Làm ra sản phẩm rất khó, bán hàng như thế nào cho hiệu quả càng khó hơn, song nhiều doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp đã làm tốt những khâu trên và được thị trường đánh giá cao. Tuy nhiên, ngoài sản xuất, bán hàng DN phải chú trọng việc đăng ký sở hữu trí tuệ tránh tình trạng công nghệ bị “cướp mất”.
Từ ý tưởng đến khởi nghiệp
Tốt nghiệp chuyên ngành tạo dáng sản phẩm khoa Mỹ thuật công nghiệp, Trường Đại học Kiến trúc TPHCM rồi ra trường làm ở vài nơi, cuối cùng Nguyễn Băng Nhi (26 tuổi, quê Bến Tre) vẫn quyết định bỏ phố về quê để khởi nghiệp từ những chiếc gáo dừa bỏ đi.
Chị Nhi cho hay: “Bến Tre nổi tiếng là xứ dừa và gáo dừa có thể làm được một số sản phẩm hữu dụng thay vì vứt lăn lóc. Nghĩ vậy, tôi quyết định rời TPHCM về Bến Tre để thực hiện những ý tưởng của mình. Tôi nghiên cứu rồi tự mày mò vẽ vời, cắt gọt chiếc gáo dừa để làm vòng tay, hoa tai, dây chuyền,... rồi khoe với bạn bè trên mạng xã hội. Kết quả, tôi nhận được nhiều phản hồi tích cực, ủng hộ sản phẩm của mình. Một số người khuyên tôi nên nhân rộng, đa dạng mẫu mã sản phẩm để chào hàng ra thị trường”.
Mạnh dạn đầu tư dụng cụ làm nghề và làm sản phẩm theo yêu cầu của khách, năm 2019, chị Nhi bắt đầu khởi nghiệp với thương hiệu Cocohand cùng một số đơn đặt hàng. “Bằng cả trái tim và nghệ thuật, tôi hy vọng những sản phẩm bằng nguyên liệu gáo dừa độc, lạ, đẹp của tôi có thể chinh phục thị trường trong và ngoài nước”, cô chủ nhỏ Cocohand bày tỏ.
Cũng xuất phát từ tình yêu quê hương và muốn cống hiến nhiều cho quê hương, anh Bùi Ngọc Cường (quê Hải Phòng) quyết định về nước phát triển gạo sạch sau khi tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh quốc tế, phát triển bền vững tại Hà Lan. Thành quả mà anh Cường đạt được là Công ty Cổ phần Thực phẩm An Biên ra đời với sản phẩm gạo sạch mang thương hiệu Ngỗng.
Ngoài việc tạo ra gạo sạch còn cám (không qua khâu đánh bóng) anh Cường còn nỗ lực tìm kiếm thị trường bằng hướng đi riêng. Kế hoạch đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng được anh Cường tổ chức bài bản thông qua những tour đưa khách đến tận nơi xem quy trình sản xuất nông sản sạch.
Trong chuyến đi trải nghiệm, mọi thắc mắc của khách hàng đều được đại diện thương hiệu gạo Ngỗng giải đáp tận tình. Bên cạnh tour “chuyến đi của Ngỗng”, DN trẻ này còn triển khai ý tưởng bán hàng theo Sổ gạo. Nghĩa là, khách hàng sẽ mua và thanh toán trước cho combor 60 - 100 - 200 kg gạo. Từ đó DN sẽ đặt hàng với nông dân. Như vậy, nông dân không lo tình trạng bí đầu ra.
Chủ thương hiệu Ngỗng khẳng định, hiện nay, sản phẩm gạo Ngỗng được nhiều người tiêu dùng chọn mua.
“Rất nhiều người tiêu dùng quan tâm đến sản phẩm tốt cho sức khỏe. Theo đó, mọi người cần gạo sạch, gạo nguyên cám không đánh bóng. Nông dân lại mong muốn sự ổn định về đầu ra cho sản phẩm trồng trọt. Vì vậy, tôi muốn đồng hành với nông dân nhằm tạo hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, nâng cao chất lượng và giá trị chế biến cho sản phẩm”, anh Cường chia sẻ.
Chú trọng bảo vệ thương hiệu
Theo nhận định của giới chuyên gia, không ít bạn trẻ có nhiều cách làm hay khi tạo ra được những sản phẩm đầy ấn tượng, chất lượng trong quá trình khởi nghiệp. Khâu bán hàng cũng được áp dụng đầy tính linh hoạt, mới mẻ, hiệu quả.
Là cầu nối đưa các sản phẩm “made in Vietnam” sang thị trường nước ngoài, bà Mai Thị Hồng - Điều phối viên Hiệp hội Hợp tác kinh doanh nông nghiệp Hà Lan - Việt Nam cho rằng: “Muốn xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước, phải nghiên cứu kỹ thị trường, từ đó biết được sản phẩm của DN đang ở đâu để tìm khách hàng phù hợp.
Đặc biệt, DN phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng. Bao bì đẹp là tốt nhưng phải rõ ràng thông tin về việc dùng sản phẩm tốt hay không, tốt như thế nào?”
Ông Nguyễn Lâm Viên - chủ DN Vinamit, một trong những người chuyên hỗ trợ DN khởi nghiệp băn khoăn: “Tôi rất muốn truyền cảm hứng cho các bạn trẻ khởi nghiệp. Tôi khởi nghiệp từ năm 2014 nên tôi hiểu các bạn khó khăn gì và sẵn sàng giúp đỡ. Các bạn đã và đang làm được nhờ sự sáng tạo, nhờ tình yêu với quê hương”.
Theo ông Viên, có rất nhiều sản phẩm khởi nghiệp của các bạn trẻ được thị trường trong và ngoài nước lựa chọn và tin dùng. Song, để sản phẩm phát triển bền vững DN nên đăng ký sở hữu trí tuệ để được cấp bằng sáng chế.
Về đăng ký sở hữu trí tuệ, TS Đàm Sao Mai - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nhận định: “Khởi nghiệp không đơn giản, vì nói dễ nhưng làm không dễ. Phải đăng ký quyền sở hữu công nghiệp liền sau khi sản phẩm ra đời, bằng không sớm muộn công nghệ của DN sẽ bị cướp mất”.
Theo bà Mai, việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ không quá khó. Khó nhất chính là phải viết hồ sơ sao cho không bị trả về.
“Trường hợp chậm đăng ký sở hữu trí tuệ thì nguy cơ sẽ bị vi phạm bản quyền, khi đó DN có thể bị phạt. Tôi thấy tiếc do nhiều DN khởi nghiệp vẫn đang còn mơ hồ trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Rất nhiều trường hợp nhầm lẫn khi đăng ký sở hữu trí tuệ, đó là đăng ký quyền sở hữu công nghiệp hay đăng ký nhãn hiệu” - bà Mai nhấn mạnh.