Tinh hoa Việt

Đạo diễn Tây Phong: Nghệ thuật không có rào cản

Việt Quỳnh (thực hiện) 15/08/2024 18:28

Với đạo diễn Tây Phong, văn hóa là gốc rễ của một quốc gia. Văn hóa cũng mang tính chiến lược khi quốc gia đó muốn khẳng định giá trị trong quá trình hội nhập vào dòng chảy văn hóa thế giới.

PV: Các loại hình nghệ thuật truyền thống có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân anh?

dd-tay-phong-6(1).jpg
Đạo diễn Tây Phong.

Đạo diễn TÂY PHONG: Với tôi, nghệ thuật truyền thống đã mang đến một tình cảm hết sức sâu sắc, đồng thời, cũng tạo cho tôi bản lĩnh nghệ thuật. Qua quá trình tìm hiểu, thực hành các thể loại ca xướng dân gian, tôi thấy được sự phù hợp với khả năng cá nhân mình. Tôi dần hoàn thiện cách diễn, cách biểu đạt trong không gian tổng hòa giữa cảm xúc, ngôn ngữ, nhịp điệu cùng hành động. Sau này, khi tiếp cận với văn hóa học tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn, nghệ thuật thuyền thống chính là mạch nguồn nuôi dưỡng tình yêu với quê hương đất nước, hun đúc lòng tự hào dân tộc, và hơn cả là biết ơn tiền nhân đã để lại tài sản quý giá cho hậu thế.

Tôi nghĩ đó là hình thức yêu nước tự nhiên, thuần khiến nhất, yêu nước là gì nếu không phải là trân quý các giá trị văn hóa tiền nhân để lại, và những loại hình nghệ thuật này là sản phẩm văn hóa tinh túy giúp khẳng định vị thế của dân tộc. Một quốc gia mạnh chính là quốc gia có nền văn hóa mạnh.

Việc dựng các vở kịch có yếu tố lịch sử hay văn hóa dân tộc, là con đường của tôi và những người cùng chí hướng. Các vở kịch có yếu tố văn hóa dân tộc và lịch sử đòi hỏi sự sáng tạo của tập thể, tôi may mắn được ở trong một môi trường được mọi người ủng hộ và tương hỗ.

Ngoài ra, các đề tài văn hóa dân tộc và lịch sử là một mảnh đất mênh mông cho sân khấu và kịch nghệ nói riêng, nơi văn hóa dân tộc, lịch sử cộng hưởng cùng nhau, lại được sự chắp cánh của nghệ thuật sân khấu.

Mỗi loại hình nghệ thuật truyền thống lại mang những câu chuyện lịch sử riêng, cốt cách văn hóa riêng, anh có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Chỉ có thể nói các loại hình nghệ thuật của chúng ta quá phong phú, đa dạng, từ nguồn gốc, thời điểm ra đời, không gian, thời gian, đối tượng đều khác. Ví dụ như hát Xẩm là loại hình âm nhạc chuyên nghiệp dùng để mưu sinh của người khiếm thị, được biểu diễn tại các góc chợ, bến tàu, nhà ga. Thể loại Chèo là loại hình sân khấu được hát ở sân đình sau vụ nông nhàn của người nông dân vùng châu thổ sông Hồng, đã từng được trình diễn trong Hoàng cung, sau lại trở về với gốc dân gian.

Quan họ là thể loại âm nhạc giao duyên với các lề thói đặc biệt được trình diễn trong các đêm kết bạn, ngày hội. Đặc biệt là Ca trù một thể loại âm nhạc thính phòng chuyên nghiệp với người trình diễn và người thưởng thức đều phải có trình độ nhất định.

Với gốc gác, sự ra đời khác nhau, cách thức lề thói khác nhau cho ta thấy sự đa dạng, phong phú... nhưng tựu chung là ở đỉnh cao của các thể loại, ta luôn bắt gặp những nét tương đồng, những quy chuẩn về cái đẹp, cái chân - thiện - mỹ trong từng thể loại.

dao-dien-tay-phong-14.jpg
Đạo diễn Tây Phong cùng cộng sự. Ảnh: NVCC.

Từng được học bài bản về âm nhạc cũng như sân khấu điện ảnh, anh đã làm hai loại hình nghệ thuật này phối hợp hài hòa với nhau ra sao?

- Thực ra thì tôi chỉ làm đúng với những gì được học âm nhạc và kịch nghệ. Tôi nghĩ rằng đó là điều hiển nhiên vì âm nhạc hết sức quan trọng trong nghệ thuật sân khấu. Ngược lại, âm nhạc cũng cần nghệ thuật sân khấu để được thăng hoa... Tôi nghĩ từ “hài hòa” cũng chính là từ khóa khi kết hợp hai loại hình này. Khi được học cả hai chuyên môn âm nhạc và sân khấu, là một thuận lợi cho việc phát triển những tố chất nghệ sĩ, việc kết hợp liên ngành gần gũi này khiến tôi mở rộng biên độ hoạt động của mình trong nghệ thuật.

Còn quá trình anh tiếp xúc với các nghệ nhân để học hỏi và tìm hướng đi cho con đường của mình?

- Ngày nay có rất nhiều nguồn trên mạng, các đường link chất lượng uy tín như các kênh YouTube, blog của nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, GS Nguyễn Thuyết Phong, GS Trần Quang Hải… Bản thân bộ sưu tập băng đĩa của tôi cũng khá đầy đủ.

Tuy nhiên việc đến tận nơi và tìm học từ các nghệ nhân, nghệ sĩ đi trước là một chứng thực sống động, mang nhiều thú vị. Không gian sống, cách sống, sinh hoạt của họ... chính là hồn cốt, thần thái của nghệ thuật cổ truyền, việc gặp và học hỏi nghệ nhân khi có dịp là một phần công việc của tôi.

Khi quyết định làm một vở kịch có yếu tố âm nhạc Ca trù xuyên suốt, tôi và nghệ sĩ Cao Minh Hiền đã tìm tới ca nương Đoàn Thị Hải, ca nương Thanh Hương, GS Nguyễn Nhã... Mọi người đều rất ủng hộ việc làm của chúng tôi. Chúng tôi tổ chức những buổi gặp gỡ, nói chuyện, thu âm, thu hình để giữ lại những khoảnh khắc cho thế hệ mai sau. Với những lần gặp gỡ dù ít ỏi nhưng giá trị vô cùng, tôi thấy mình có nghĩa vụ lớn lao khi được gửi gắm từ ca nương Thanh Hương, từ nghệ sĩ đàn tính Nguyễn Liên... mong muốn những người đang làm công việc như chúng tôi sưu tầm lưu giữ, trở thành cầu nối với thế hệ kế cận.

Theo anh, làm thế nào để dựng các vở mang tính chất truyền thống kết hợp với đương đại được hòa hợp?

- Với tôi không có nhiều danh giới giữa truyền thống và đương đại, tôi cho đó là quá trình nhận thức để phù hợp với môi trường mới, sau đó gia giảm tỷ lệ các thủ pháp sân khấu để nhấn mạnh điều muốn thể hiện.

Việc gia giảm hay đảo chiều các hình thức thể hiện giữa truyền thống và đương đại cũng làm tôi rất thích thú. Các vở diễn cũ với cách nhìn mới hay một vấn đề thời đại được thể hiện dưới hình thức cổ đều có sức hấp dẫn. Việc dựng vở từ truyền thống đến đương đại là một trình tự thuận bởi muốn gì chúng ta cũng phải đi từ gốc rễ, có chuẩn, có đúng mới tới được phần tinh, gọn, làm cho có màu sắc, phong cách khác biệt, phù hợp với tâm thế của tập thể diễn viên, tạo nên sự khác biệt, dấu ấn riêng cho tác phẩm.

Vậy còn việc thể nghiệm các vở diễn trên nền tảng truyền thống?

- Sau khi tham dự một Liên hoan tại Nhật Bản với vai trò người quan sát, tôi tìm ra cách xây một tác phẩm đương đại, sau đó làm hai buổi báo cáo trong hội thảo. Đó là công việc hết sức thích thú. Nó giúp tôi tiếp cận được nhiều nghệ sĩ từ các khu vực khác nhau, thể loại nghệ thuật khác nhau... đồng thời giúp tôi tư duy tốt hơn khi hiểu thêm một số thủ pháp giúp tác phẩm đương đại ấn tượng hơn. Về Việt Nam, tôi dựng vở “Tấm và Hoàng hậu”, kịch bản Nguyễn Phát cho sân khấu kịch nói Hồng Hạc, tôi mạnh dạn tìm những diễn đạt mới qua ngôn ngữ hình thể, đặc biệt trong âm nhạc tôi đã chọn hát Xẩm cho nhân vật Dì ghẻ, phảng phất âm nhạc ca trù trên nền nhạc 12 âm, tiếng động, tiếng âm thanh cực trầm hoặc cực cao để tạo ấn tượng, hiệu ứng thính giác cho vở.

Nhưng phải đến vở “Vụ án Cậu Trời”, khi khai thác nhân vật Đặng Mậu Lân bằng chất liệu Ca trù tôi mới thấy một mảnh đất mênh mông cho sáng tạo nghệ thuật.

Việc đó được anh tiến hành ra sao? Và công diễn như thế nào?

- Tôi dùng Ca trù như một cầu nối xuyên suốt cả vở, đưa thể loại cổ truyền gần nhất với tính cách và tình huống của nhân vật, các câu dẫn, các câu Ca trù được sáng tác theo thể thất ngôn, hoặc song thất lục bát... để phù hợp với tâm trạng, hoàn cảnh nhân vật... Tất cả đều cô đọng và được trình diễn như một bài Ca trù độc lập hoặc rút gọn.

Các đoạn trích được sắp xếp như các tác phẩm độc lập giản tiện để trình diễn, các thủ pháp như múa đương đại, hình thể, âm nhạc, tiếng động, các bài thơ được ngâm, phổ nhạc, ngẫu hứng... được xen kẽ nối tiếp.

Sau đó tôi lấy trích đoạn này thử nghiệm trong cuộc thi Liên hoan trích đoạn hay toàn quốc, rất may mắn vở diễn đã đem về 2 huy chương Bạc, sau đó vở được diễn lại nhiều lần. Cũng từ những bước khởi đầu được đón nhận, tôi xây dựng nhân vật Nguyễn Trãi với những đau khổ day dứt qua hai bài thơ của ông, phổ nhạc thành bài hát trên nền cổ cầm, vai diễn này mang cho tôi thêm một huy chương bạc trong cuộc thi tài năng kịch nói.

Để rồi, từ đó, có thể quay trở lại phục dựng các đoạn, vở Chèo cổ, Ca trù, hát Xẩm, Chầu văn…

- Tôi nghĩ đó là vốn quý của ông cha... Và đó cũng là một xu hướng hiển nhiên của con người, con người luôn hoài niệm về cái cũ, yêu những giá trị đã qua, muốn tìm những điều xưa để ôn cố tri tân. Bằng cách khơi gợi những ký ức tập thể ta có thể tìm thấy một lối sống thi vị, bình an, một liệu pháp để chữa lành trong giai đoạn hiện nay. Hơn tất cả tôi thấy nó phù hợp với chính con người mình... Tôi nghĩ việc phục dựng vốn cổ cũng là cách để tìm về với cội nguồn, tìm về bản sắc con người Việt.

Đây là vấn đề được các ban, ngành, các nhà văn hóa đặc biệt quan tâm, đưa lên tầm chiến lược, bởi yêu văn hóa nghệ thuật truyền thống chính là yêu nước, mảnh đất đã hun đúc lên những con người, và những con người ấy làm lên những khúc hát, bài ca... tạo tiền đề cho nền nghệ thuật ca xướng đáng tự hào. Không chỉ với riêng Việt Nam, nghệ thuật ca xướng truyền thống Việt đã trở thành tài sản quý giá của nhân loại.

Vì sao anh chọn hát Ca trù trên bản “Bát Nhã Tâm Kinh”?

- Tôi có dự định sẽ tìm những áng thơ cổ, những bài hịch, bài cáo... tìm những chất liệu ca xướng để cho chúng thêm một đời sống mới, một kênh khác mong tiếp cận được thêm những tâm hồn đồng điệu, đây cũng là một hình thức gìn giữ, lan tỏa... "Bát Nhã Tâm Kinh" là áng kinh siêu việt, được rất nhiều các thiền sư, học giả biên dịch trên toàn thế giới, đây là bản kinh ngắn giá trị mang nhiều lợi lạc cho con người.

Ở Việt Nam, người chú giải kinh này đầu tiên là thiền sư Đạo Tuân Minh Chánh ở chùa Bích Động (Ninh Bình) thời vua Minh Mạng… Khi tiếp cận với bản hiệu đính và hoàn thiện của Tỳ Kheo Thích Tuệ Hải dựa trên bản chuyển ngữ Phạn - Việt của Milam Sudhana tôi thấy nhạc tính của bản dịch rất cao, nên tìm cách thể hiện theo cách mưỡu của Ca trù và dần hoàn thiện cách trình diễn bản kinh này. Trong Ca trù có những hình thức trình diễn để ca ngợi, xưng tụng vì thế nó phù hợp hoàn toàn với áng kinh… Càng đi sâu và có cơ hội thực hành ca diễn bài kinh này, tôi càng thấy năng lượng tích cực, các chiều kích từ chuyển động, phát âm kết hợp với trống phách, khiến tâm hồn được khai sáng. Đây là sự may mắn, để có sự tương hợp này tôi phải cảm ơn tất cả những nhân duyên trong đời mình.

Đi sâu tìm hiểu, anh thấy văn hóa truyền thống của chúng ta giàu đẹp, sâu sắc như thế nào?

- Càng tiếp cận tôi càng thấy tự hào, cảm giác hân hoan khi đứng trước kho tàng to lớn, nhiều tầng, nhiều lớp... Tôi khâm phục tiền nhân, ngưỡng vọng trước trí tuệ con người, việc chúng ta cần chỉ là tìm cách để những giá trị này xuất hiện tới đông đảo khán giả bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc.

Là người con xứ Bắc, cái nôi của các loại hình văn hóa trên, nhưng vì sao anh và nhiều đồng nghiệp chọn phương Nam là nơi để phục dựng, phát triển, bảo tồn?

Tôi khâm phục tiền nhân, ngưỡng vọng trước trí tuệ con người, việc chúng ta cần chỉ là tìm cách để những giá trị này xuất hiện tới đông đảo khán giả bằng sự lao động nghệ thuật nghiêm túc.

- Thứ nhất, tôi đang sống tại môi trường phía Nam, mọi sự học căn bản, và các mối quan hệ công việc đều đang rất tốt đẹp tại đây. Thứ hai, tôi nghĩ TPHCM chính là môi trường năng động, nó đủ sức dung nạp mọi loại hình nghệ thuật, cái mà bạn cần làm là tạo ra một sản phẩm văn hóa thuyết phục khán giả.

Anh cùng các nghệ sĩ đã đặt chung tiêu chí gì để cùng nhau thực hiện công việc ý nghĩa này?

- Các nghệ sĩ tham gia hầu hết là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, có ngón đàn điêu luyện, bậc thầy trong chuyên ngành của mình như nghệ sĩ đàn đáy Mạnh Hùng, nghệ sĩ đàn nguyệt Mai Thanh Sơn... Ngoài chuyên môn, họ còn đa năng khi sử dụng bộ gõ và các loại đàn khác.

Tôi nghĩ nó còn là chữ “duyên”, khi "duyên” tới mọi chuyện đều suôn sẻ một cách rất tự nhiên, tiêu chí chính là sự đồng thanh tương ứng, mọi khó khăn sẽ vượt qua nếu còn người có một trái tim, sự hướng thượng, yêu cái đẹp. Điều mà tôi mong mỏi là nhiều người nhìn nhận ra con đường nghệ thuật chính là con đường để hoàn thiện phẩm chất nghệ sĩ, đưa từ ngữ này trở về đúng với giá trị của danh xưng.

Anh đã cùng các nghệ nhân làm việc rất bền bỉ, kiên nhẫn, vượt qua khó khăn ra sao?

- Chúng tôi phải cố gắng mỗi ngày, sau buổi diễn chúng tôi tự nhắc mình để có thể bước tiếp trên con đường nghệ thuật vô tận, chúng tôi chỉ có tình yêu sân khấu, có những bài hát cổ đòi hỏi phải có thời gian, các câu chữ cổ phải được chăm chút, các con chữ trong kịch bản và các bài thơ phải được đào sâu đến tận gốc rễ.

Từ những đêm diễn, ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ từ các khán giả, nhất là khán giả trẻ tuổi, anh cảm nhận thế nào?

- Tôi rất hạnh phúc khi được khán giả quan tâm, đặc biệt là các khán giả trẻ, tôi thấy đây là con đường tốt đẹp và đúng với tôn chỉ của nhóm khi dùng nghệ thuật truyền thống để khơi dậy tình yêu vốn cổ, lòng yêu nước qua các tích sử được ca, diễn, góp phần đẩy mạnh xu hướng phục cổ. Việc được các bạn trẻ quan tâm nhắc nhở chúng tôi ngoài công việc nghệ thuật, chúng tôi còn có trách nghiệm với thế hệ trẻ, phải làm đúng, cái đúng ở đây vượt qua cả chuẩn mực khuôn vàng thước ngọc của các cổ bản mẫu mực, mà là tinh thần khát vọng, mỗi ngày một tiến bộ, vừa duy trì cái hay cái đúng vừa cải thiện cho phù hợp nhu cầu thời đại, để có cơ hội tiếp cận các em học sinh, sinh viên. Không gì làm người nghệ sĩ xúc động khi sự thể hiện của anh ta được đón nhận, tạo ấn tượng cho người xem, khiến họ thêm yêu nghệ thuật, mà nghệ thuật đó lại là tinh túy của người Việt mình.

Khi các vở diễn rời sân khấu, đến với trường học, tiếp xúc trực tiếp với các học sinh…

- Tôi luôn lạc quan với suy nghĩ rằng nghệ thuật là không có rào cản, chắc chắn các em sẽ thích nếu nó hay, nếu ta có thể từng bước làm cho các em hiểu, và yêu. Nhưng khi thấy những cố gắng của chúng tôi được cổ vũ bởi các em, những tràng pháo tay, những câu nói cảm động sau buổi diễn, tôi cảm thấy rất đỗi tự hào. Khi được diễn cho các em học sinh có nghĩa là mình được tiếp cận với nguồn khán giả thanh khiết nhất, và mình hãnh diện nếu gieo được ấn tượng tốt với các em. Với tôi môi trường học đường là môi trường tuyệt vời nhất, nơi chúng tôi có cơ hội làm cầu nối, thiết tha mong giữ lửa, truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Chúng ta cần làm gì để các thế hệ yêu mến cùng bảo tồn văn hóa nghệ thuật của ông cha, và sau đó là giới thiệu ra thế giới?

- Tôi nghĩ đây là con đường dài cần có những bước chuẩn bị, cần có kế hoạch và được hỗ trợ bởi nhiều thành phần ưu tú trong xã hội. Trước hết tôi sẽ xây dựng các chương trình nhỏ “Tinh Văn diễn ca 1, 2, 3...”, như một modul, sau đó có thể liên kết chúng với nhau để tạo thành một tác phẩm lớn, xuyên suốt để tạo thành bức tranh toàn cảnh nghệ thuật truyền thống, một câu truyện có nội dung mang hồn cốt dân tộc được kể bằng âm nhạc và kịch nghệ. Sau khi nó tạo thành một “hệ thống” đầy đủ, tự nó sẽ có câu chuyện để lan tỏa ở những không gian lớn hơn, hòa nhập với bức tranh nghệ thuật đương đại cùng bạn bè thế giới.

Tôi xin khẳng định lại, văn hóa là gốc rễ của một quốc gia. Văn hóa khẳng định sự khác biệt, sự độc lập của một dân tộc, là điều thiết yếu và cũng mang tính chiến lược khi quốc gia đó muốn khẳng định mình trong quá trình hội nhập vào dòng chảy văn hóa thế giới.

Xin cảm ơn anh!

Đạo diễn Tây Phong tên thật Lê Thanh Phong, đã có hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề. Anh từng tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật đương đại “Let’s Sublimate”, phim “Let’s Sublimate”; thành lập ban nhạc Rock Containers, dựng và công diễn vở “Ngộ nhận”, “Đời sống Paris”, “Giấc mơ người coi chim”, “Tấm và hoàng hậu”… cùng các chương trình âm nhạc như: “Đêm Ả đào”, “Đêm Quan họ”, “Đêm Nguyệt cầm”… Ngoài ra, đạo diễn Tây Phong còn tham gia giao lưu đạo diễn thế giới tại Nhật Bản lần 1 và lần 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đạo diễn Tây Phong: Nghệ thuật không có rào cản