Ngày 14/9, tại Hải Phòng, Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Hải Phòng phối hợp tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 14/9/2005 và Kết luận số 13-KL/TW ngày 28/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2020.
Ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo; ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng chủ trì hội nghị.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Chỉ đạo nhấn mạnh, phát triển vùng là một chủ trương lớn của Đảng, được khẳng định rõ trong Văn kiện Đại hội Đảng qua các nhiệm kỳ nhằm xây dựng quy hoạch, tổ chức không gian lãnh thổ quốc gia một cách hợp lý, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của mỗi vùng, địa phương và tăng cường tính liên kết nội vùng, liên vùng và khai thác tốt hơn các thế mạnh của các vùng, nội vùng trong phát triển.
“Nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo tiến hành tổng kết các Nghị quyết của cả 6 vùng kinh tế đã được ban hành cách đây gần 20 năm và sẽ ban hành các Nghị quyết mới nhằm định hướng cho phát triển các vùng đến 2030, định hướng đến 2045, là nội dụng cụ thể để thể chế hóa NQ ĐH 13”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết và nói thêm, phục vụ quá trình tổng kết, Ban Kinh tế Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo, ban hành Kế hoạch triển khai, đề nghị 20 Bộ ngành và 11 địa phương trong vùng tiến hành tổng kết theo Đề cương của Ban Chỉ đạo; đặt hàng nghiên cứu chuyên sâu các Viện, Trường đại học, Trung tâm nghiên cứu, các chuyên gia, nhà khoa học và tổ chức khảo sát thực tế tại một số địa phương trong vùng.
Hội nghị này là hội nghị cuối cùng lắng nghe ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện dự thảo trình kỳ họp Trung ương vào tháng 10 tới, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến trực tiếp về nội dung của dự thảo Báo cáo, nhất là về thành tựu đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm sau 17 năm thực hiện của toàn vùng và từng địa phương.
Trong đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh tình hình sắp tới, tình hình quốc tế và khu vực, các vấn đề an ninh truyền thống, phi truyền thống tác động đến nước ta nói chung và toàn vùng nói riêng; vì thế, để có cái nhìn toàn diện, đầy đủ từ đó thống nhất đưa ra các chủ trương, giải pháp phù hợp, về cạnh tranh địa chính trị, xung đột vũ trang; toàn cầu hóa, bảo hộ mậu dịch xu thế mới có thể tác động tới các nước như Việt Nam nhất là trong bối cảnh đất nước ta đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng vùng của chúng ta trong đó có Thủ đô Hà Nội là nơi đi đầu trong hội nhập quốc tế.
Từ bài học kinh nghiệm của 17 năm, ông Trần Tuấn Anh đề nghị các đại biểu tham gia ý kiến về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trên cơ sở chủ trương, định hướng phát triển vùng và các ngành, lĩnh vực tại Nghị quyết Đại hội XIII, các Nghị quyết chuyên đề khác của Trung ương, các Nghị quyết đại hội của các tỉnh, thành phố toàn vùng và bối cảnh tình hình mới.
"Đặc biệt, cần có nhiều đánh giá sâu, nhiều chiều về các tiềm năng, lợi thế, điều kiện kinh tế- xã hội trình độ phát triển của vùng, các địa phương; đề xuất, kiến nghị thêm về nhiệm vụ, giải pháp đột phá cho vùng, nhất là hình thành, phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế và các trung tâm kinh tế, vùng động lực mới; gợi mở các mô hình tốt, cách làm hay xuất phát từ thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và vùng để bổ sung các đánh giá và đề xuất nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thí điểm hoặc nhân rộng. Đánh giá sâu thêm về tiềm năng, lợi thế xã hội, liên kết vùng, tiểu vùng; liên vùng…", ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm 11 tỉnh, thành phố, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, Hải Phòng). Vùng có diện tích tự nhiên là 21.253 km2, chiếm 6,42% diện tích của cả nước; dân số 22,92 triệu người, chiếm 23,5% dân số cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước; là trung tâm về khoa học - công nghệ với đội ngũ trí thức trình độ cao; là trung tâm đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho cả nước với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu lớn; có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, nhiều cảnh quan, di tích nổi tiếng gắn liền với quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc; có Thủ đô Hà Nội, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học - công nghệ của cả nước và trong vùng có vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là một trong bốn vùng động lực phát triển kinh tế của cả nước.