Kinh tế

Đánh giá tồn tại, vướng mắc kịp thời gỡ vướng cơ chế triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam

P.V 28/04/2024 18:00

Nhìn nhận rõ những tồn tại được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra, trên cơ sở các kết luận kiểm toán, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã và đang chỉ đạo các chủ đầu tư tiếp thu, giải trình, cũng như xử lý khắc phục nhằm “khơi thông” cơ chế qua kiểm toán cao tốc Bắc – Nam.

445-202405181007481.jpg
Thi công dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam. Ảnh: baokiemtoan.vn

Kiểm toán các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam trong năm 2024 là kịp thời

Khẳng định Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiểm toán các dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam trong năm 2024 là kịp thời, ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) - kỳ vọng, qua kiểm toán, KTNN sẽ đánh giá những tồn tại, vướng mắc trong thực hiện các cơ chế đặc thù, các quy định của pháp luật, từ đó đề xuất hoàn thiện, khơi thông cơ chế trong triển khai các dự án đầu tư thời gian tới.

Theo ông Minh, đến thời điểm này, Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có 11 dự án thành phần, hiện đã hoàn thành 9 dự án thành phần, còn 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo sẽ hoàn thành trong năm 2024. Giai đoạn 2021-2025, có 12 dự án thành phần đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khởi công ngày 01/01/2023. Dự án được Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong giải phóng mặt bằng, khai thác mỏ vật liệu, thực hiện đồng thời các bước nên đã rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư.

Việc áp dụng một loạt cơ chế đặc thù đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án. Có thể nói, với một dự án quan trọng quốc gia, với rất nhiều thủ tục, trình tự, liên quan đến rất nhiều Bộ, ngành, địa phương, cơ chế đặc thù cho dự án là rất quan trọng. Với quyết tâm chính trị cao nhất, sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, đặc biệt là việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành GTVT, do Thủ tướng Chính phủ trực tiếp điều hành, nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai dự án, liên quan đến từng đơn vị, từng địa phương đã nắm bắt và có chỉ đạo tháo gỡ từ cấp cao nhất, qua đó đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Dự kiến, với tiến độ triển khai các dự án như hiện nay, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2025.

445-202405181007482.png
Ông Nguyễn Thế Minh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng. Ảnh: N.LỘC

Quá trình triển khai xây dựng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã vào cuộc và có những kết luận, kiến nghị đối với từng dự án thành phần. Các kết luận kiểm toán đã đánh giá toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án từ khâu chuẩn bị đầu tư, quá trình đầu tư cho đến nghiệm thu, đưa vào khai thác đã được Bộ GTVT, các chủ đầu tư thực hiện cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật; các dự án sau khi hoàn thành đưa vào khai thác đã phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, KTNN cũng đã chỉ ra một số tồn tại, trong đó có việc liên quan đến công tác khảo sát, thiết kế, phê duyệt dự toán hay vấn đề giá mỏ vật liệu… Nhìn nhận rõ những tồn tại được KTNN chỉ ra, trên cơ sở các kết luận kiểm toán, Bộ GTVT cũng đã chỉ đạo các chủ đầu tư tiếp thu, giải trình, cũng như xử lý khắc phục. Đối với những nội dung còn tồn tại liên quan đến kết luận kiểm toán, nhất là nội dung liên quan đến vấn đề giá vật liệu, Bộ GTVT đang chỉ đạo các chủ đầu tư xác định lại giá để báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý. Có thể khẳng định, những kết luận của KTNN đã được Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện.

Kỳ vọng và đề xuất

Ông Minh cho biết, Bộ GTVT mong muốn KTNN vào kiểm toán ngay từ đầu trước khi thực hiện công tác chỉ định thầu, nhằm chỉ ra cho các chủ đầu tư những vấn đề cần điều chỉnh ngay để tránh tình trạng tiêu cực, thất thoát, lãng phí… KTNN đặt mục tiêu và kế hoạch triển khai kiểm toán các dự án trọng điểm trong năm 2024 là rất kịp thời. Bởi các dự án đều đang trong giai đoạn tổ chức triển khai thi công, đặc biệt là đối với các dự án đang triển khai đều áp dụng hình thức chỉ định thầu và rất nhiều vấn đề liên quan đến cơ chế đặc thù.

Do đó, Bộ GTVT mong muốn, qua kiểm toán, KTNN sẽ đánh giá được những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các cơ chế đặc thù, cũng như thực hiện các quy định của pháp luật, từ đó sẽ có những đề xuất với cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn thiện, khơi thông chính sách pháp luật về đầu tư dự án. Trong đó, KTNN cần tập trung đánh giá chính sách về mỏ vật liệu để làm sao tháo gỡ khó khăn. Phải làm thế nào để vấn đề mỏ vật liệu được khơi thông, không chỉ với dự án cao tốc Bắc - Nam hay các dự án đang được áp dụng cơ chế đặc thù mà còn với các dự án triển khai sau này, khi không còn cơ chế đặc thù. KTNN cần chỉ rõ, cần sửa quy định pháp luật nào, theo hướng như thế nào để khơi thông vấn đề này.

Hay vấn đề liên quan đến bất cập về định mức, đơn giá cũng cần sửa quy định pháp luật để đảm bảo chặt chẽ, khả thi. Bởi thực tế hiện nay, giao quyền lớn nhưng chủ đầu tư không làm được và không dám làm. Đó là điều chúng tôi rất mong muốn KTNN giúp cho ngành GTVT, trong bối cảnh yêu cầu, mục tiêu đặt ra rất lớn. Nếu chúng ta tháo gỡ được những bất cập này thì sẽ giúp cho việc triển khai các dự án thuận lợi hơn, tiến độ thực hiện nhanh hơn. Bên cạnh đó, các chính sách pháp luật về đất đai, liên quan đến việc chuyển đổi đất rừng, đất lúa… cũng cần có những chính sách khả thi hơn để tháo gỡ bất cập hiện nay. Tôi tin rằng, khi những chính sách này được hoàn thiện, bám sát thực tiễn, sẽ góp phần thúc đẩy, giúp cho công tác quản lý của Bộ GTVT, của các chủ đầu tư dự án sẽ tốt lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đánh giá tồn tại, vướng mắc kịp thời gỡ vướng cơ chế triển khai dự án cao tốc Bắc – Nam