Trước thềm năm học mới 2016 - 2017, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ sửa đổi một số điều mục trong Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT (Thông tư 30), ban hành quy định về đánh giá học sinh tiểu học, theo hướng sát với thực tế hơn. Những sửa đổi dự kiến sẽ được áp dụng trong năm học mới.
Ảnh minh họa.
Đánh giá học sinh còn khó khăn
Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học, có hiệu lực từ 15/10/2014. Thay vì dùng điểm số, giáo viên sẽ nhận xét kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.
Tổng hợp báo cáo mới nhất của 63 Sở GD&ĐT cuối năm học 2015-2016, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết: Thông tư 30 đã đi vào cuộc sống, hầu hết giáo viên đều nhận thức được tính nhân văn, những quan niệm mới. Giáo viên đã thay đổi, chuyển từ việc đánh giá nặng về kiến thức sang đánh giá toàn diện học sinh về cả năng lực và phẩm chất, chuyển từ đánh giá kết quả, chú trọng về điểm số sang nhận xét đánh giá quá trình học tập của học sinh. Cách đánh giá mới góp phần điều chỉnh cách dạy và học trong trường tiểu học.
Đặc biệt, học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Cán bộ quản lý, bước đầu đã quan tâm hơn đến việc tạo điều kiện cho giáo viên giúp đỡ, hỗ trợ học sinh phát huy tính tích cực trong học tập; góp phần giảm tình trạng dạy thêm, học thêm; khắc phục tình trạng chạy theo thành tích.
Chẳng hạn, theo ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Quân- Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên: Việc thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học, đã giúp học sinh giảm áp lực và điểm số khi làm các bài kiểm tra thường xuyên.
Bởi thế qua quá trình triển khai, để giáo viên có thể tiếp cận và thực hiện tốt hơn Thông tư này, Sở GD&ĐT Điện Biên đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý, giáo viên cấp tiểu học về phương pháp đánh giá, nhận xét. Trong đó đặc biệt chú trọng sự nhận biết của học sinh dựa trên thang nhận thức. Đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét đối với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên dạy các môn chuyên biệt sau thời gian triển khai thực hiện Thông tư 30.
Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng đội ngũ cốt cán cấp tỉnh, gắn với cơ sở, tăng cường kiểm tra, tư vấn hỗ trợ cơ sở, tổ chức các khóa bồi dưỡng cán bộ quản lý, tổ trưởng chuyên môn đáp ứng yêu cầu…
Sửa đổi cho phù hợp thực tiễn
Mặc dù vậy, cũng đã có không ít ý kiến phản biện lại về Thông tư 30 này. Nhiều giáo viên đến thời điểm này vẫn còn tỏ ra khá lúng túng khi đánh giá học sinh. Đã có không ít chuyện dở khóc dở cười sau tấm giấy khen của học sinh, khi giáo viên quá máy móc thực hiện các quy định đưa ra trong Thông tư, ví dụ như đưa nội dung nhận xét trong giấy khen là “khen từng mặt”; Hay nhiều giáo viên phải liệt kê ra hàng trăm, hàng nghìn câu khen các loại để tiện nhận xét học sinh ở từng môn...
Lắng nghe ý kiến của các địa phương và giáo viên, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận: Thực hiện Thông tư 30, đánh giá thường xuyên giáo viên còn có khó khăn, sĩ số lớp học vượt quá quy định. Bên cạnh đó vẫn còn cán bộ quản lý, giáo viên và cha mẹ học sinh chưa hiểu rõ bản chất, vai trò mục đích đánh giá thường xuyên và định kỳ; Phụ huynh vẫn còn định kiến việc đánh giá học sinh chỉ thông qua điểm số mới chính xác. Nhiều người chưa thấy sự khác biệt giữa đánh giá thường xuyên và đánh giá định kỳ hoặc nhận xét không chấm điểm, học sinh sẽ lười học; Phía đội ngũ giáo viên còn khó khăn là mất nhiều thời gian để viết nhận xét vào sổ theo dõi chất lượng giáo dục. Khả năng viết nhận xét còn hạn chế. Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh…
Trước tình hình đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện chương trình hành động đổi mới căn bản, toàn diện đối với giáo dục tiểu học, trong đó sửa đổi bổ sung một số điều thực hiện Thông tư 30; Tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Đây được xem là nội dung trọng tâm của giáo dục tiểu học trong năm học mới 2016-2017.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT chỉ đạo vẫn giữ nguyên tinh thần của Thông tư 30 là không chấm điểm thường xuyên để giảm áp lực cho học sinh, và thay vào đó một số sửa đổi dự kiến như: Nhận xét bằng lời nói trực tiếp đối với học sinh vào bất cứ thời điểm nào nếu cần thiết, không nhất thiết phải nhận xét vào vở để giảm tải cho giáo viên; Trao đổi trực tiếp qua thư, điện thoại với cha mẹ học sinh những nhận xét về học sinh nhằm tăng cường sự tương tác giữa gia đình và nhà trường; Sửa đổi một số quy định về nội dung đề bài kiểm tra định kỳ cho phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng và định hướng phát triển năng lực nhằm quan tâm hơn đến sự phát triển năng lực của học sinh.
Theo đó, các nhà trường cần tiếp tục triển khai đổi mới đánh giá học sinh theo phương hướng vận dụng linh hoạt vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của giáo viên, sĩ số lớp học, vùng miền; Thực hiện theo khả năng cho phép trong việc đánh giá thường xuyên để giúp học sinh nâng cao chất lượng giáo dục; Đặc biệt là sử dụng hiệu quả “Sổ tay đánh giá học sinh tiểu học”…
Theo Bộ GD&ĐT: Hiện dự thảo đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và sẽ được gửi cho các Sở GD&ĐT để lấy ý kiến ngay trong tháng 8/2016, để kịp thời được áp dụng từ năm học 2016-2017.
Về chỉ đạo thực hiện, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Khi có Thông tư sửa đổi, tất cả các thầy cô phải cùng thực hiện. Bởi trong thực tế, có một số thầy cô ngại thay đổi và không thay đổi được dẫn đến bức xúc. Vì thế cần phải phân biệt rõ đâu là bất cập về kiến thức, chuyên môn kĩ thuật, đâu là bất cập do thầy cô không đáp ứng được, hay do ý thức còn bảo thủ không đáp ứng?
Đồng thời, trong quá trình thực hiện Thông tư sửa đổi, các sở GD&ĐT cũng cần phải có trách nhiệm hướng dẫn tuyên truyền cho các thầy cô, địa phương hiểu rõ. Bậc tiểu học là bậc nền tảng nên các cháu phải được học tập, đánh giá hết sức rõ ràng, căn bản.