Thông tin tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo tìm đầu ra cho 22 sinh viên Trường Đại học (ĐH) Hồng Đức đã tốt nghiệp theo Đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH, ngành sư phạm nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây có thể coi là “điểm nghẽn” khi triển khai Nghị định 116 của Chính phủ về việc các địa phương đặt hàng đào tạo ngành sư phạm.
Cử nhân chờ việc, tỉnh thiếu giáo viên
Trong số 22 sinh viên đã tốt nghiệp kể trên, ngành sư phạm Toán học có 1, Ngữ văn 11 người và Lịch sử 10 sinh viên. Trong đó có 11 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, 11 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi.
Trường ĐH Hồng Đức đã có đơn đề nghị UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Thanh Hóa xem xét có kế hoạch tuyển dụng 22 sinh viên này. Ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT, các sở, ngành, đơn vị có liên quan nghiên cứu tham mưu đề xuất; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh theo quy định. Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 1765/SNV-CCVC ngày 12/8 đồng ý với đề xuất này và giao Sở GDĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ số lượng người làm việc được giao, số lượng người làm việc còn thiếu so với số lượng người làm việc được giao, nhu cầu sử dụng giáo viên (GV) của từng vị trí việc làm còn thiếu và các quy định hiện hành của pháp luật, nghiên cứu đề nghị của Trường ĐH Hồng Đức để xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức ngành GDĐT; báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Theo thống kê, tỉnh Thanh Hóa đang thiếu hơn 6.700 chỉ tiêu GV, trong đó bậc THCS thiếu 1.532 và THPT thiếu 384 GV. Dẫu vậy, năm học 2022-2023 đã đi qua hơn 2 tháng và tình trạng sinh viên tốt nghiệp chờ việc, trường thiếu GV vẫn đang diễn ra. Điều đáng nói, những sinh viên này đã được đào tạo theo đề án đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH do Trường ĐH Hồng Đức chủ trì, phối hợp với Sở GDĐT Thanh Hóa và các đơn vị có liên quan xây dựng, được Bộ GDĐT cho phép.
Trong khi 22 sinh viên này chờ được tuyển dụng, nhiều ý kiến từ người trong cuộc và những người quan tâm tới giáo dục là tới đây khi các sinh viên khóa sau tốt nghiệp, việc bố trí tuyển dụng sẽ ra sao? Có còn lúng túng như năm đầu tiên này? Được biết, theo Đề án này đã có tất cả 182 sinh viên trúng tuyển vào các ngành đào tạo.
Chờ hướng dẫn
Nghị định 116 chính thức có hiệu lực được đánh giá đã thổi một làn gió mới vào công tác tuyển sinh ngành sư phạm, có tác dụng thúc đẩy, thu hút nhiều học sinh giỏi đầu quân vào trường sư phạm. Tuy nhiên, không phải tất cả sinh viên đều đăng ký hưởng các ưu đãi về miễn học phí, hỗ trợ phí sinh hoạt và từ phía các địa phương. Ngược lại, cũng chưa có nhiều nơi đặt hàng các trường ĐH, cao đẳng đào tạo sinh viên sư phạm. Lý giải của các địa phương đó là vẫn còn nguồn tuyển là những sinh viên tốt nghiệp trước đó, những GV hợp đồng chưa vào biên chế nên nếu đặt hàng, đào tạo xong, địa phương không thể chắc chắn sẽ bố trí những trường hợp này vào đâu.
Vấn đề bồi hoàn kinh phí cho địa phương ra sao nếu người học sau tốt nghiệp không công tác tại địa phương đang là băn khoăn của nhiều đơn vị. Nghị định 116 không có thông tư hướng dẫn nên trong quá trình thực hiện sẽ gặp những vướng mắc. Chẳng hạn, sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của địa phương về mặt bằng cấp hoặc không trúng tuyển trong kỳ thi công chức của địa phương thì có phải bồi hoàn không? Thậm chí, có trường thẳng thắn chỉ ra sinh viên đang đào tạo, hết năm nhất thì bảo lưu kết quả học tập, năm sau không quay lại học thì có thu hồi học phí hay không?
Nghị định 116 đã triển khai được 2 năm nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc chi trả kinh phí hỗ trợ theo quy định. Một số trường còn đang e dè vì không có quy định, cơ chế thu lại kinh phí hỗ trợ nếu người học ra trường không tham gia công tác trong ngành giáo dục. Vì vậy, các địa phương và các trường đều mong muốn Bộ GDĐT sớm có hướng dẫn chi tiết trong thời gian tới. Các địa phương cũng cần công khai, minh bạch và chi tiết về thông tin đào tạo đặt hàng, chính sách sau khi tốt nghiệp sẽ tuyển dụng ra sao để người học an tâm lựa chọn, không phải thấp thỏm về đầu ra như hiện nay.