Đào tạo ngành bán dẫn - vi mạch: Xóa ‘điểm nghẽn’ nhân lực chất lượng cao

LAN ANH 22/10/2023 08:28

Ngành bán dẫn - vi mạch đang đứng trước thời cơ tạo việc làm thu nhập cao, với mức ước tính lương tháng gần 30 triệu cho sinh viên sau 5 năm ra trường.

Những ngày qua, câu chuyện đào tạo nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn - vi mạch được nhắc tới khá nhiều. Sở dĩ vậy bởi hiện có hơn 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Và theo các chuyên gia kinh tế, tới đây dự kiến nhiều tập đoàn tiếp tục vào Việt Nam và nhu cầu nhân lực tăng.

Tìm hiểu về chương trình Kỹ thuật Vi điện tử và Công nghệ Nano tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đào tạo với tinh thần chất lượng cao

Một số chuyên gia kinh tế đến từ Đại học Fulbright dự báo trong 5 năm tới, cần khoảng 20.000 người; 10 năm tới là 50.000 người trình độ đại học trở lên. Trong khi số nhân lực thiết kế vi mạch hiện khoảng 5.000 người. Theo giới chuyên ngành, nhu cầu đào tạo một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30%.

Tại Hội thảo Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn từ các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tổ chức ở Đà Nẵng ngày 19/10, nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục đã được nêu ra, cho thấy tầm quan trọng của nguồn nhân lực ngành bán dẫn - vi mạch.

Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, nếu phát triển được lĩnh vực công nghệ bán dẫn thì sẽ nâng tầm và vị thế của Việt Nam với thế giới. Trong đào tạo nhân lực ngành công nghệ chip bán dẫn, cần hướng đến tư duy toàn cầu, chú trọng nghiên cứu khoa học. Bộ trưởng cũng lưu ý, đây là lĩnh vực công nghệ cao, cần đầu tư, yêu cầu và kỳ vọng cao; người học có thể có lương cao... nên các trường đại học phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao. "Vì là ngành mới nên không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ. Thay vào đó, phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Những năm qua Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông (ICT) và các ngành phục vụ nhân lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 - AI, Bigdata,... Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. Những lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là Máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu... Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp nhất là Kỹ thuật điện tử, Điện tử - viễn thông; các ngành gần bao gồm Kỹ thuật điện, Điều khiển và tự động hóa, Cơ điện tử...

Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, nhân lực chất lượng cao vẫn là điểm nghẽn. Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Hoàng Minh Sơn, sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao đang là một điểm nghẽn lớn hiện nay trong thu hút các tập đoàn công nghệ lớn chuyển dịch địa điểm đầu tư nghiên cứu, phát triển và sản xuất sang Việt Nam.

Hiện nay có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học có khả năng tham gia, nhưng số lượng cơ sở đào tạo có kinh nghiệm chưa nhiều.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, để tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực công nghệ vi mạch đáp ứng yêu cầu phát triển, cần tăng cường năng lực cho các cơ sở giáo dục đại học, cả về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và công nghệ, chương trình đào tạo, công cụ phần mềm... Ngoài ra, cần có những giải pháp để thu hút những sinh viên đang học các ngành phù hợp, ngành gần; thu hút nhiều hơn nữa học sinh phổ thông đăng ký vào học những ngành, chuyên ngành này.

Trong khi đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, khối trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn - vi mạch. “Ngoài tuyển mới đào tạo từ đầu, có thể chuyển đổi sinh viên học các ngành gần học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kĩ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn - vi mạch”, bà Thủy nói.

Cần làm chủ công nghệ

GS.TS Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) thừa nhận, Việt Nam vẫn là một thị trường mới về ngành công nghiệp bán dẫn-vi mạch so với thế giới. Trong thời gian tới, phải lựa chọn một vài mắt xích trong các khâu sản xuất chip mà có thể chắc thắng. Cách đây mấy chục năm, Đài Loan (Trung Quốc) chọn công đoạn gia công chip và hiện nay thành công nhất thế giới. Vậy mấu chốt là phải làm chủ công nghệ, có công nghệ lõi chứ không phải chỉ vận hành dây chuyền. Đặc biệt là tiến tới phải tham gia được vào chuỗi phân phối sản phẩm.

Tương tự, PGS.TS Trần Mạnh Hà (ĐH Quốc gia TPHCM) cũng cho rằng, cần bổ sung mã ngành cấp 4 cho ngành thiết kế vi mạch ở cả đào tạo đại học và sau đại học; đẩy nhanh mở thí điểm ngành thiết kế vi mạch cho các trường đủ năng lực.

TS Nguyễn Trung Hiếu (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) đề xuất phương án nghiên cứu và phát triển tối thiểu 3 trung tâm công nghệ cao, đặc biệt ưu tiên đầu tư cho thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn tại 3 khu vực Bắc - Trung - Nam (có thể đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM). Theo ông Hiếu, cần thiết lập tối thiểu một trung tâm để đầu tư máy chủ, mua bản quyền phần mềm thiết kế vi mạch của một số đơn vị, xây dựng mini Fab dùng chung cho các trường đại học. Thêm vào đó, cần có chính sách, quy định cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, sản xuất kinh doanh vi mạch - bán dẫn ở Việt Nam.

Trong tháng 10 này, Bộ GDĐT sẽ báo cáo Thủ tướng kế hoạch hành động thúc đẩy triển khai đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn - vi mạch, trong đó chỉ đạo và hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học hợp tác thành một liên minh, chia sẻ và sử dụng chung các nguồn lực, năng lực trong đào tạo và nghiên cứu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo ngành bán dẫn - vi mạch: Xóa ‘điểm nghẽn’ nhân lực chất lượng cao

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO