Với nhiều quốc gia, du lịch đêm được xem là “mỏ vàng” thu hút khách. Khai thác tốt tiềm năng kinh tế ban đêm sẽ thúc đẩy việc mua sắm, chi tiêu của du khách, đồng thời là đòn bẩy cho kinh tế địa phương. Tuy nhiên, tại Việt Nam, du lịch đêm vẫn chưa phát huy được thế mạnh.
Đánh thức tiềm năng
Với sự phát triển của du lịch Việt Nam, đặc biệt sau khi mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19, du lịch đêm đang là một trong những sản phẩm trọng điểm mà nhiều địa phương hướng đến.
Tại Hà Nội, thời gian qua hàng loạt điểm đến đã cho ra mắt các tour du lịch đêm nhằm thu hút khách và cũng là một cách để làm mới chính mình. Có thể kể đến chương trình “Đêm thiêng liêng” tại Nhà tù Hỏa Lò, “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tour văn học “Chữ tâm chữ tài” tại Bảo tàng Văn học Việt Nam… Bên cạnh đó, nhiều điểm đến di tích thay vì chỉ mở cửa trong giờ hành chính cũng đã thay đổi tư duy khi đã sáng đèn về đêm, như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn… Cùng với đó là các mô hình phố đi bộ đang hoạt động khá hiệu quả về đêm tại hồ Gươm, đảo Ngọc - Ngũ Xã…
Không chỉ Hà Nội, mô hình du lịch đêm hiện nay cũng đã và đang được nhân rộng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Tại TPHCM có phố Bùi Viện, chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Hội An (Quảng Nam) với chương trình thực cảnh “Ký ức Hội An”. Quảng Ninh với phố đêm du thuyền. Cần Thơ với các chương trình nghệ thuật về đêm mang đậm nét văn hoá miền Tây sông nước…
Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển du lịch ban đêm nhờ vào nghệ thuật ẩm thực đặc sắc, giới trẻ đông, thời tiết ban đêm tương đối dễ chịu. Tuy nhiên, theo ông Khánh, để dịch vụ đêm phục vụ khách du lịch thực sự là đòn bẩy giúp phát triển kinh tế thì cần đặt cộng đồng lên hàng đầu, lấy lợi ích của cộng đồng làm tiêu chí để quy hoạch, xây dựng quy chế, chế tài cho phù hợp với hoạt động du lịch dịch vụ đêm. Các địa phương cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chính quyền, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tham gia vào mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm. Bên cạnh đó cần thống kê, tổng hợp, đánh giá, dự báo hàng năm về thị trường khách và sản phẩm phù hợp để định hướng xúc tiến quảng bá du lịch hướng tới khách du lịch quốc tế lưu trú dài ngày và chi tiêu cao.
“Để phát triển du lịch đêm hiệu quả, các địa phương cần quan tâm đến công tác phối hợp liên ngành, có giải pháp quản lý đồng bộ, toàn diện để đảm bảo chất lượng dịch vụ, an ninh an toàn cho khách du lịch và cộng đồng cư dân địa phương” - ông Khánh bày tỏ.
Xây dựng các sản phẩm đặc sắc
Thực tế cho thấy, tiềm năng của du lịch đêm tại Việt Nam phong phú, đang hiện hữu và cũng đang “manh nha” ở một số địa phương. Tuy nhiên, cho dù thời gian qua đã có sự cởi mở hơn về chính sách nhưng mô hình này vẫn chưa thật sự mang lại hiệu quả kinh tế như kỳ vọng. Không ít du khách khi đến Việt Nam không tìm được các điểm vui chơi, mua sắm mong muốn vào những khung giờ muộn. Thậm chí, ngay du khách trong nước khi đến các điểm du lịch dù rất nổi tiếng nhưng không biết đi đâu, làm gì bởi các mô hình dịch vụ ở các địa phương đều na ná nhau, không khác gì ở nhà. Ở đó, hầu hết các sản phẩm du lịch đêm hiện nay vẫn chỉ quẩn quanh ở các hoạt động như quán bar, vũ trường, cafe, phố đi bộ, ẩm thực đêm, chợ đêm… khá đơn điệu.
Không chỉ khó trong việc xây dựng được các sản phẩm đặc sắc, việc phát triển du lịch đêm còn gặp phải những rào cản cả về nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Đơn cử như việc tổ chức các chương trình nghệ thuật tại không gian phố đi bộ nhiều năm qua đã tạo nên tình trạng ô nhiễm tiếng ồn. Với nhiều người dân hiện đang sinh sống tại những khu vực phố đi bộ vào những ngày cuối tuần luôn là những cơn “ác mộng” bởi vô vàn tạp âm với công suất lớn bủa vây. Chưa kể là rủi ro về cháy nổ, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật… luôn rình rập tại mỗi điểm đến khi quá tải.
Theo ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, muốn du lịch ban đêm phát triển cần phải có bộ máy và cơ chế quản lý phù hợp; quy hoạch cụ thể; có không gian và thời gian thích hợp. Hay nhất và hiệu quả nhất phải tập trung vào văn hóa ẩm thực, những loại sản phẩm có tính chất địa phương. Ông Thắng cũng cho rằng, chúng ta có nền ẩm thực cực kỳ phong phú, trong khi đó, dịch vụ ăn uống chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tiêu dùng ban đêm. Bên cạnh đó, không thể thiếu yếu tố giải trí, khai thác được hệ thống di tích văn hóa - lịch sử, hệ thống bảo tàng, nhà hát… Do đó, các điểm đến nên xây dựng nhiều phiên bản tour đêm khác nhau để đáp ứng những đối tượng khách khác nhau. Cần có những phiên bản riêng cho người nước ngoài với trải nghiệm phù hợp và nội dung thuyết minh tiếng nước ngoài hấp dẫn. Để làm được điều này, ngoài việc tạo không gian trải nghiệm mới, các điểm đến cần đào tạo đội ngũ nhân sự, đưa thêm những ứng dụng công nghệ để hỗ trợ thông tin cho du khách.
Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, cần điều chỉnh hoặc bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng đô thị phân khu đặc biệt cho du lịch ban đêm biệt lập với các khu dân cư tập trung, nơi tổ chức cung cấp các dịch vụ được xem là “nhạy cảm” hoặc gây âm thanh, ánh sáng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm của cộng đồng. Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần tham khảo ý kiến cộng đồng để có thể có những điều chỉnh phù hợp nhằm hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hoạt động kinh tế đến văn hoá và cuộc sống của người dân địa phương. Bên cạnh đó, khung pháp lý cần đảm bảo tính khoa học, phù hợp với từng đối tượng, văn hóa khác nhau và đảm bảo tính toán cân bằng giữa lợi ích mà kinh tế đêm trong hoạt động du lịch mang lại và những mặt trái tiềm ẩn của kinh tế đêm.
Theo ông Nguyễn Công Hoan - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Flamingo Redtours, để tăng chất và sức hấp dẫn cho sản phẩm du lịch đêm, cần phải có quy hoạch rõ ràng, điều chỉnh sao cho phù hợp với từng địa phương. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch đêm cần sự mới mẻ, cởi mở hơn sao cho phù hợp với xu hướng thế giới nhưng không đánh mất bản sắc văn hóa vùng miền. Cần nghiên cứu tính toán cụ thể việc đầu tư và thu hút đầu tư vào những loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch đêm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.