ùn tắc giao thông liên miên cho người dân trong khu vực.
Theo chủ đầu tư, nguyên nhân khiến việc thi công chậm trễ là do công tác bàn giao mặt bằng cho nhà thầu của địa phương không đúng kế hoạch. Ngoài ra, dự án này cũng có một số đoạn thi công trùng lấn với khu vực nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên nhưng do tuyến metro chưa thi công xong nên dự án cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, dự án mở rộng tuyến Xa lộ Hà Nội không phải là dự án duy nhất ở TP HCM đang ở trong tình trạng dang dở mà nhiều dự án khác cũng tương tự, chưa biết khi nào hoàn thành. Điển hình là dự án xây dựng đường nối từ đại lộ Võ Văn Kiệt tới tuyến cao tốc TP HCM-Trung Lương dài 2,7 km trên địa bàn quận Bình Tân. Dự án này đã được khởi công từ năm 2015 với cam kết hoàn thành sau 20 tháng nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là các đoạn thi công manh mún, vật liệu công trình ngổn ngang. Tương tự, một trong những dự án kéo dài lâu nhất ở TP HCM nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành là dự án đường Vành đai 2.
Ngoài việc gây khó khăn trực tiếp cho người dân trong khu vực, hệ lụy của các dự án bị chậm trễ chính là tình trạng đội vốn. Với số tiền đầu tư dự kiến hàng nghìn tỷ đồng, các dự án đều bị đội vốn gấp 2, thậm chí gấp 3 lần khiến cho nguồn vốn từ ngân sách gần như không chi trả nổi. Ngoài việc cần thêm tiền, tình trạng đội vốn khiến các dự án lại vướng tiếp vào các thủ tục đầu tư từ các cấp cao hơn khiến cho việc thực hiện thêm công đoạn, tiếp tục kéo dài.
Một chuyên gia về hạ tầng giao thông cho biết, với các dự án quan trọng, có nguồn vốn đầu tư lớn thì có nhiều nguyên nhân khiến chúng bị chậm trễ. Đặc biệt, nhìn một cách tổng thể ở khu vực TP HCM thì thời gian qua, nhiều dự án bị ách tắc, chậm trễ bởi thủ tục đầu tư, nhất là các dự án thực hiện theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao) hay BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Để giải quyết vấn đề này cần có những chính sách đặc thù riêng biệt để “kích thích” các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, thay vì chỉ trông chờ vào đầu tư từ nguồn ngân sách.