Năm 2016, Việt Nam có khoảng 60 phim truyện điện ảnh được sản xuất và đã, đang, sắp ra rạp. Số lượng nhiều nhưng không có những bộ phim đạt doanh thu kỷ lục như năm ngoái, thậm chí nhiều phim bị lỗ. Vấn đề chất lượng nhìn chung vẫn còn nhiều điều đáng bàn.
Đạo diễn Phan Đăng Di.
Đó là ý kiến của đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận về bức tranh điện ảnh Việt Nam một năm qua. Đạo diễn của “Cha và con” chia sẻ cùng độc giả Tinh Hoa Việt về những vấn đề trong nghề cũng như kỳ vọng vào một năm Đinh Dậu nhiều dấu ấn tươi vui, lạc quan hơn.
PV: Là một người trong nghề, anh nhìn nhận thế nào về con số khoảng 60 phim truyện điện ảnh được sản xuất trong năm 2016?
Đạo diễn Phan Đăng Di: Có nhiều bộ phim được sản xuất như vậy, trước hết là niềm vui với những người làm phim như chứng tôi. Điều đó chứng tỏ ngày càng có nhiều cá nhân, tổ chức quan tâm tới việc làm phim hơn. Bức tranh thị trường phim đông vui hơn, sôi động hơn thì tất nhiên chúng tôi phấn khởi hơn. Khán giả cũng có nhiều cơ hội lựa chọn hơn.
Mặc dù ghi nhận số lượng phim nhiều nhưng cũng phải nói tới thực trạng là năm vừa qua ít phim đạt được doanh thu tốt, chiếm lĩnh thị trường phim trong nước như bộ phim Em là bà nội của anh năm ngoái hoặc một số bộ phim các năm trước đó. Không có kỷ lục phòng vé mới nào được thiết lập. Không có bộ phim nào đủ sức hấp dẫn để tạo nên một đợt sóng trên thị trường, gây tiếng vang với khán giả. Thậm chí số phim lỗ rất nhiều. Điều đó, ít nhiều cũng khiến cho những dự án phim có ý định ra mắt sắp tới cũng có phần thận trọng hơn. Và đặt ra câu hỏi các nhà đầu tư có tiếp tục hồ hởi đầu tư cho những dự án sắp tới hay không?
Nhưng rõ ràng, từ bức tranh điện ảnh năm qua cho thấy việc sản xuất phim đang trở thành vấn đề “hot”, được nhiều người quan tâm.
Về chất lượng các bộ phim, cá nhân anh đánh giá thế nào?
- Có thể nói nhìn vào các bộ phim đã ra mắt thì thấy rõ số lượng người có chuyên môn làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh không nhiều, thậm chí nếu không muốn nói là còn thiếu và yếu. Hầu hết đều chưa được đào tạo kỹ lưỡng để có thể làm tốt tất cả các khâu trong sản xuất. Trong bối cảnh sự cạnh tranh giữa các đoàn làm phim rất lớn như hiện nay, trung bình mỗi tuần ra mắt một phim thì cần có những chiến lược làm phim, tuyên truyền… tốt hơn để tăng sức hút cho bộ phim. Có như vậy, phim làm ra mới đảm bảo không bị lỗ về mặt doanh thu và được khán giả, nhà chuyên môn đánh giá tốt.
Điều này, nếu không thay đổi về lâu dài sẽ trở thành mối đe doạ cho nền điện ảnh nước nhà.
Một vấn đề nổi cộm của ngành điện ảnh trong năm qua là những tranh cãi về việc phát hành phim, thưa anh?
- Đúng là những tranh cãi về rạp chiếu, suất chiếu… trong năm qua thậm chí còn thu hút truyền thông hơn cả chính nội dung những bộ phim đó. Từ câu chuyện này, nhiều người đã nói đến việc trước nay nhà sản xuất của chúng ta trước nay chủ yếu phụ thuộc vào nhà phát hành. Trong mối quan hệ này, nhà phát hành gần như giữ thế thượng phong. Tôi cho rằng các nhà làm phim Việt Nam cần cùng nhau ngồi lại bàn bạc, thống nhất để làm sao thay đổi được thực trạng này. Mối quan hệ giữa nhà sản xuất và phát hành theo tôi phải dựa trên cơ sở có một sự thống nhất và “fair play” với nhau.
Năm qua cũng có thể nói là một năm mà điện ảnh Việt Nam góp mặt ở rất nhiều liên hoan phim. Nhưng việc mang chuông đi đánh xứ người vẫn chưa gây được tiếng vang?
- Chúng ta có “Một thành phố khác” của đạo diễn trẻ Phạm Ngọc Lân tham dự LHP Quốc tế Phim Độc lập IndieLisboa, tại thủ đô Lisbon - Bồ Đào Nha. Bộ phim đã tham gia tranh giải ở hạng mục Phim ngắn và đã giành Giải Chú ý đặc biệt (Special Mention) ở hạng mục này. Trước đó, bộ phim cũng được chọn tranh giải chính thức ở hạng mục Phim ngắn xuất sắc nhất của LHP quốc tế Berlin (Đức). Dù sau đó, phim không thắng giải nhưng cũng để lại một dấu ấn đáng ghi nhận với phim trẻ Việt. Đó không chỉ khẳng định sự tìm tòi, sáng tạo của tác giả đã được bạn bè quốc tế công nhận, mở ra cơ hội với không chỉ tác giả mà cả nền điện ảnh Việt. Thế giới cũng biết nhiều hơn đến đất nước và nền điện ảnh Việt Nam. Một thế hệ làm phim mới đang dần hình thành và góp phần ghi dấu ấn điện ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Đặc biệt, cá nhân tôi đánh giá cao Liên hoan phim quốc tế tổ chức ở Hà Nội trong năm qua mặc dù truyền thông không được rầm rộ nhưng những gì ban tổ chức chọn để trình chiếu, giới thiệu rất tốt. Qua đó thể hiện sự chuyên nghiệp, khách quan trong cách làm việc của ban tổ chức gây được ấn tượng tốt với đồng nghiệp quốc tế. Tầm vóc của nền điện ảnh Việt cũng được cải thiện nhiều từ những sự kiện như thế này.
Về năm 2017, anh có lạc quan với thị trường điện ảnh Việt Nam?
- Chúng tôi vừa tổ chức thành công chương trình Gặp gỡ mùa thu 2016 tại thành phố Đà Nẵng với những dự án nổi bật được trao giải. Ở năm tiếp theo, chúng tôi cũng đang lựa chọn ra những dự án xuất sắc để xem xét vinh danh. Mặc dù danh sách chưa thể công bố nhưng tôi tin rằng đây là những bộ phim của Việt Nam có chất lượng. Ít nhất đó cũng là những hy vọng cho một năm mới thuận lợi cho nền điện ảnh Việt Nam.
Với cá nhân tôi, năm nay dự kiến sẽ quay phim, dự định quay vào cuối mùa hè. Hiện tại tôi đang làm việc với nhà sản xuất, việc casting cũng đã gần xong. Hy vọng đây là một cuốn phim tiếp tục đưa điện ảnh Việt Nam đến những liên hoan phim hàng đầu quốc tế.
Anh có nghĩ đến việc đưa bộ phim này ra rạp Việt?
- Mỗi bộ phim sản xuất ra thích hợp với một số thị trường. Bản thân mình làm phim không thể kiểm soát được tất cả. Như trường hợp bộ phim Cha và con của tôi năm 2016 được phát hành rộng rãi ở 3 thành phố của Pháp nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể công chiếu trong nước. Tôi xem đó như một thực tế khách quan mình phải chấp nhận.
Có bao giờ anh nghĩ đến vấn đề sẽ làm phim thị trường để giàu?
- Mỗi người có lựa chọn và quan điểm làm phim khác nhau. Với lĩnh vực đó, tôi cho rằng có nhiều người có thể làm tốt hơn tôi. Còn tôi lựa chọn hướng đi này bắt nguồn từ suy nghĩ mình mạnh cái nào thì làm cái đó. Tất nhiên, giữa giải trí và nghệ thuật vẫn có sự giao thoa, gắn kết.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!