Trong 15 năm làm trưởng thôn, anh Đặng Văn Đức, 49 tuổi, ở thôn Pá Ó, xã Trấn Yên (huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều năm qua, anh Đức được Chủ tịch UBND xã Trấn Yên, Chủ tịch UBND huyện Bắc Sơn tặng giấy khen trong quá trình công tác. Đặc biệt đầu tháng 12/2020, anh vinh dự được dự Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020 và được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2010-2020.
Để có được sự ghi nhận, biểu dương này, trong suốt 15 năm giữ vai trò Trưởng thôn Pá Ó (từ năm 2006), anh Đức luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhất là việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Anh Đức cho biết: Thôn Pá Ó có 75 hộ dân với 352 nhân khẩu, 100% đều là đồng bào Dao, tỷ lệ hộ nghèo khá cao, đời sống bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Với đặc điểm, điều kiện khó khăn như vậy, để người dân nghe và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trước hết bản thân mình và gia đình phải gương mẫu; nói đi đôi với làm, làm đi đôi với cùng tham gia thực hiện. Đặc biệt là phải chịu khó lắng nghe ý kiến của dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của bà con, đặt lợi ích của dân lên hàng đầu thì mọi người sẽ đồng lòng.
Bằng sự nhiệt tình, khéo léo trong công tác dân vận, anh Đức đã làm thay đổi nhận thức của bà con trong xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ sẵn sàng góp tiền, hiến đất để xây dựng các công trình công cộng.
Năm 2020, anh đã vận động người dân trong thôn đóng góp được 75 triệu đồng và nhiều ngày công lao động để xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, sạch đẹp. Trong đó, vận động được gia đình anh Bàn Phúc Định hiến hơn 100 m2 đất đồi trồng cây để tạo mặt bằng xây nhà văn hóa.
Trong lĩnh vực kinh tế, anh vận động bà con tích cực khai thác thế mạnh từ đất đồi rừng để trồng cây ăn quả, hoa màu. Những năm qua, bà con trong thôn luôn quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả giúp năng suất và diện tích các loại cây đều tăng theo năm. Ngoài ra, ở thôn đã xuất hiện một số mô hình trồng cây ăn quả (cam, bưởi, quýt) và trồng rừng qua đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp một hộ có thu nhập khá.
Trong lĩnh vực văn hóa, anh tích cực vận động Nhân dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tham gia vào các phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc. Đến hết năm 2020, tỷ lệ hộ đạt gia đình văn hóa là 98%, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường, không có học sinh bỏ học…