Hơn 4 ha đất lúa hai vụ của 20 hộ dân ở xóm 10 và 11 (nay nhập lại thành xóm Quý Linh) xã Thạch Xuân (Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị bỏ hoang 4 năm nay, mặc cho người dân kiến nghị, chính quyền xã vẫn không tìm ra cách tháo gỡ. Đó là thực trạng ở xã Thạch Xuân kể từ khi Tiểu dự án hồ chứa nước Khe Xai thuộc hệ thống thủy lợi Khe Giao – Thạch Hà tiến hành thi công.
Hơn 4 ha đất lúa hai vụ trở thành “cánh đồng chết” hơn 4 năm nay
Trạm bơm cũng để hoang
Đây là thời điểm nông dân Hà Tĩnh lấy nước để làm đất, xuống gieo vụ hè thu năm 2015, tuy nhiên hơn 4 ha đất ở khu vực Nhà Sang của người dân xóm Quý Linh xã Thạch Xuân vẫn “im hơi lặng tiếng” giống như 4 năm nay. Cỏ dại mọc um tùm trên các thửa ruộng nhưng nông dân chỉ biết ngậm ngùi xót xa vì không biết làm cách nào để làm đất gieo, cấy. Có mặt tại các thửa đất Nhà Sang mà người dân xóm Quý Linh xã Thạch Xuân sở hữu, chúng tôi nhận được phản ánh của rất nhiều hộ dân về việc không có nước để sản xuất. Ông Nguyễn Văn Hạnh, một hộ dân có 3 sào đất ở khu vực này cho biết: “Trước đây vùng đất này mỗi năm vẫn làm được hai vụ lúa nhưng vì lâu nay không dẫn được nước về nên chúng tôi đành bỏ hoang”.
Gia đình anh Nguyễn Phi Thanh có tất cả 5 sào ruộng thì đã có 3 sào nằm trong diện phải bỏ hoang. Từ năm 2011 trở về trước, khi đang có nước để sản xuất thì mỗi sào gia đình anh thu hoạch bình quân khoảng 1,5 tạ, cũng đủ để cả gia đình ăn. Bây giờ nhà anh con cái đang tuổi ăn, tuổi học nhưng chỉ biết trông chờ vào 2 sào ruộng. Anh Thanh bức xúc nói: “Xã có làm cái trạm bơm để bơm nước cho khu vực ruộng Nhà Sang nhưng khổ cái bơm mãi mà nước không lên được, vì ngược nguồn nên không thể đẩy nước lên, bây giờ cái trạm bơm đó để không chứ có tác dụng chi mô. Khi bơm nước không thành, xã nói không làm được lúa thì làm màu nhưng đất này không làm được vì chỉ mấy phân đất mặt là đất cát còn phía dưới là đất sét rất cứng. Dù để hoang nhưng hằng năm chúng tôi vẫn phải đóng thuế…!?”.
Ông Bùi Công Soàn, Bí thư chi bộ xóm Quý Linh xác nhận: “Việc hơn 4 ha đất của dân xóm chúng tôi bỏ hoang mấy năm nay là đúng, từ khi thi công đập Khe Xai đến nay dân không thể sản xuất vì không có nước, bây giờ là thời điểm lấy nước để làm vụ hè thu nhưng vùng đất Nhà Sang vẫn không thể đưa được nước về. Khi thi công đập Khe Xai, vụ đầu tiên họ hỗ trợ mỗi sào 250 nghìn đồng nhưng sau đó thì không có gì nữa. Xóm đã nhiều lần họp rồi có kiến nghị lên xã nhưng đến nay vẫn chưa có cách gì để mà sản xuất phần đất đó cả”.
Thiệt thòi nhất vẫn là nông dân
Được biết Tiểu dự án Hồ chứa nước Khe Xai thuộc hệ thống thủy lợi Khe Giao – huyện Thạch Hà được phê duyệt theo Quyết định 3627/QĐ – UBND của UBND tỉnh Hà Tĩnh, chủ đầu tư là Công ty quản lý khai thác công trình thủy lợi Kẻ Gỗ, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV thủy lợi Nam Hà Tĩnh. Công trình đảm bảo nước tưới cho 975 ha đất canh tác (bao gồm diện tích vùng cao của xã Thạch Xuân, Nam Hương trên mực nước khống chế của kênh N1 Kẻ Gỗ và bổ sung vào kênh N1 Kẻ Gỗ để tưới tăng thêm 385 ha) góp phần cải tạo môi trường sinh thái, phòng lũ cho vùng hạ lưu, chống cháy rừng và tạo cảnh quan cho vùng du lịch sinh thái phía Tây TP.Hà Tĩnh.
Ông Đào Văn Dũng, Trưởng ban quản lý Tiểu dự án hồ chứa nước Khe Xai cho biết: “Khi bắt đầu xây dựng dự án thì ban đã cấp kinh phí để nâng cấp trạm bơm và nâng bờ kênh lên để lấy nước cho dân sản xuất. Việc người dân phản ánh trạm bơm không thể bơm được nước lên thì địa phương phải chịu trách nhiệm vì xã khảo sát, thiết kế, dự toán hết bao nhiêu thì chúng tôi cấp kinh phí bấy nhiêu”.
Tuy nhiên, khi phóng viên báo Đại Đoàn Kết đưa phản ánh của người dân lên hỏi chính quyền xã thì ông Dương Thanh Trúc, Chủ tịch UBND xã Thạch Xuân lại đá quả bóng trách nhiệm sang đơn vị thi công. Ông nói: “Cũng phải chia sẻ với đơn vị thi công vì dự án chậm tiến độ, dự kiến là tháng 9-2014 đưa vào sử dụng nhưng đến nay vẫn chưa xong. Xã đã kiểm tra và yêu cầu khắc phục nước để dân sản xuất, hằng năm họ cùng địa phương khắc phục nhưng nói thật là chỗ đó hơi khó vì đây là nước đầu nguồn, địa phương cũng nhiều lần kiến nghị lên huyện, lên tỉnh nhưng để đảm bảo nước tưới cho dân thì không thể đảm bảo được”.
Còn về việc đất để hoang nhưng hằng năm người dân vẫn phải đóng thuế đầy đủ thì ông Trúc xác nhận: “Thực chất lâu nay thuế nỏ thu mô mà chỉ thu quỹ phát triển sản xuất ví dụ như quỹ bảo vệ, đưa nước, điều hành…mà phần đất trên đó không sản xuất được thì phải cắt trừ cho họ, không làm được thì trả lại cho dân bằng cách không thu nữa”.
Trạm bơm, bờ kênh, đường ống dẫn nước được đầu tư nâng cấp nhưng không thể đưa được nước về cho dân sản xuất gây lãng phí một phần thì việc để đất hai vụ lúa bỏ hoang hơn 4 năm liền lãng phí mười phần. Việc chuyển đổi sang sản xuất loại cây khác cũng không được bàn tính cụ thể, tích cực nên đất cứ để cho cỏ dại mọc tự nhiên. Xã thì “mặc kệ” dân và trách dân lười nhác còn dân thì trách xã “thiếu trách nhiệm gây lãng phí”, quả bóng này được đá đi, đá lại và người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân…