Có tới 600 người là lãnh đạo cục đăng kiểm, cán bộ công chức viên chức, các kiểm định viên bị khởi tố.
Chiều 7/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời chất vấn. Đặt câu hỏi chất vấn, ĐB Đặng Bích Ngọc (Phó Chủ tịch Thường trực UB MTTQ Việt Nam tỉnh Hoà Bình) cho biết, trong thời gian qua, tại các trung tâm đăng kiểm nhiều nơi đã đóng cửa gây bức xúc và khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. “Qua tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến đề nghị tạo điều kiện để mở lại các trung tâm này. Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì để sớm triển khai nội dung này?”- bà Ngọc nêu rõ.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, vừa qua có một số nhân viên và lãnh đạo các trung tâm đăng kiểm bị khởi tố, hiện tại chưa mở lại được vì thiếu cán bộ và đăng kiểm viên. Cả nước hiện còn 2 tỉnh là Bắc Kạn và Hòa Bình chưa có trung tâm đăng kiểm nào được mở lại.
Ông Thắng cho biết đã làm việc với Bí thư Tỉnh ủy và Giám đốc Sở Giao thông vận tải để tìm giải pháp. Vừa qua, Bộ đã hỗ trợ địa phương đào tạo nhân lực, thi tuyển, cấp chứng chỉ để tìm người giữ cương vị lãnh đạo trung tâm đăng kiểm. Bộ cũng phối hợp với Sở địa phương bố trí đăng kiểm viên. Trung tâm đăng kiểm ở Hòa Bình sẽ sớm được mở lại.
Tranh luận lại, ĐB Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) cho rằng: Bộ trưởng cho rằng việc đăng kiểm phương tiện cơ giới hiện nay không đáng lo. Nhưng ông Giang cho rằng điều này chỉ đúng một phần. Giải pháp cấp bách như kéo giãn chu kỳ đăng kiểm với phương tiện cá nhân chỉ là trước mắt.
“75% các trung tâm đăng kiểm hiện nay là do các doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện. Doanh nghiệp khi đầu tư phải thu hồi lại vốn, nhưng với cơ chế tài chính hiện nay thì họ rất khó duy trì được trung tâm đăng kiểm mà họ đã xin phép lập ra. Đơn cử việc giãn chu kỳ đăng kiểm thì các trung tâm đăng kiểm tư nhân không có việc làm, không có thu nhập, nên đăng kiểm viên sẽ đi nơi khác. Doanh nghiệp vì thế sẽ phá sản”- ông Giang nói và đề nghị cần đổi mới cơ chế tài chính. Khi xã hội làm được thì cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước làm. “Đây mới là giải pháp lâu dài, chứ chỉ kéo giãn chu kỳ đăng kiểm mà vẫn giữ cơ chế tài chính cũ thì rất khó giữ các trung tâm đăng kiểm ngoài nhà nước”- ông Giang bày tỏ.
Về vấn đề trên, ông Thắng cho biết sự việc xảy ra tại Cục đăng kiểm trong thời gian qua là “hết sức nghiêm trọng”. Từ đó khiến người dân và doanh nghiệp rất vất vả trong việc đăng kiểm. Có tới 600 người là lãnh đạo cục đăng kiểm, cán bộ công chức viên chức, các kiểm định viên bị khởi tố. Trong 281 đơn vị đăng kiểm thì có đến 106 trung tâm đăng kiểm đóng cửa.
Chính vì thế, theo ông Thắng: Vừa qua Bộ đã phối hợp với Bộ Công an tập trung tháo gỡ làm thế nào để khôi phục toàn bộ các trung tâm đăng kiểm. Bộ đã nghiên cứu điều chỉnh lại các quy định đăng kiểm cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân. Đồng thời đang triển khai khắc phục, khôi phục hoạt động đăng kiểm. Rà soát lại toàn bộ hoạt động đăng kiểm để đảm bảo yêu cầu hiện đại, thông thoáng, chặt chẽ. Bộ đã ban hành Thông tư 02, trong đó đề cập đến việc miễn đăng kiểm lần đầu, giãn chu kỳ đăng kiểm để phù hợp với các quy định của các nước trong khu vực, cũng như ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh khi giãn chu kỳ đăng kiểm thì không cần thiết phải khám xe rồi mới cấp tem kiểm định. Việc làm này đã làm tiết kiệm thời gian cho hơn 1 triệu lượt xe.
“Còn một số việc cần làm để khôi phục hoạt động đăng kiểm. Bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính đưa vào dự thảo luật Giá để loại bỏ giá đăng kiểm ra khỏi danh mục giá Nhà nước quản lý, để thị trường quyết định, đảm bảo thu nhập cho các đăng kiểm viên. Bộ cũng đang tập trung tuyển dụng, đào tạo cán bộ đăng kiểm, để có đủ lực lượng bố trí trở lại tất cả các trung tâm đăng kiểm, để tất cả dây chuyền đăng kiểm khi có đủ lực lượng sẽ trở lại hoạt động bình thường. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu tối đa việc kiểm định thủ công, đồng thời thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm qua mạng, thanh toán chuyển khoản”-ông Thắng đưa ra giải pháp.