Sức khỏe

Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi

Đức Trân 31/12/2024 09:32

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 - 12 ca hiến tạng sau khi chết. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.

hiến tạng
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ cúi đầu mặc niệm tri ân người hiến tạng. Ảnh: BVCC.

Trong những ngày cuối cùng của năm 2024, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia nhận được cuộc gọi từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ về trường hợp bệnh nhân N.D.H. (41 tuổi, huyện Yên Lập, Phú Thọ) có dấu hiệu chết não, gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng khi sự sống không còn.

Theo đó, bệnh nhân N.D.H. đột ngột xuất hiện đau đầu dữ dội, lơ mơ, gọi không trả lời, gia đình đưa bệnh nhân vào Trung tâm Y tế huyện Yên Lập điều trị, thấy dấu hiệu bệnh tình không thuyên giảm bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ điều trị. Bệnh nhân bị xuất huyết não và được ekip bác sĩ điều trị tích cực nhưng bệnh tình không giảm.

Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia khởi động điều phối mô, tạng theo quy định. Trung tâm liên hệ với bệnh viện theo danh sách chờ ghép quốc gia để kịp thời gian “vàng” để ghép cho bệnh nhân đã định.

Ca điều phối mô, tạng từ bệnh nhân H. đang chạy đua với thời gian, thì đến ngày hôm sau, Trung tâm tiếp tục nhận được thông tin bệnh nhân T.X.L. (41 tuổi, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) bệnh nhân cũng bị xuất huyết não giống bệnh nhân H. Gia đình bệnh nhân L. cũng đưa ra quyết định hiến tặng mô, tạng khi sự sống không còn.

Dưới sự điều phối trực tiếp của Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, các tạng đã được đưa đến người nhận. Đó là 4 thận ghép cho 4 người bệnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ; 2 tim và 1 gan ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 1 gan ghép cho người bệnh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và 4 giác mạc được chuyển về Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương để ghép cho những người bệnh chờ ghép.

Như vậy, từ hai bệnh nhân chết não của Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, gia đình đã vượt qua nỗi đau, vượt qua những rào cản để hiến tặng mô, tạng người thân cứu giúp được 12 bệnh nhân khác. Được biết, những bệnh nhân được ghép từ hai ca hiến mô, tạng đang có tiến triển tốt.

Cũng trong những ngày cuối năm, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) thông tin vừa thực hiện ca ghép thận cho một bệnh nhi bị suy thận mạn giai đoạn cuối từ người hiến tạng chết não.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 nhận được thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia về một trường hợp hiến tạng từ bệnh nhân chết não tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.

Người hiến là một bệnh nhân 47 tuổi, nhập viện trong tình trạng nguy kịch với chẩn đoán xuất huyết não. Bệnh nhân đã được chẩn đoán chết não sau nỗ lực điều trị của đội ngũ nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương.

Bệnh nhi nhận thận là bé trai 13 tuổi, được chẩn đoán suy thận mạn giai đoạn cuối trên bệnh nền là viêm cầu thận IgA, đang lọc máu định kỳ tại bệnh viện nhưng không đáp ứng tốt với lịch lọc máu.

Sau khi xác nhận sự phù hợp của thận với bé trai tại Bệnh viện Nhi đồng 2, êkíp bắt đầu công tác lấy và vận chuyển tạng. Êkíp phẫu thuật bao gồm các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 2 và các chuyên gia đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy.

Sau ghép thành công, bệnh nhi được chuyển vào khu hồi sức để tiếp tục điều trị. Trong 24 giờ đầu, các xét nghiệm và cận lâm sàng kiểm tra cho thấy chức năng thận cải thiện đáng kể, thận ghép đang dần thích nghi với cơ thể. Các dấu hiệu tưới máu thận được theo dõi sát, kết quả cho thấy thận ghép hoạt động tốt. Đến nay tình trạng bệnh nhi đã ổn định, ăn uống được, tiểu khá và chức năng thận trở về bình thường.

Thông tin từ Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia cho biết, không chỉ bệnh nhi nói trên được “hồi sinh” nhờ tạng hiến của người hiến. Lá gan từ người hiến được chia đôi, cứu sống hai bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM. Hai quả thận đã mang lại hy vọng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi Trung ương. Giác mạc giúp người bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy phục hồi thị lực.

Thực tế cho thấy, một người chết não hiến tạng có thể cứu sống 6-8 người, giúp cải thiện sức khỏe cho gần 100 người, giúp giảm gánh nặng bệnh tật cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội. Góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và lan tỏa giá trị nhân văn, tinh thần tương thân tương ái, truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam.

Trong những năm gần đây, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 10 - 12 ca hiến tạng sau khi chết. Năm 2024, Việt Nam có 39 ca chết não gia đình đồng ý hiến tặng mô, tạng. Con số này chiếm gần 13% trong tổng số ca ghép tạng. Đây được coi là kỷ lục về ca hiến tạng tại Việt Nam.

Nhờ những nghĩa cử cao đẹp đó, những người bệnh ở khắp mọi miền đất nước đã có cơ hội sống khỏe mạnh, hạnh phúc hơn và viết tiếp hành trình cuộc đời. Những trái tim nhân ái đã rời đi nhưng những nhịp đập vẫn còn tiếp tục, mạnh mẽ hơn trong những cơ thể mới. Câu chuyện về tình người và sự sống sẽ được nhân lên từ nghĩa cử cao đẹp đang từng ngày được lan tỏa.

Ngày 30/12, Bộ Y tế phối hợp với UBND TPHCM, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi”. Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế đang đề xuất Chính phủ ban hành Ngày Hiến tạng Quốc gia là ngày 20/5 hàng năm (ngay sau ngày Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng). Bộ Y tế cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ đề xuất với Quốc hội cho phép sửa đổ, bổ sung Luật Hiến ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác để phù hợp với yêu cầu thực tiễn ngay trong năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi