Thi thể chồng chất lên nhau. Một số người nằm dưới đất vẫn cố gắng di chuyển trong khi nhiều người khác gần như không còn cử động. Đó là những cảnh tượng hãi hùng sau vụ giẫm đạp ở thánh địa Mecca mà nhiều người đang muốn tìm hiểu nguyên nhân đằng sau nó.
Đã có hàng trăm nghìn người Hồi giáo đổ xô đến Mina để
tham dự nghi thức ném đá. (Nguồn: AP).
Chỉ một ngày sau thảm họa kinh hoàng khiến 717 người thiệt mạng xảy ra vào đúng ngày lễ Hajj hôm 24/9 ở Ả rập Saudi, một câu hỏi lớn đã được đặt ra: Điều gì đã gây nên vụ giẫm đạp hỗn loạn khiến vô số tín đồ Hồi giáo tham gia lễ hành hương này thiệt mạng?
Giới chức Ả rập Saudi trong hôm 25/9 cho biết họ vẫn đang cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến cho ngày lễ thiêng liêng được tổ chức thường niên ở thánh địa Mecca trở thành một thảm họa với con số thương vong quá lớn như vậy. Tuy nhiên, theo một số tín đồ tham gia lễ hành hương Hajj, thì có nhiều yếu tố đã gây nên thảm họa kinh hoàng này.
Quá nhiều người, quá ít thời gian
Được biết lễ Hajj năm nay thu hút đến trên 2 triệu tín đồ Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới, bởi đây là một nghi lễ hành hương mà bất kỳ người Hồi giáo nào cũng phải thực hiện ít nhất một lần trong đời, bất kể tình trạng về sức khỏe hay tài chính. Đối với nhiều người, đây còn là đỉnh cao tâm linh của cuộc đời họ và nhiều người còn tiết kiệm tiền trong suốt nhiều thập kỷ để thực hiện hành trình này.
Thêm vào đó, hàng triệu tín đồ này cần phải thực hiện một nghi lễ cầu nguyện trong suốt 5 ngày, trong đó có buổi lễ ném đá đuổi quỷ tổ chức ở Mina – cách thánh địa Mecca chỉ vài km. Và đó chính là nơi xảy ra vụ giẫm đạp kinh hoàng sáng 24-9, ngày thứ ba trong số 5 ngày lễ của Hajj.
“Có quá ít thời gian để hoàn thành các nghi lễ” – một tín đồ hành hương tên Ethar El-Katatney nói – “Mọi người ai cũng muốn thực hiện buổi lễ ném đá đầu tiên tổ chức trong buổi sáng”.
Việc nhiều tín đồ mong muốn trở thành người đầu tiên tới tham dự buổi lễ này đã khiến họ đổ dồn nhanh chóng về khu vực Mina, bởi vậy mà gây nên vụ giẫm đạp nói trên.
Nắng nóng và sự mệt mỏi
Ngoài ra, điều kiện thời tiết hết sức oi bức kéo theo sự mệt mỏi của người hành hương cũng là một nhân tố gây nên thảm họa này. Vào hôm xảy ra sự việc, nhiệt độ ở Mecca vào khoảng 43 độ C, nên những tín đồ một khi đã sụp đổ dưới cái nóng này dường như sẽ không thể đứng dậy ngay được.
“Có lúc tôi ra ngoài vài giờ để chụp ảnh và ghi hình. Và chỉ mới hai tiếng đồng hồ đứng dưới nắng đã khiến tôi chóng mặt và uể oải” – Ethar kể lại – “Nhưng bất chấp điều đó, mọi người vẫn tiếp tục buổi lễ của mình, và vụ giẫm đạp bắt đầu xảy ra”.
Ethar kể lại rằng, đó là một cảnh tượng kinh hoàng và hỗn loạn mà cô chưa từng chứng kiến trong đời: Thi thể chất đống, người ta đùn đẩy lẫn nhau, hoảng loạn, la hét…Trong thời tiết nắng nóng, nhiều người đã quỵ ngã và họ bị những người khác giẫm lên. Những người còn chống chịu được trong đám đông hỗn loạn ấy, ai cũng gắng đứng vững bằng mọi giá, bởi họ hiểu rằng ngã xuống đồng nghĩa với cái chết.
Cảnh tang thương sau thảm họa giẫm đạp ở Mecca. (Nguồn: AFP).
Hai dòng người đối đầu
Dù rằng giới chức Ả rập Saudi đã tỏ ra rất chuyên nghiệp trong việc tổ chức các lễ hội Hajj, nhưng nhiều tín đồ đến với dịp lễ năm nay là lần đầu tiên trong đời của họ và những người này chưa hề được trang bị kiến thức để có thể xử lý tình huống khi bị đẩy vào một đám đông hỗn loạn.
Đại tá Mansour Al-Turki, người phát ngôn của Bộ Nội vụ Ả rập Saudi, nói rằng có nhiều khả năng vụ giẫm đạp xảy ra là do nhiều tín đồ hành hương không tuân thủ các chỉ dẫn mà họ đã đưa ra. Nhiều người thậm chí còn tự ý tách ra đi theo lối riêng của mình, hoặc cố gắng chen lên trước.
Theo Ethar, vào thời điểm trước khi xảy ra vụ giẫm đạp, nhiều người còn cố gắng chen lấn để đi ngược chiều – một số đoàn người hướng đến khu vực diễn ra lễ ném đá, trong khi một số đoàn muốn quay trở lại thánh đường. Sau vụ giẫm đạp, các lực lượng cứu hộ đã phải mất nhiều giờ để cố gắng kéo những người bị nạn ra khỏi hiện trường.
Sự kiện xảy ra sáng 24/9 được cho là thảm họa tồi tệ nhất xảy ra ở Mina kể từ năm 1990 – thời điểm xảy ra một vụ giẫm đạp khác khiến 1.426 người chết đến nay. Hồi năm ngoái, hàng trăm tín đồ Hồi giáo cũng thiệt mạng trong dịp lễ Hajj. Vụ giẫm đạp kinh hoàng này cũng xảy ra chỉ cách 12 ngày sau khi một cần trục bị đổ sập khiến hơn 100 người chết ở Đại thánh đường, thuộc thánh địa Mecca.