Để ngành công nghiệp không khói sớm phục hồi trong điều kiện bình thường mới trong thời gian tới, du lịch nông thôn đang là một hướng phát triển tương đối khả quan.
Đến nay, trên cả nước có khoảng gần 400 điểm khai thác hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn, trong đó phần lớn đang được khai thác theo mô hình du lịch cộng đồng. Nhiều địa phương như Lào Cai, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Hoà Bình, Hà Giang, Tiền Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế…đã trở thành điểm đến có các sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu.
Bên cạnh đó, nhiều mô hình khai thác nông nghiệp như vườn rau thủy canh, đồi chè, hoa công nghệ cao ở Lâm Đồng, Củ Chi; vườn điều ở Bình Phước, Đồng Nai; trái cây nhà vườn tại Bình Dương, trang trại nho Ninh Thuận, làng nghề ở An Giang trở thành những sản phẩm du lịch mới có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước…
Tuy nhiên, nhìn vào sự phát triển của du lịch nông thôn dù cơ hội rất nhiều, nhưng làm thế nào để các cộng đồng nông thôn, cộng đồng dân tộc thiểu số nắm bắt được cơ hội là một câu hỏi khó, khi ngay cả những doanh nghiệp lớn còn đang lúng túng, loay hoay với bài toán “cơm áo gạo tiền cho qua đại dịch và chưa sẵn sàng cho tương lai. Điều đó lại càng khó khăn hơn nữa khi những điểm yếu mang tính cố hữu và hệ thống của du lịch nông thôn không được giải quyết. Theo thống kê chưa đầy đủ của ngành Du lịch, ước tính mỗi tỉnh có khoảng 500 - 1.000 lao động tham gia vào lĩnh vực du lịch, trong đó lao động du lịch nông thôn chỉ chiếm khoảng 5 - 15%, chủ yếu là lao động gián tiếp.
Chuyên gia du lịch cộng đồng Dương Minh Bình nhìn nhận, du lịch nông thôn cần sự phối hợp của nhiều bên, từ người dân, chính quyền, các công ty du lịch…mỗi nhân tố này lại có một mục tiêu và động lực khác nhau. Vì vậy, không ngạc nhiên nếu các dự án du lịch nông thôn thiếu sự tham gia của đầy đủ các nhân tố trong chuỗi giá trị, thường chỉ làm tốt một mảng nào đó trong khi chỉ thiếu một yếu tố thôi là dự án sẽ không thành công.
Bên cạnh đó, về phía người dân, tâm lý mình ở thế nào cho khách ở như vậy đã tạo nên những bất cập trong chất lượng dịch vụ. Ở chiều hướng khác, một số nơi người dân làm được các mô hình homestay tạo doanh thu cao nhưng lại gây ra nguy cơ chia rẽ cộng đồng. Ngoài ra, về phía chính quyền các cấp, dù ghi nhận chương trình Nông thôn mới đã tạo nên những thay đổi đột biến cho bộ mặt nông thôn, nhưng việc đầu tư cơ sở hạ tầng tại địa phương nhiều khi đã phá vỡ cảnh quan, bê tông hóa quá mức khiến cho sự hấp dẫn của điểm đến sụt giảm.
Để giải quyết hài hoà trong việc phát triển du lịch nông thôn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Thị Thanh Hương cho rằng, du lịch nông thôn cần phát triển theo các định hướng như đồng bộ với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
“Cái “bắt tay” giữa ngành du lịch và nông nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều hiệu quả, góp phần thực hiện đồng thời hai mục tiêu quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững. Chỉ có như vậy, du lịch nông thôn ở Việt Nam mới được đánh thức” - bà Hương nói.