Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã ký Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu đặt ra là phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1-1,5%/năm.
Mục tiêu tổng quát của Chương trình là thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Về mục tiêu cụ thể: Phấn đấu giảm tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều từ 1-1,5%/năm; tỉ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm.
Đến năm 2025, phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia; 100% các huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu…
Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 cùng với hệ thống chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội cũng đặt ra chỉ tiêu góp phần giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Bao gồm: 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm; 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo xuống dưới 34%; Thực hiện hỗ trợ nhà ở cho ít nhất 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 95% các hộ gia đình sinh sống địa bàn huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được tiếp cận thông tin về giảm nghèo bền vững thông qua các hình thức xuất bản phẩm, sản phẩm truyền thông…
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững sẽ bao gồm 7 dự án và 9 tiểu dự án. Cụ thể, Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng (bao gồm 2 tiểu dự án); Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững (bao gồm 3 Tiểu dự án); Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin (bao gồm 2 tiểu dự án); Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình (Bao gồm 2 tiểu dự án).
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giai đoạn 2021-2025 tối thiểu là 75.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương: 48.000 tỉ đồng (chiếm 64%); Vốn ngân sách địa phương: 12.690 tỉ đồng (chiếm 16,92%); Huy động hợp pháp khác: 14.310 tỉ đồng (chiếm 19,08%). Chính phủ có giải pháp huy động các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn lực ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình bảo đảm hiệu quả.
Theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia giai đoạn 2022-2025, ước tính tại thời điểm tháng 1/2022, cả nước có khoảng 16,6% hộ dân cư có thu nhập dưới mức sống tối thiểu, tương ứng với khoảng 4,473 triệu hộ; trong đó, tỉ lệ hộ nghèo là 10,83%, tỉ lệ hộ cận nghèo là 5,77%.