Chiều nay (27/3), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh và con trai Đỗ Hoàng Việt cùng 13 bị cáo khác.
Trong vụ án, các bị cáo bị Viện kiểm sát xác định sau khi bán 9 lô trái phiếu cho hàng nghìn người đã sử dụng tiền thu được không đúng mục đích, gây thiệt hại hơn 8.643 tỷ đồng.
Phía công tố cho rằng hành vi của họ phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", nhưng nay đã khắc phục đủ số tiền chiếm đoạt nên đề nghị tòa phạt Đỗ Anh Dũng từ 8 – 9 năm tù; Đỗ Hoàng Việt từ 4 – 5 năm tù, các bị cáo khác từ án treo đến 48 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự trong vụ án, Đỗ Anh Dũng đã "nộp thừa" 8.643 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ, đủ để trả toàn bộ tiền gốc cho khoảng 6.000 bị hại mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Như vậy, về số tiền gốc, giữa bị hại và các bị cáo đã không còn tranh cãi.
Tuy nhiên, các bị hại lại chia thành 2 nhóm khác nhau nếu tính theo yêu cầu về tiền lãi đến hạn, trả lãi chậm trả.
Nhóm thứ nhất, một số bị hại đề nghị được nhận lại tiền gốc họ bỏ ra mua trái phiếu, không cần tính lãi. Có người còn mong tòa án cho trả ngay khi tuyên án sơ thẩm và sẽ không kháng cáo; cần tách bạch họ với những bị hại khác có yêu cầu tiền lãi trái phiếu. Mục đích của nhóm này là nhận tiền luôn, không cần mất thêm thời gian chờ đợi nếu vụ án có kháng cáo hoặc kháng nghị, phải xử phúc thẩm.
Nhóm thứ hai là các bị hại đề nghị tòa tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường ngoài hợp đồng cho các thân chủ, bồi thường tổn thất tinh thần trong thời gian 2 năm qua họ mua trái phiếu nhưng không được hưởng lãi suất.
Một trong các luật sư bảo vệ cho nhóm này nêu quan điểm, do bị hại nhiều hoàn cảnh khác biệt, nên đề xuất tính lãi trái phiếu theo mặt bằng lãi ngân hàng.
Bị hại trong nhóm này trình bày, số tiền Tân Hoàng Minh đã nộp và số tiền cơ quan điều tra tịch thu quá trình điều tra đã được nộp lại và "ở kho bạc suốt thời gian đó cũng sinh lãi, vậy lãi đó để làm gì?". Họ nêu quan điểm, số tiền 100 - 200 triệu đồng có thể không lớn nhưng tính lãi suốt thời gian qua sẽ "là số tiền không nhỏ và có ý nghĩa lớn với nhiều người".
Bị cáo Đỗ Anh Dũng cũng trình bày quan điểm về tiền lãi, đề nghị trả lãi đầy đủ cho các trái phiếu bị hại đã mua trước khi ông bị bắt. Còn các khoản lãi trái phiếu sau thời điểm này, ông xin tuân theo phán quyết của tòa.
Cũng phân tích về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát bày tỏ sự chia sẻ với hoàn cảnh của các bị hại. Tuy nhiên, phía công tố cho rằng trong vụ án này, hành vi phạm tội đã hoàn thành khi tài sản thuộc quyền quản lý của bên chiếm đoạt.
Theo quy định, giao dịch trái phiếu giữa Tân Hoàng Minh và các bị hại là giao dịch dân sự, điều kiện có hiệu lực là phải đảm bảo mục đích giao dịch không vi phạm điều cấm pháp luật.
Trường hợp này, Viện kiểm sát khẳng định các hợp đồng trái phiếu vi phạm do đó sẽ được giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu nên các kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Chiều 22/3, trong phần nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã bật khóc. Bình tĩnh trở lại, vị này cho hay trải qua phiên tòa "với nhiều cảm xúc" và: "Đọng lại là sự ân hận, nuối tiếc về những gì mình làm trong thời gian qua".
"Tôi xin gửi tới các nhà đầu tư mua trái phiếu Tân Hoàng Minh lời xin lỗi chân thành. Tôi hiểu rằng các vị tin tưởng Tân Hoàng Minh nên mua trái phiếu. Ngày hôm nay, trước phiên tòa này tôi thành thật xin lỗi các nhà đầu tư, tôi thấu hiểu và xin chia sẻ những khó khăn của các nhà đầu tư", bị cáo Đỗ Anh Dũng nói.
Tiếp tục trình bày, bị cáo Dũng khẳng định trong hai năm qua, bản thân ông và con trai, gia đình đã cố gắng vượt bậc để gom được hơn 8.600 tỷ đồng, một số tiền vô cùng lớn, để khắc phục cho hàng nghìn bị hại trong vụ án. Đây là số tiền ông Dũng đã sử dụng và đến lúc này, có trách nhiệm thanh toán.
"Tôi chịu rất nhiều thiệt thòi để kiếm được số tiền này về trả cho quý vị. Tôi đã cùng gia đình, những người bạn thật sự hiểu và thương tôi đã giúp cho tôi số tiền này. Ơn này ghi mãi trong lòng", Chủ tịch Tân Hoàng Minh chia sẻ.
Bị cáo nói thêm, thời gian ở trại tam giạm như là "giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời" nhưng cũng là bài học vô cùng sâu sắc. Ông Dũng cùng nhìn lại: "63 năm cuộc đời vất vả cố gắng đem lại điều tốt đẹp cho gia đình, đóng góp xã hội dù bệnh tật, bị ung thư phải cắt 75% dạ dày".
Chủ tịch Tân Hoàng Minh kể trong 5 năm, đã đóng góp cho Hà Nội và các tỉnh hơn 300 tỷ đồng. Toàn bộ xe hút bụi hút rác tự động do Tân Hoàng Minh tài trợ, trong thời kỳ Covid-19, tập đoàn còn dành hơn 100 tỷ đồng cho Hà Nội, TP.HCM. Có năm, vào dịp sinh nhật, ông Dũng nhận quà bằng tiền 10 tỷ đồng và chuyển toàn bộ để ủng hộ TP.HCM…
Bị cáo Đỗ Anh Dũng tiếp tục khẳng định không có ý thức chiếm đoạt tiền của người mua trái phiếu, mong Viện kiểm sát và tòa án xem xét, thêm rằng: "Về hành vi tôi có thể sai nhưng không hề có ý thức chiếm đoạt. Chỉ mong hiểu đúng cho tôi, sai tôi xin nhận".
Khẳng định "sẵn sàng đón nhận phán quyết của tòa" nhưng bị cáo Dũng cũng mong: "Đánh kẻ chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại, xin HĐXX xem xét lại mức án đề nghị 8-9 năm tù. Tôi đã ở trại tạm giam 2 năm, những gì khó khăn nhất trong cuộc đời tôi đã trải qua".
Ông Đỗ Anh Dũng cũng nói rằng bị cáo Đỗ Hoàng Việt là "đứa con trai yêu quý nhất của tôi" và xin chịu hết trách nhiệm, để đồng nghiệp, con trai được nhanh chóng trở về xã hội..
Cũng nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Hoàng Việt xin tòa: "Giơ cao đánh khẽ, dành cho các anh chị đồng nghiệp được mức án tốt nhất, dành cho người cha đáng kính của bị cáo mức án khoan hồng nhất, nhân văn nhất".
Bị cáo Việt thêm rằng bản thân còn trẻ, đi du học sớm, khi làm đâu đó biết có sai nhưng không biết là mình làm gây ra vi phạm nặng nề như hiện nay. Trong 19 tháng tạm giam, bị cáo được tạo điều kiện trao đổi, đề nghị gia đình khắc phục số tiền sớm nhất, triệt để nhất.
"Với tinh thần như thế, trong 1 năm 4 tháng toàn bộ số tiền đã được khắc phục, đó là điều đúng đắn nhất, lời xin lỗi đúng đắn nhất dành cho các nhà đầu tư", Đỗ Hoàng Việt nói.