Thông tin về việc nông dân nhiều tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long bán đất mặt ruộng khiến nhiều người băn khoăn. Trước hết, đó là nỗi lo hao hụt độ phì nhiêu của đất trồng lúa.
Tại ấp 4, xã An Xuyên, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, người dân còn che chắn khu đất của mình bằng các tấm tôn, tránh cái nhìn từ bên ngoài, còn bên trong thì mặc tình “bóc” đất mặt ruộng đem bán. Cơ quan chức năng địa phương ghi nhận, khu đất rộng khoảng 22.000m² có 3 địa điểm bị khai thác. Nơi bị lấy nhiều nhất đã tới hơn 1000 m².
Thật sự lo lắng có nơi người ta không chỉ lấy lớp đất bề mặt, mà còn đào sâu tới 3,5m- “không khác nào hố bom thời chiến tranh”, một người dân trong ấp cho biết.
Đay là “mùa thứ hai” người dân bán đất mặt ruộng. “Rút kinh nghiệm” lần trước, để tránh bị chính quyền “sờ gáy”, chủ ruộng đã chuyển sang làm ban đêm. Khi được hỏi thì người dân cho rằng mình bóc dỡ lớp đất mặt ruộng là để đắp bờ!
Tương tự, tại tuyến đường quốc lộ 91C (đoạn qua xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu), thời điểm này người dân cũng khốn khổ vì xe ben chở đất chạy rầm rập. Khu vực ấp Công Điền và ấp Vĩnh An, học sinh đến trường và người chạy xe máy lãnh đủ vì hít bụi.
Được biết, sở dĩ có việc người dân bán đất mặt ruộng là do nhu cầu đất san lấp mặt bằng; cùng đó là một số thương nhân đầu mối thu mua loại đất mầu mỡ này bán cho những người trồng cây cảnh. “Được chỗ này lại mất chỗ kia”- một cán bộ môi trường Cà Mau nói. Theo anh này, chỉ vì được giá mà dỡ bỏ lớp đất tốt nhất của ruộng nhà mình thì tự bà con nông dân sẽ phải gánh chịu hậu quả lâu dài, khi mà đất đai ngày càng bạc màu.
Vấn đề chốt lại là cán bộ địa phương ở đâu khi vẫn để tình trạng này diễn ra?