Gần đây dư luận rộ lên câu chuyện trường chuyên, lớp chọn. Ít nhất có ba cách tiếp cận: Một, gay gắt và quyết liệt khi đòi bỏ xóa ngay, coi đó là một mô thức không hợp thời vì dùng ngân sách nhà nước “nuôi béo” một bộ phận nhỏ (cả trò, cả thầy), đề xuất “sáng kiến” xã hội hóa bằng cách “bán” trường chuyên cho tư nhân. Hai, ôn hòa hơn thì kiên định bằng mọi cách giữ trường chuyên, nhưng phải cải cách mạnh mẽ. Ba, dung hòa theo triết lý lão thực - đã “đẻ” nó ra thì phải có trách nhiệm “nuôi”.
Nhìn từ Luật Giáo dục: Chương III, Mục 2, Điều 62, Luật Giáo dục ghi rõ: “Trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở đảm bảo giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước. Trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao được thành lập nhằm phát triển tài năng của học sinh trong các lĩnh vực này”.
Vậy, theo tôi, muốn “xóa” trường chuyên thì Luật Giáo dục phải thay đổi. Đây là chuyện vĩ mô của một ngành, một lĩnh vực xã hội rộng lớn và có tính chiến lược quốc gia khi hiện có hơn 20 triệu học sinh các cấp từ mầm non đến đại học (cả sau đại học) đang theo học, cùng với vài triệu người làm nghề dạy học và phục vụ dạy học. Giáo dục “gõ cửa” đến từng gia đình và nó mang tính nhạy cảm.
Vì thế, theo tôi, chuyện đòi xóa bỏ trường chuyên, thậm chí giao nó cho tư nhân theo đường hướng xã hội hóa là chuyện khó. Tôi nghĩ, trong tình hình hiện nay, mỗi chúng ta nên “hiến kế” nhiều hơn để góp phần đưa nền giáo dục nước nhà đi lên, phát triển bền vững.
Nhìn từ sự sinh thành trường chuyên: Nên coi trường chuyên là một sinh thể, có quá khứ - hiện tại - tương lai. Thế hệ chúng tôi còn nhớ như in, từ năm 1966, khi chiến tranh đang ác liệt, bom đạn ngút trời, sống chết tấc gang thì hệ thống trường chuyên (THPT Chuyên) được lập ra, bắt đầu với những lớp chuyên Toán tại các trường đại học lớn về khoa học cơ bản, tiếp sau đó các trường chuyên được thiết lập rộng rãi tại các tỉnh, thành miền Bắc (trước 1975), sau khi đất nước thống nhất được mở rộng trên phạm vi cả nước. Mục đích ban đầu của hệ thống trường chuyên là chú trọng phát triển năng khiếu của học sinh để bồi dưỡng thành nhân tài. Từ chuyên Toán học, Vật lý, Hóa học,... đến Tin học. Đúng là như măng mọc mùa xuân. Những học sinh giỏi của các trường chuyên từ những thế hệ đầu tiên và sau đó đã từng nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt ở các trường đại học lớn, các viện nghiên cứu quan trọng ở tầm quốc gia. Tuy nhiên, cũng có một thực trạng tỷ lệ học sinh giỏi các trường chuyên tiếp tục theo đuổi khoa học hay các lĩnh vực liên quản có cơ giảm thiểu khiến cho dư luận xã hội quan ngại. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác - câu chuyện về con đường dài nhất giữa “học” và “hành”, rộng hơn trong phạm vi xã hội là “nói” và “làm”, như chúng ta đều thấy hiển hiện dưới thanh thiên bạch nhật.
Gần đây hơn, có chuyện chọn người tài qua chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” do VTV chủ trương gây dựng nhiều năm. Mỗi thí sinh đoạt danh hiệu khôi nguyên đều nhận được một học bổng có giá trị kinh tế cao ngất, nhưng khi đi du học xong, ít người trong số đó trở về phục vụ đất nước. Lại cũng là một câu chuyện “đi” và “về”, “hưởng thụ” và “cống hiến”, còn tốn giấy mực tranh luận và còn làm khó dài dài các nhà quản lý giáo dục ở tầm vĩ mô. Tôi không thuộc phía phê phán các thí sinh đã đăng quang Olympia, một đi không trở lại, từ góc độ ứng xử với ân huệ của xã hội, đất nước nơi họ sinh ra và làm bệ phóng cho “mỗi con người lấp lánh một vì sao”.
Nhìn từ xã hội: Tất cả các ngành sản xuất xã hội, trong đó có giáo dục, phải tuân thủ quy luật “cung - cầu”. Bằng chứng là mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định thành lập Trường THPT Chuyên khoa học Xã hội và Nhân văn trực thuộc Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội). Trường chuyên này chiêu sinh 3 ngành/ môn: Văn học, Lịch sử và Địa lý. Năm học mới 2020-2021, trường khai giảng theo kế hoạch chung của Bộ GDĐT.
Trả lời báo giới, PGS.TS Nguyễn Quang Liệu - Hiệu trưởng Trường chuyên khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) nhấn mạnh về mục tiêu của nhà trường: “Phát hiện và bồi dưỡng những học sinh có tư chất thông minh, đạt kết quả tốt trong học tập ở bậc tiểu học và trung học cơ sở, đào tạo học sinh giỏi lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, tạo nguồn nhân tài khoa học xã hội và nhân văn cho đất nước theo năng lực của từng học sinh trên cơ sở đảm bảo giáo dục toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thẩm mỹ, các kỹ năng cơ bản, đặc biệt giáo dục lòng nhân ái trong cuộc sống và các môn văn hóa bậc phổ thông chất lượng cao”.
Nhìn từ người trải nghiệm giáo dục: Tôi là người có thâm niên trong ngành giáo dục nên có trải nghiệm nghề nghiệp để tự tại, tự tin khi bàn về giáo dục nói chung, trường chuyên nói riêng ở ta hiện nay. Giáo dục gắn với vấn đề con người, nhưng con người không thể nhấc ra khỏi hoàn cảnh (thực tiễn). Tinh thần hiếu học của người Việt không thể nói là không đáng trân trọng, bảo tồn.