Bước vào năm mới 2021, người dân tỉnh Kiên Giang đón nhận tin vui khi Phú Quốc chính thức được công nhận là thành phố đảo đầu tiên của cả nước.
Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế
Phú Quốc có vị trí địa lý khá đặc biệt, tại vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, tiếp giáp với Campuchia, Thái Lan. Phú Quốc được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển đẹp nổi tiếng và còn nguyên sơ, được mệnh danh là “thiên đường” nghỉ dưỡng. Vùng biển Phú Quốc có các ngư trường giàu tiềm năng và vùng nước biển sâu tạo điều kiện phát triển ngành đánh bắt hải sản và phát triển hệ thống cảng biển.
Trước đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng của Phú Quốc, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2020 tại Quyết định số 1197/QĐ-TTg ngày 9/11/2005. Sau 15 năm xây dựng và phát triển, kinh tế của huyện Phú Quốc luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Năm 2014, huyện Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II. Năm 2019, Phú Quốc đón hơn 3 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước. Cùng với phát triển kinh tế, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn.
Kinh tế của Phú Quốc nhiều năm qua luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và duy trì ổn định. Cụ thể 5 năm vừa qua, Phú Quốc đã hoàn thành 12 chương trình, dự án trọng điểm, nghị quyết chuyên đề. Phú Quốc phát triển khá toàn diện, trong đó nổi bật là trên lĩnh vực kinh tế. Tổng vốn đầu tư trên toàn xã hội đạt 141.652 tỉ đồng, vượt 57,39% so với Nghị quyết. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng bình quân 18,88%/năm. Thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 được 20.639 tỉ đồng, tăng gấp 2,22 lần so với đầu nhiệm kỳ. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tốt hơn, thu hút hơn 140.000 tỉ vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là thu hút được các tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào Phú Quốc.
Kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội có chuyển biến rõ nét, nhất là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, hệ thống cảng biển, cảng hàng không đủ tiêu chuẩn quốc tế đã tạo điều kiện kết nối giao thương trong nước và thế giới, tạo diện mạo mới cho đảo Phú Quốc.
Nhiều công trình dự án mang tầm cỡ khu vực và quốc tế được triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế của Phú Quốc phát triển nhanh hơn. Hiện tại, Phú Quốc là huyện có số dự án đầu tư lớn nhất, chiếm 41,2% dự án của cả tỉnh với 321 dự án đầu tư. Tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 340.000 tỉ đồng, chiếm 72,4% về số vốn của cả tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, việc đầu tư phát triển Phú Quốc được xác định là một trong 3 khâu đột phá kinh tế của tỉnh. Mà trước mắt sẽ tập trung xây dựng và phát triển Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển mang tầm quốc tế.
Điểm tựa để bứt phá
Ông Huỳnh Văn Sơn - Tổng giám đốc Công ty CP du lịch Ngôi Sao Biển (đơn vị chủ đầu tư chợ đêm Phú Quốc) cho biết, hơn 10 năm làm việc tại Phú Quốc, ông rất vui vì chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của nơi này, các công trình lớn như sân bay quốc tế, tuyến cáp treo An Thới - Hòn Thơm, các hệ thống giao thông, các dự án…đang tạo điểm nhấn rất riêng cho Phú Quốc. Việc đồng ý cho Phú Quốc lên thành phố như tiếp thêm động lực để Phú Quốc bứt phá vươn lên.
Còn bà Hồ Thị Vân, một người dân Phú Quốc “chính hiệu” thì mong muốn chính quyền cần đặc biệt quan tâm tới việc gìn giữ và bảo vệ môi trường, đây là vấn đề sống còn ở đảo ngọc này. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch cho rằng chính quyền cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết, Phú Quốc trở thành thành phố là mong muốn của người dân, chính quyền địa phương bấy lâu nay, đặc biệt là những nhà đầu tư đã, đang và sẽ đầu tư vào nơi này. “Chúng tôi rất tự hào khi Phú Quốc là huyện đảo đầu tiên trong 12 huyện đảo của cả nước trở thành thành phố. Ngoài việc thúc đẩy kinh kế, xã hội, du lịch, dịch vụ, việc Phú Quốc trở thành thành phố còn thể hiện chủ quyền quốc gia về biển đảo, đồng thời còn có sự cạnh tranh về du lịch, dịch vụ ở các nước trong khu vực” - ông Hưng nói.
Phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng tầm quốc tế
Kiên Giang với lợi thế có bờ biển dài trên 200km, diện tích biển khoảng 63.000km2 và trên 100 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có Phú Quốc là đảo lớn nhất nước, Kiên Giang đang sở hữu nền kinh tế biển phong phú, đa dạng và giàu tiềm năng.
Dù cách xa đất liền khoảng 100 km, nhưng những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Trung ương và sự linh động của tỉnh Kiên Giang, từng bước giúp Phú Quốc xích lại gần hơn với trong nước và quốc tế. Khoảng cách giữa Phú Quốc với đất liền và các địa phương được xích lại gần hơn với chuỗi hệ thống tàu cao tốc, tàu phà cho cả hai bến cảng Rạch Giá và Hà Tiên với tần suất 5 chuyến đi và về/ ngày (150-300 khách/tàu), cùng với sân bay quốc tế Phú Quốc tần suất 15-20 chuyến/ngày nối Phú Quốc với Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Vinh… và nhiều quốc gia trên thế giới đã dễ dàng đưa du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng quanh năm.
Phú Quốc được đánh giá nằm trong top 10 bãi biển đẹp thế giới được bao phủ bởi bờ biển dài với nhiều bãi biển nguyên sơ, đẹp nổi tiếng chạy dọc theo những cánh rừng nguyên sinh. Nhưng do chiếc áo cơ chế dành cho địa phương cấp huyện khá chật trước nhu cầu phát triển, nên ngoại trừ vài tập đoàn lớn đầu tư được nhiều công trình ấn tượng, gần Phú Quốc chưa đánh thức được hết tiềm năng.
Chia sẻ với PV báo Đại Đoàn kết, Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc Huỳnh Quang Hưng cho biết: Ưu tiên trước mắt phải củng cố tổ chức lại bộ máy chính quyền đô thị, ưu tiên phát triển nguồn lực, chỉnh trang đô thị bao gồm vỉa hè, cây xây, chiếu sáng, công viên... Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội phải được đảm bảo và ưu tiên, đặc biệt vấn đề xử lý rác thải và nước thải. Bên cạnh đó là thực hiện quy hoạch của Phú Quốc, trong đó tập trung quy hoạch khu dân cư, khu đô thị, khu du lịch...
Ông Hưng cũng cho biết, “chúng tôi sẽ tập trung giải quyết vấn đề môi trường, đặc biệt là vấn đề rác thải và nước thải, đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt cho người dân, cho du khách. Song song đó, những bức xúc của người dân liên quan đến công tác giải toả, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng sẽ được quan tâm xử lý; xử lý triệt để, lập lại kỷ cương trong việc xây dựng trái phép, lấn chiếm đất rừng, đất hành lang biển”.
Nói như ông Hưng thì người khắp nơi sẽ hài lòng khi đến với thành phố biển đảo Phú Quốc, vì ở đây là sự bình yên, là nơi trời nước mênh mông với khung cảnh thiên nhiên không dễ gì nơi nào có được.
Thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được thành lập dựa trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số 179.480 người. TP Phú Quốc có hiệu lực thi hành từ 1/3/2021, với 9 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: phường Dương Đông, phường An Thới và 7 xã: Hàm Ninh, Dương Tơ, Gành Dầu, Bãi Thơm, Cửa Dương, Cửa Cạn, Thổ Châu.