Trong thông điệp mùa Phật đản 2018 (Phật lịch 2562) của đức Giáo chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam-Trưởng lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ, có nhắc đến Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu, Thiền sư Vạn Hạnh và Phật hoàng Trần Nhân Tông với những đóng góp lớn lao của các bậc sư tổ cho dân tộc. Đó là các bậc đại sư lấy đời phát triển đạo, đạt tới ý nghĩa biểu tượng của tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.
Gần hai thập kỷ đã trôi qua, kể từ khi Đại Hội đồng Liên hợp quốc công nhận Ngày Tam Hợp (kỷ niệm ba sự kiện thiêng liêng của Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết bàn) làm Ngày Vesak Liên hợp quốc, đại lễ Phật đản hàng năm đã trở thành một sự kiện văn hóa tâm linh lớn của thế giới.
Ở Việt Nam, Phật giáo được biết đến rất rộng rãi. Trong mấy ngàn năm vào Việt Nam, theo các nhà nghiên cứu, tư tưởng của đạo Phật đã hòa nhập vào nền văn hóa bản địa một cách khiêm tốn, không phủ nhận mà góp phần làm phong phú nền tảng văn hóa dân tộc. Qua các thời đại mở nước và dựng nước, đạo Phật luôn hài hòa với các hệ tư tưởng khác, tỏ rõ tinh thần khoan dung, cởi mở, từ bi và trí tuệ.
Tính dân tộc của Phật giáo Việt Nam có lẽ chính là ngọn nguồn để đạo Phật gần gũi, thân thiết ở trong tâm khảm mỗi người Việt Nam. Phật giáo trở thành một bộ phận của văn hóa dân tộc là nhờ lẽ đó.
Lịch sử dân tộc đã được chứng kiến sự đóng góp lớn lao của Phật giáo trong quá trình dựng nước và giữ nước, như trong thông điệp mùa Phật đản 2018, đức Giáo chủ Thích Phổ Tuệ đã nhắc đến.
Theo đức Giáo chủ, chúng ta vừa kỷ niệm 1.050 năm nhà nước Đại Cồ Việt. Nói đến nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên này không thể không nói đến sự đóng góp quan trọng về tâm tài, trí tuệ của các vị thiền sư Phật giáo Việt Nam từ kiến trúc thượng tầng, đến chăm lo đời sống muôn dân và bang giao quốc tế đều thấm đượm giáo lý Phật giáo mà tiêu biểu là Quốc sư Khuông Việt Ngô Chân Lưu.
Với tư tưởng: “Trong cây vốn có lửa”, vị thiền sư đại trí, đại tài đã ung dung, tự tại, coi sự hoàn thành việc đời như một chứng tích cho sự hoàn thành việc đạo, tích cực tham gia vào việc nước, việc dân và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc.
Năm nay chúng ta cũng kỷ niệm 1.000 năm ngày viên tịch của Vạn Hạnh thiền sư, vị Quốc sư có công đưa Lý Công Uẩn lên ngôi, lập nên vương triều Lý, lấy tư tưởng triết lý Phật giáo là tư tưởng chủ đạo của quốc gia độc lập tự chủ Đại Việt.
Đồng thời, năm nay cũng là kỷ niệm 710 năm ngày Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn, vị Sơ Tổ khai sáng nền Phật giáo Trúc Lâm với tư tưởng hòa quang đồng trần, đưa đạo vào đời, lấy đời phát triển đạo tiêu biểu của tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam…
Năm nay, Phật giáo Việt Nam đón mùa Phật đản cũng đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để phản đối chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Hình ảnh vị Bồ tát dáng tọa thiền tay bắt ấn Tam muội an nhiên trong ngọn lửa, với trái tim bất diệt không cháy mãi mãi trở thành biểu tượng đẹp đẽ cho tinh thần nhập thế của Phật giáo Việt Nam.
Khi vận nước lâm nguy, các nhà sư “cởi áo cà sa khoác chiến bào”. Truyền thống “hộ quốc an dân” trải mấy ngàn năm Phật giáo đồng hành cùng dân tộc. Vào những thời kỳ phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên hết thảy.
Các bậc cao tăng và những người con Phật chân chính luôn luôn lấy việc tinh tiến tu hành, phục vụ chúng sinh, phụng sự Tổ quốc, bảo vệ hòa bình làm mục tiêu hướng tới. Qua đó làm cho đạo đời hòa hợp nhân duyên thuận lý, góp phần xây dựng cuộc sống an lạc và hạnh phúc trong nhân gian.
Đó là những biểu hiện sinh động của Phật giáo đồng hành, nhập thế cùng dân tộc và thời đại, không né tránh điều gì “đi vào đời một cách dũng mãnh, tích cực” miễn là “đem lợi lạc cho đời, cho nền hòa bình và hạnh phúc nhân sinh”.
Đạo Phật hiện hữu, Phật ở trong tâm rất đông người dân Việt Nam dù không phải là Phật tử (đúng nghĩa), đạo Phật đồng hành cùng dân tộc và thời đại chính là bởi Phật giáo không lánh đời. Phật giáo Việt Nam nhập thế cùng dân tộc.
Truyền thống tốt đẹp ấy của Phật giáo Việt Nam trải qua mấy nghìn năm trong thời đại hôm nay vẫn tiếp được tiếp nối, như thông điệp mùa Phật đản 2018 của của đức Giáo chủ: Ngược dòng lịch sử, tự hào về đóng góp vĩ đại của các bậc tổ sư, Giáo hội Phật giáo Việt Nam càng “nỗ lực làm cho Đạo Phật xương minh, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong khối Đại đoàn kết dân tộc, tích cực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, góp phần đem lại cuộc sống an lạc, thịnh vượng cho nhân dân, hòa bình cho nhân loại.”
Cũng như trong thư chúc mừng nhân Lễ Phật đản 2018, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã bày tỏ sự tin tưởng chư tôn đức giáo phẩm cùng toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước sẽ tiếp tục truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam, “làm cho Phật pháp ngày một xương minh, chúng sinh an lạc, góp phần thiết thực vào việc củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”.
Mỗi một mùa Phật đản là dịp để tôn vinh giá trị đạo đức và văn hóa của Phật giáo. Đối với hàng trăm triệu Phật tử trên toàn thế giới, con đường giác ngộ mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã soi sáng là hướng tới tình yêu thương và trí tuệ sáng suốt, để phá bỏ sự bất bình đẳng, chiến tranh, xung đột và nghèo đói đem lại hòa bình và thịnh vượng cho nhân loại.
Tình yêu thương, sự từ bi, hỉ xả là triết lý căn bản của đạo Phật nhưng cũng chính là căn cốt con người không phân biệt địa vị xã hội và tôn giáo. Dù là tôn giáo nào thì mọi người Việt Nam đều cùng là con Lạc cháu Hồng, đều cùng nhau đoàn kết cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.