Mới đây, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa -Vũng Tàu) khánh thành cột cờ trên đỉnh núi Đá Chẻ, trong di tích chiến khu cách mạng Minh Đạm - một địa chỉ đỏ lừng lẫy một thời. Dưới vòng vây của Mỹ ngụy, các chiến sĩ cách mạng vẫn ngày đêm bám trụ, tiến công tiêu diệt giặc xâm lược, cho đến ngày miền Nam được giải phóng (1975). Tiếng kèn xung trận ngày nào như vẫn vang lên trên đỉnh núi cao…
Cột cờ trên đỉnh núi.
Những hang đá kỳ vỹ trên đỉnh Thùy Vân
Câu chuyện về chiến khu cách mạng nơi đây chúng tôi được nghe ông Trần Văn Định, người trong Ban quản lý Khu di tích lịch sử cách mạng Minh Đạm kể lại, với những cảm xúc bồi hồi. Ông Định nhớ lại: Ngay từ đầu những năm sau cách mạng tháng Tám (1945), sự tráo trở của giặc Pháp khi muốn mượn quân đội Mỹ xâm chiếm lại đất nước ta, lực lượng cách mạng Đất Đỏ đã hình thành và xây dựng chiến khu, căn cứ địa trên dãy núi Thùy Vân này.
Dãy núi Thùy Vân địa thế hiểm trở và rừng rậm hoang vu, với hàng trăm hang đá đã trở thành căn cứ địa cách mạng giữa lòng địch. Các chiến sĩ của hai huyện Đất Đỏ và Long Điền đã lên phát hoang và chiếm lĩnh những nơi trọng yếu nhất để gây dựng cơ sở chiến đấu. Đặc biệt, dãy núi đá kéo dài tới 10 cây số, nơi rộng nhất cũng tới 5 cây số, khúc khuỷu hiểm trở với những vách đá tai mèo khó lên. Những ngọn núi thấp điệp trùng như những đám mây khổng lồ úp xuống, nối đuôi nhau kéo dài ra biển tạo nên sự kỳ bí lạ thường. Đội ngũ chiến sĩ địa phương mỗi ngày một đông, hội tụ rải rác trên núi tạo một chiến lũy, canh gác ngày đêm. Dãy núi còn có tên gọi theo hai ngôi chùa là Châu Long - Châu Viên, nhưng người Mạ và Chơ Ro vẫn gọi cái tên thân thương là Thùy Vân. Và trong cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, những người Mạ cùng người Chơ Ro đã cùng kề vai sát cánh chiến đấu gìn giữ non sông. Cũng từ đó, những cuộc tập kích của các chiến sĩ trên núi, tiêu diệt những đồn bốt làm khiếp vía quân thù. Hết giặc Pháp rồi đến giặc Mỹ và quân Ngụy, đều ra sức đàn áp hòng tiêu diệt căn cứ cách mạng, trên quê hương Đất Đỏ.
Hiện nay trong khi di tích lịch sử cách mạng Minh Đạm vẫn còn đó những cái hang mang tên cơ quan đầu não như: “Hang Huyện ủy”, “Hang Huyện đội”, “Hang Quân y”, hay “Hang thị xã Cấp”… Chúng nằm trong 300 cái hang đã nuôi giấu lực lượng cách mạng trong những cơn mưa bom của giặc Mỹ. Những cái hang cũng đã từng là nơi chế tạo vũ khí và lưu trữ kho lương do những người dân bí mật đưa lên. Để tưởng nhớ đến sự hy sinh của các chiến sĩ cách mạng nơi đây, từ năm 2013 đến nay, huyện Đất Đỏ đã tổ chức những cuộc đi bộ, leo núi định kỳ lên thăm viếng đền liệt sĩ và các di tích hang đá. Đặc biệt mọi người sẽ chinh phục đỉnh Đá Chẻ, cao chừng 355 m với những nẻo đường quanh co dốc đứng để chào lá cờ Tổ quốc và lá cờ đảng tung bay trước gió. Họ vừa đi vừa ôn lại những chiến công oai hùng của các chiến sĩ cách mạng làm nên sự nghiệp phát triển trên quê hương Đất Đỏ. Đây là cái nôi cách mạng, với những người con được phong danh anh hùng như Châu Văn Biếc, Nguyễn Hùng Mạnh, Tạ Văn Sáu, Nguyễn Thị Hoa, Nguyễn Thị Đẹp. Đặc biệt là người con gái anh hùng trẻ tuổi Võ Thị Sáu.
Bức tượng và đền thờ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Sáng mãi tên người anh hùng
Khi chúng tôi đến ngôi nhà xưa, từng là nơi ở của nữ anh hùng Võ Thị Sáu, và khu Công viên tưởng niệm anh hùng Võ Thị Sáu, tại xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, lại bắt gặp lá cờ Tổ quốc tung bay trên quảng trường. Bức tượng đài Võ Thị Sáu được lá cờ che chở và chia sẻ niềm yêu thương tưởng nhớ đến chiến công của người liệt sĩ này. Nghe nói trước khi bị giặc Pháp tử hình, đêm trước chị đã gặp những người đào mộ cho mình để cảm ơn. Tất cả ai cũng rơi lệ trước cô gái mới 19 tuổi luôn hiền hòa lạc quan trước cái chết cận kề. Cũng trong đêm ấy, Võ Thị Sáu đã cất tiếng hát chia tay những chiến sĩ bên các khám, cùng trong khu nhà tù biệt giam. Ai nấy đều im lặng nghe cô Sáu hát bài ca về Tổ quốc, về đất nước.
Chị Sáu là nữ tù nhân đầu tiên và trẻ nhất tại Côn Đảo. Sau những chiến công tiêu diệt kẻ địch, cùng với chí khí kiên cường khi bị bắt, chị Sáu đã làm khiếp vía kẻ địch. Cho dù bị tra tấn dã man, chị cũng không hề khai báo, miệng luôn lớn tiếng chất vấn lại luật sư và cha cố khi đụng chạm tới lý tưởng cách mạng. Đặc biệt cũng ngay tại đêm trước khi lĩnh án tử, chị Sáu đã giơ tay thề trước lá cờ đảng và được trở thành người nữ đảng viên trẻ tuổi nhất vào đầu năm 1952. Và đúng sáng hôm sau ngày 23/1/1952, chúng bí mật đưa chị ra pháp trường xử kín. Ở đó chỉ có người cha cố đòi rửa tội cho phạm nhân. Nhưng chị Sáu đã hét lên: “Tôi không có tội… ”. Rồi chị hát vang bài “Tiến quân ca”, cùng với những lời hô vang: “Không cần bịt mắt tôi. Hãy để cho tôi nhìn thấy đất nước thân yêu đến giây phút cuối cùng…”. Đúng lúc đó cả hàng ngàn tù nhân đã đứng dậy cùng hát vang với người nữ anh hùng bài hát “Chiến sĩ ca” như một sự vinh danh âm vang sông núi. Loạt đạn đầu tiên đã bắn không trúng mục tiêu. Chị Sáu vẫn hiên ngang nhìn thẳng vào họng súng kẻ thù. Phải đến loạt súng sau mới có viên đạn hạ sát người anh hùng kiên cường bất khuất này.
Cổng vào Đền liệt sĩ căn cứ Minh Đạm.
Mùa hoa Lê ki ma
Khi chúng tôi đến đúng vào mùa Lê ki ma (trứng gà) rộ trái vàng rực cả góc chợ Đất Đỏ. Những trái trứng gà thơm hương vị ngọt bùi trên môi những cô bé vội vã đi vào chợ. Ngay trong ngôi nhà lưu niệm anh hùng Võ Thị Sáu, bản nhạc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn được bày trang trọng trong tủ kính. Những con chữ viết tay của nhạc sĩ như còn nhỏ lệ với thời gian. Dường như trước mắt chúng tôi là cô bé Sáu ngày nào vẫn đang gánh hàng ra chợ cho mẹ. Chiếc xe kéo tay bên vách nhà gỗ, vẫn còn đó hình ảnh bé Sáu đang còng lưng đẩy xe cho cha lên dốc, trong tay vẫn nưng niu cánh hoa Lê ki ma như một niềm vui vượt qua mọi khó nhọc cuộc đời. Rồi bất ngờ bên hiên nhà, chúng tôi thấy hình ảnh chị Sáu đang bước đi khoan thai với chiếc áo tù nhân số 6267 đi ra pháp trường. Một tên quan Pháp run tay giương súng lên mà không bóp cò nổi trước khí phách hiên ngang bất tử của người nữ anh hùng miền Đất Đỏ, giàu truyền thống cách mạng, trong suốt hàng trăm năm mở cõi và dựng nghiệp bên Biển Đông.