Công viên địa chất Lạng Sơn với tổng diện tích gần 3.900 km2 thuộc phạm vi hành chính của 5 huyện Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng và Hữu Lũng.
Đây không chỉ là hệ thống địa chất - địa mạo, không gian cảnh quan, đa dạng sinh học phong phú, mà còn hội tụ đầy đủ 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, tạo nên một vùng Công viên địa chất vừa đa dạng, thống nhất, lại có những nét đặc trưng, bản sắc riêng trong không gian văn hóa Xứ Lạng.
Công viên địa chất Lạng Sơn được thành lập theo Quyết định số 2424/QĐ-UBND ngày 13/12/2021 của UBND tỉnh Lạng Sơn, gồm phạm vi hành chính của 5 huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Văn Quan, Chi Lăng, Hữu Lũng với tổng diện tích 3.845,8 km2. Đây là khu vực có địa hình núi đá vôi và hang động karst chứa những giá trị to lớn về khảo cổ học và văn hóa, đa dạng sinh học và khoáng sản.
Đặc biệt, khu vực công viên địa chất Lạng Sơn hiện còn bảo tồn được đầy đủ 7 nhóm loại hình di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Tiếng nói và chữ viết, tập quán xã hội, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian.
Tại khu vực này, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều dấu tích sơ kỳ đá mới “Văn hóa Bắc Sơn”. Huyện Bắc Sơn còn là “địa chỉ đỏ” với nhiều di tích lịch sử cách mạng vẫn được lưu giữ bảo tồn như Di tích Khuổi Nọi, Đình Nông Lục, Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn; hội tụ đa dạng các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Mông.
Là địa phương nằm trong vùng Công viên địa chất, huyện Bắc Sơn cũng đã xây dựng đề án bảo tồn và phát triển du lịch dựa trên lợi thế này với mong muốn Công viên địa chất là động lực mới để thay đổi diện mạo Bắc Sơn. Bà Đỗ Thanh Loan, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Bắc Sơn cho biết đây là cơ hội rất tốt để Bắc Sơn triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch, thu hút nhiều nhà đầu tư đến, góp phần nâng cao thu nhập đời sống cho bà con nhân dân, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Theo đánh giá từ chuyên gia, công viên địa chất Lạng Sơn nằm trên khu vực có nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm nét vùng cao và đặc sắc về tín ngưỡng. Do đó, để quản lý và phát triển kinh tế bền vững, UBND tỉnh Lạng Sơn đã nghiên cứu rà soát thêm về công tác bảo vệ các vùng đá vôi bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, hướng đến mục tiêu người dân có thể sống được từ du lịch.
Trước mắt, người dân đã bắt đầu khai thác các dịch vụ như trò chơi leo núi mạo hiểm. Môn thể thao đòi hỏi thể lực, sự khéo léo và lòng can đảm. Khi chinh phục được những ngọn núi cao nơi đây, du khách có thể phóng tầm mắt tận hưởng khung cảnh đồng lúa, nương ngô xanh mướt phía dưới. Nếu không yêu thích leo núi, du khách có thể thả mình trong làn nước xanh mát tại các hồ tắm trong núi như Mỏ Cả, Mỏ Mây...
Anh Roy Ron, du khách Pháp vừa trải nghiệm dịch vụ này cho biết anh đã trở lại đây 3 lần bởi khung cảnh nơi đây có sức hấp dẫn lớn. Khi leo lên trên cao, du khách sẽ được đền đáp bởi sự yên bình của làng quê của người dân bản địa cùng những ruộng ngô, lúa. Đó là điều gây thương nhớ và luôn thôi thúc tôi trở lại nơi này.
Tại Hội thảo Khoa học đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong vùng công viên địa chất được tổ chức hồi tháng 8, các nhà khoa học, các đại biểu đã làm rõ một số vấn đề, thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể tại công viên địa chất; kiến nghị, giải pháp nâng cao vai trò chủ thể của cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá, phát huy các thế mạnh di sản của vùng công viên địa chất gắn với phát triển du lịch.
Đây là cơ sở để, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong vùng công viên địa chất Lạng Sơn”.
Trước đó, tỉnh Lạng Sơn đã đặc biệt chú trọng tới việc xây dựng và thực hiện chương trình tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch trong Công viên địa chất Lạng Sơn; xây dựng và triển khai nhiều chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng về di sản và Công viên địa chất Lạng Sơn nhất là giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc trong vùng Công viên địa chất gắn với phát triển du lịch bền vững; tìm hiểu hệ thống di sản Hán Nôm vùng công viên địa chất tỉnh lạng sơn; khai thác các di sản văn hóa phi vật thể để phát triển kinh tế, xã hội trong Công viên địa chất Lạng Sơn…
Về lâu dài, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể khu du lịch trọng điểm quốc gia với những nội dung cụ thể, bài bản, qua đó không chỉ nâng tầm du lịch Lạng Sơn mà còn góp phần nâng cao sinh kế cho đồng bào trong khu vực. Đây cũng là cơ sở khoa học để hoàn thiện hồ sơ, trình các cấp có thẩm quyền công nhận Công viên địa chất toàn cầu tỉnh Lạng Sơn thời gian tới.
Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Quản lý Công viên địa chất tỉnh Lạng Sơn cho biết: Muốn phát triển xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn thì Lạng Sơn xác định rõ phải phát triển bền vững, lâu dài, gắn với giá trị riêng biệt. Những giá trị tài nguyên, địa chất địa mạo, giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể thì Lạng Sơn đều hội tụ đầy đủ để trở thành Công viên địa chất toàn cầu. Và nếu hòa vào được mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu thì việc quảng bá hình ảnh về du lịch Lạng Sơn nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ tới được đông đảo du khách trong và ngoài nước”.
Hiện tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận dãy núi đá vôi và thung lũng Bắc Sơn là công viên địa chất toàn cầu và có những chiến lược về giáo dục cộng đồng; bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển du lịch... nhằm bảo tồn và phát huy giá trị tổng thể của di sản địa chất và các loại hình di sản khác, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của khu vực Công viên địa chất nói riêng, Lạng Sơn và các tỉnh Đông Bắc Việt Nam nói chung.