Bộ Y tế và Trường ĐH Y Hà Nội vừa khai giảng lớp đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho dự án "Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn".
35 bác sĩ đến từ 24 huyện của 10 tỉnh khó khăn, biên giới, khu vực miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung sẽ học 9 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Hồi sức cấp cứu, Nội, Ngoại, Nhi, Xét nghiệm, Sản, Truyền nhiễm.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Dự án Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn (Dự án 585) là một trong những phương thức đào tạo thiết thực và hiệu quả, bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn.
Theo thống kê từ Bộ Y tế, đến nay Dự án "Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" đã đào tạo hơn 500 người.
Bác sĩ chuyên khoa cấp I là những bác sĩ chuyên về một lĩnh vực cụ thể trong y học, đã hoàn tất đào tạo cơ bản, chuyên khoa và tiếp tục được đào tạo cấp cao hơn để có kiến thức và kỹ năng chuyên sâu trong lĩnh vực của mình.
Các bác sĩ trẻ học trong 24 tháng, sau đó công tác ít nhất 5 năm tại các huyện đã cử đi đào tạo.
Theo dự báo về nhân lực y tế, nhu cầu bác sĩ và điều dưỡng tiếp tục tăng. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung khoảng 72.000 bác sĩ, 304.000 điều dưỡng.
Theo bà Hương, dự án "Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" tạo cơ hội cho người nghèo, người dân vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên. Bộ Y tế đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát nhu cầu đào tạo của các huyện nghèo, khó khăn, nhanh chóng khớp cung cầu, tiếp tục mở các lớp đào tạo chuyên khoa I thuộc phạm vi của dự án.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo sở y tế các tỉnh, đơn vị có học viên theo học tạo điều kiện cho học viên học tập, áp dụng chế độ chính sách đối với học viên như đối với cán bộ y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn.
Dự án 585 được Bộ Y tế triển khai từ năm 2014. Giai đoạn 1 (2014 - 2020) có 354 bác sĩ được đào tạo. Các chương trình đào tạo được thực hiện với kinh phí từ Dự án “Giáo dục và Đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (HPET), do Ngân hàng Thế giới và Liên minh châu Âu tài trợ.
Từ năm 2021, Dự án 585 tiếp tục được triển khai bằng nguồn kinh phí do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn Vingroup tài trợ. Bộ Y tế và Quỹ Thiện Tâm đã ký thỏa thuận hợp tác tài trợ đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I, cấp II cho các huyện miền núi đặc biệt khó khăn. Việc đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II là nội dung giai đoạn trước chưa có. Bên cạnh đó, Dự án 585 đang cập nhật và ban hành mới 11 chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I cho phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn mới, xây dựng mới 5 chương trình đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp II.
Ngoài ra, Dự án 585 dành một phần kinh phí tài trợ máy móc, trang thiết bị thiết yếu cho các huyện khó khăn, căn cứ vào nhu cầu triển khai kỹ thuật của bệnh viện, đồng bộ với chuyên khoa đào tạo của các bác sĩ trẻ Dự án 585.
TS Phạm Văn Tác - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết: Dự án “Thí điểm bác sĩ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn" là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở địa phương còn khó khăn.