Tại đề xuất ban hành Luật Thuế bất động sản đang được Bộ Tư pháp tổng hợp lấy ý kiến, cơ quan này đã đề nghị đánh thuế cao với căn hộ chung cư giá trên 50 triệu đồng/m2, đồng thời tách riêng đất ở và nhà ở để đánh thuế bất động sản. Tuy nhiên, đề xuất này đang nhận nhiều được ý kiến khác nhau.
Đội thêm chi phí, giá tiếp tục tăng
Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nguồn cung bất động sản (BĐS) cao cấp - chung cư giá trên 50 triệu đồng/m2; trung cấp - chung cư giá trên 30 triệu đồng/m2; BĐS du lịch đang dư thừa, có loại hình đã vượt dự báo nhu cầu đến năm 2025. Trong khi thị trường lại thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá phù hợp, phân khúc bình dân (chung cư dưới 30 triệu đồng/m2).
Do đó, theo đề xuất, với nhà chung cư, bao gồm cả đất xây dựng nhà chung cư, định hướng quy định thuế suất thuế BĐS như sau: Ngưỡng chịu thuế đối với nhà chung cư đảm bảo điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, nhà chung cư bình dân; không ảnh hưởng tới cung - cầu thị trường BĐS, hạn chế tác động đến phân khúc căn hộ bình dân (đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân sẽ thuộc đối tượng miễn thuế). Thực hiện điều tiết cao đối với căn hộ cao cấp (mức giá trên 50 triệu đồng/m2) góp phần đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của các tầng lớp dân cư. Về thuế suất, với nhà chung cư, giá tính thuế được xác định bao gồm cả giá trị đất và giá trị nhà.
Nhiều ý kiến cho rằng, thuế BĐS hiện nay thấp nên giúp cho việc đầu tư BĐS “lời” hơn so với việc đầu tư sản xuất kinh doanh. Vì vậy dẫn tới hiện tượng các nhà đầu cơ “găm” đất, “găm” nhà khiến nhiều dự án đô thị bị bỏ hoang và giá đất tăng cao. Chưa kể các doanh nghiệp (DN) cũng tập trung phát triển nhà chung cư cao cấp, mà quên đi phát triển nhà ở xã hội, nhà thu nhập thấp. Phần lớn giá nhà chung cư hiện nay đang ở mức phổ biến trên 30 triệu đồng/m2. Do vậy cần phải đánh thuế chung cư có giá trị cao để điều tiết xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, mục tiêu của đánh thuế cao với căn hộ trên 50 triệu đồng/m2 để hạn chế số lượng nhà ở cao cấp, giúp phân bổ hợp lý các dòng sản phẩm từ thấp đến cao cấp. Nhưng nếu đánh thuế mà lại làm giá nhà tăng cao hơn nữa, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh hậu quả. Ông Đính cũng cho rằng hiện DN làm nhà ở xã hội, nhà ở công nhân gặp khó khăn về pháp lý. Còn làm nhà ở thương mại cao cấp mà đánh thuế cao sẽ làm khó khăn cho DN vì không bán được hàng nhưng bị đội thêm chi phí khiến giá tiếp tục tăng.
Cần nhưng không vội
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ cho biết, từ năm 2008 Bộ Tài chính đã nghiên cứu và đưa ra đề xuất xây dựng Luật Thuế tài sản. Sau đó, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra nội dung đánh thuế vào căn nhà thứ 2, nhà giá trị cao… nhưng chưa được chấp nhận. Đến thời điểm này việc ban hành Luật Thuế tài sản, BĐS đã muộn nhưng vẫn phải nghiên cứu kỹ để làm, phải cải cách để phù hợp với thực tế.
“Có nhiều vấn đề phải xem xét kỹ, đối tượng nào thì tăng thu và đối tượng nào thì giảm thu, thậm chí miễn thuế. Những người có nhiều BĐS mang tính đầu cơ phải tăng thuế” - ông Võ nói.
Cũng theo ông Võ, một trong những điều băn khoăn là người có nhiều BĐS có thể nhờ vợ, con, bố, mẹ, họ hàng, bạn bè đứng tên hộ. Thời gian vừa qua cũng đã rộ thông tin người nước ngoài đang mượn người Việt Nam đứng tên hộ BĐS của họ. Bộ luật Dân sự cũng phải sửa đổi sao cho ngăn chặn được các trường hợp đứng tên hộ BĐS bằng cách có xử lý đối với những trường hợp không giải thích được nguồn gốc, có chế tài xử lý đối với các trường hợp bị phát hiện giả danh. Nói chung, chậm chuyển đổi số thì khó có thể có một Luật Thuế BĐS hiệu quả.
Còn TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với Luật Thuế tài sản hay BĐS cần đánh thuế tài sản gồm đất và tài sản xây dựng trên đất với thuế suất dưới 1% và được cơ quan nhà nước hoặc công ty định giá độc lập thẩm định làm cơ sở để đánh thuế. Cơ quan chức năng cần tính toán ngưỡng chịu thuế ở mức trên 1 tỷ đồng/giá trị căn nhà để hỗ trợ người nghèo, người có thu nhập thấp không phải đóng thuế.
Song ở góc độ người dân, việc đánh thuế cao với căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2 dường như không nhận được sự đồng tình. Theo anh Minh Duy (quận Đống Đa, Hà Nội) hiện nay giá chung cư, căn hộ khu vực nội thành tăng giá liên tục. Hầu hết những căn hộ ở quận Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình có mức giá trên 50 triệu đồng/m2, nếu đánh thuế cao sẽ khiến số lượng căn hộ này dư thừa.
Anh Duy chia sẻ, căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2 chủ yếu tập trung ở các quận nội thành và các khu vực đông dân cư. Một số địa bàn còn rơi vào khoảng 70-90 triệu đồng/ m2. Như báo cáo của nhiều bộ, ngành thời gian qua thì những căn hộ cao cấp như vậy đang có nguồn cung dư thừa. Nếu thực hiện việc áp thuế cao thì giá căn căn hộ trong nội thành sẽ tăng thêm, chắc chắn sẽ càng gây khó khăn cho người có nhu cầu mua nhà chung cư.
Một số ý kiến cho rằng đề xuất đánh thuế cao với căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2 cần phải xem xét kỹ lưỡng, vì hiện nay các loại thuế chuyển nhượng BĐS hay thuế trước bạ đã đủ rồi nếu tiếp tục thuế chồng thuế, tách riêng cả thuế nhà, thuế đất sẽ khiến người dân càng khó mua nhà. Mục tiêu của đánh thuế cao với căn hộ có giá trên 50 triệu đồng/m2 để hạn chế số lượng nhà ở cao cấp, giúp phân bổ hợp lý các dòng sản phẩm từ thấp cấp đến cao cấp. Nhưng nếu đánh thuế mà lại làm giá nhà tăng cao hơn nữa, cuối cùng người tiêu dùng phải gánh hậu quả. Và việc đó cũng tăng thêm khó khăn cho các chủ đầu tư.