Những ngày qua, khoảng vài chục người dân (ở xã Bình Chánh, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) bao vây nhà chủ hụi để đòi lại số tiền hàng chục tỷ đồng, vì gia đình này tuyên bố vỡ hụi. Trong số đó, có khá nhiều người hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chạy ăn từng bữa, gom góp được bao nhiêu đều “nộp” cho chủ hụi, nay có nguy cơ mất trắng.
Ai cũng biết, khi mà chủ hụi đã tuyên bố vỡ hụi, đồng nghĩa với việc những “con hụi” chỉ còn nước “lên chùa con chim” để đòi tiền. Lâu nay, có biết bao nhiêu vụ vỡ hụi mà phần thiệt thòi luôn thuộc về những người nông dân hai sương một nắng, quanh năm vất vả tối mắt tối mũi.
Trong không ít vụ vỡ hụi, có người bị mất trắng hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng đã đóng cho chủ hụi. Còn những người mất “lặt vặt” cỡ độ vài chục triệu hay vài triệu đồng thì nhiều không đếm xuể. Tại sao những “tấm gương tày liếp” đó lại không làm cho nhiều người khác biết sợ, tiếp tục “tạm ứng niềm tin” cho chủ hụi để rồi tay trắng?
Đơn giản là chơi hụi (họ) có lãi, thậm chí là lãi cao hơn nhiều lần lãi suất ngân hàng, nên nhiều người ham mà lao vào vòng xoáy đó. Khác với chơi hụi tương thân tương ái, tức là có 10 người chơi thì cứ lần lượt nhường nhau để lấy, người lấy đầu tiên cũng như người lấy cuối cùng đều không ai mất đồng nào, đóng bao nhiêu nhận về bấy nhiêu.
Chơi hụi đang phổ biến ngoài xã hội lại không giống như vậy. Trong số 10 người chơi, ai muốn lấy trước phải “đấu giá” với nhau, trả giá cao hơn sẽ được mua bát hụi. Khi đó, 9 người còn lại sẽ được chia đều số tiền người đầu tiên bỏ ra mua bát hụi. Vậy là thay vì phải đóng đủ X đồng/tháng, người chơi sẽ được trừ đi số tiền vừa chia.
Cứ như vậy cho tới người cuối cùng thì chẳng cần phải bỏ tiền ra mua mà đương nhiên sẽ được lấy bát hụi, trong khi hàng tháng họ không phải đóng đủ X đồng theo quy định, vì đã trừ đi số tiền được chia từ những người phải mua trước đó. “Lãi suất” cao như vậy buôn gì cho lại, ai mà chẳng ham, chẳng lao vào cuộc chơi?
Đó chính là “điểm yếu chết người” của nhiều người, nhất là những người nông dân chất phác thật thà, để các đối tượng xấu lợi dụng lừa đảo. Chẳng phải vẫn có câu “chim chết vì mồi” đó sao? Ở hầu hết các vụ lừa đảo hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, đều có nguyên nhân sâu xa xuất phát từ lòng tham của những “con mồi” mới bị dính bẫy.
Thực tế chứng minh rằng, 10 ông chủ hụi thì có đến 9,5 ông không “ngay ngắn” và khoản tiền góp hụi của người dân sẽ bị tiêu tán, bốc hơi. Có chủ hụi chủ động có ý định lừa đảo tiền bạc ngay từ đầu, nhưng cũng có những người do tiêu xài hoang phí cho cá nhân nên đã xâm phạm vào tiền góp hụi của người dân và không có khả năng thanh toán.
Song, dù chủ động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hay dùng tiền của người khác để “tạm tiêu” cũng không thể chấp nhận được, cần phải bị pháp luật nghiêm trị. Vấn đề ở chỗ, hành lang pháp lý điều chỉnh vấn đề này hiện nay chưa chặt chẽ, còn có một số lỗ hổng để kẻ xấu lợi dụng, còn cơ quan chức năng cũng khó xử lý.
Tôi từng được một số luật sư, thậm chí là cán bộ công an tâm sự rằng, rất khó xử lý hình sự những vụ vỡ hụi, bởi nó dấp dính giữa dân sự và hình sự. Nếu chủ hụi vẫn ở nguyên tại chỗ, không có biểu hiện bỏ trốn, cũng không hề tuyên bố là không trả tiền cho người góp hụi, thì cơ quan công an cũng khó lòng truy cứu trách nhiệm hình sự đối với họ.
Về nguyên tắc, quan hệ giữa chủ hụi và người chơi hụi là quan hệ dân sự. Nó chỉ có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự khi mà chủ hụi “vỡ nợ”, bỏ trốn khởi nơi cư trú... Còn nếu chủ hụi vẫn “an nhiên tự tại” ở nhà thì không đủ căn cứ để quy kết họ phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Chính vì hành lang pháp lý chưa chặt, nên mỗi người dân càng cần phải đề cao cảnh giác, chớ ham lãi cao mà tiền mất tật mang. Về lý thuyết là vậy, nhưng đâu phải ai cũng có được bản lĩnh không mê hơi đồng. Chẳng phải trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du cũng có câu “máu tham hễ thấy hơi đồng là mê” đó sao?
Đáng tiếc, rất nhiều người dù đã được nghe, được thấy những trường hợp “mất tiền oan” với chủ hụi, nhưng vì lòng tham, vì nghĩ rằng mình khôn hơn những người khác dễ gì bị lừa, nên vẫn mắc hợm. Trong số đó, có những người còn nghèo, phải đi rửa bát thuê để kiếm ăn qua ngày vẫn lao vào chơi hụi. Vậy là đáng giận hay đáng thương đây?