“Nghe nói Cà Mau xa lắm…” - câu hát đưa khách thập phương về với vùng đất cuối trời Tổ quốc. Cà Mau vốn đã rất xa nhưng Đất Mũi - mảnh đất tận cùng trên dãy đất hình chữ S lại càng diệu vợi. Cái “xa lắm” ấy không hẳn là khoảng cách địa lý mà vì cảnh đò giang cách trở của thuở nào.
Dù đã nhiều lần đến mảnh đất tận cùng cực Nam Tổ quốc nhưng cứ mỗi lần về Cà Mau là tôi lại muốn “bay” thẳng tới Đất Mũi thiêng liêng. Những ngày cận Tết Nguyên đán tôi lại hành trình về với vùng biển Tây, về để cảm nhận được sự đổi thay ở vùng đất cuối trời tổ quốc.
Xoá nhoà khoảng cách
Mặc dù Đất Mũi những năm gần đây đã thay đổi rất nhiều bằng các công trình như cột cờ Hà Nội, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ Âu Cơ… nhiều công trình được đầu tư khang trang đón khách du lịch. Tuy nhiên sự hấp dẫn của vùng đất này chính là vẫn còn lưu giữ nhiều nét hoang sơ từng khiến biết bao người đam mê khám phá. Qua câu chuyện với những người dân thổ địa ở vùng đất này, khoảng 20 năm trước, để đến được Đất Mũi, phải ngồi tàu gần cả ngày từ trung tâm tỉnh Cà Mau. Rồi, khi có canô cao tốc thì thời gian rút ngắn được còn 3 giờ nhưng phải quay lại trước 15 giờ để không lỡ chuyến tàu cuối ngày.
Cách đây tròn 5 năm, ngày 16/1/2016, chính thức nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi, với chiều dài 3.183 km. Đó cũng là lần đầu tiên người dân nơi mũi đất tận cùng cực Nam Tổ quốc được tận mắt nhìn thấy những chiếc ôtô lăn bánh trên quê mình, điều mà trong mơ họ cũng chưa từng nghĩ đến. Cũng từ đó, Đất Mũi đón hàng triệu lượt khách mỗi năm vì được phá thế độc đạo đường sông. Mà không chỉ riêng Đất Mũi, cả vùng Rạch Gốc, Viên An… cũng vươn mình trỗi dậy sau khi thoát được cảnh ngăn sông cách chợ trong suốt hàng trăm năm lịch sử. Cơ hội làm kinh tế du lịch mở ra cho những xóm chài, cho từng nhà, từng người vốn dĩ chỉ biết bám rừng, bám biển mưu sinh từ bao đời nối tiếp.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cả các tỉnh bạn xa xôi cũng không tiếc đầu tư hạ tầng và những công trình ấn tượng, mang giá trị lịch sử, truyền thống và đậm chất nghệ thuật vào Đất Mũi. Nét chấm phá của những công trình hiện đại đã biến mảnh đất rừng rậm heo hút nơi chót cùng trời Nam vụt sáng bừng như phố thị.
Ấn tượng nhất là công trình Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do UBND TP Hà Nội xây tặng Đất Mũi. Công trình này được khánh thành vào cuối 2019, có tổng mức đầu tư xây dựng gần 140 tỉ đồng; thiết kế mô phỏng kiến trúc Cột cờ Hà Nội cổ xưa, được xây dựng kiên cố, hiện đại, có khả năng chống chịu gió bão và xâm thực của nước biển.
Biểu tượng Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau nằm trong Khu Du lịch Mũi Cà Mau, gần với các công trình quan trọng như: Cột mốc tọa độ quốc gia, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng Mẹ Âu Cơ, biểu tượng mũi tàu Cà Mau, biểu tượng điểm cuối đường Hồ Chí Minh…
Cùng với tuyến đường Hồ Chí Minh, những công trình này đã và đang góp phần nâng tầm du lịch Đất Mũi từ chỗ không có gì thành điểm đến ấn tượng đối với du khách.
Hành trình thú vị nhất khi về Đất Mũi là trải nghiệm ở các khu homestay của người dân địa phương. Là nơi rừng giáp biển, các homestay được thiết kế theo kiểu nhà sàn, lợp lá rất mát mẻ, cách cột mốc quốc gia (toạ độ số 0) vài cây số đường bộ xuyên rừng. Đến với các điểm homestay du lịch sinh thái cộng đồng Đất Mũi, du khách được thả mình vào không gian yên bình, hòa vào thiên nhiên, tham quan bãi bồi, rừng đước, rừng mắm bạt ngàn; cùng trải nghiệm đời sống sinh hoạt hằng ngày của người dân bản địa, như: Đờn ca tài tử, soi ba khía, đặt lờ cua, xổ vuông; trải nghiệm lái canô, vỏ lãi len lỏi qua những cánh rừng… Rồi tự chọn thưởng thức vô số hải sản tươi sống mang hương vị riêng biệt của vùng đất này, như: Tôm sú, tôm tít, cua, hàu, nghêu, sò huyết, ốc len, cá thòi lòi, cá bống sao…
Bừng sáng tương lai
Khác với những lần trước, lần này về Đất Mũi tôi quyết định đi bằng xe máy để tận hưởng cái không khí se lạnh trên tuyến đường xuyên rừng ngập mặn bạt ngàn, thẳng tắp. Từ TP Cà Mau, đi hơn 50 km theo Quốc lộ 1 chỉ hơn 1 giờ là đặc chân đến thị trấn Năm Căn. Từ đây, đi thêm hơn 50 km theo đường Hồ Chí Minh mới mở là tới Đất Mũi. Mất chưa đầy 2 giờ đồng hồ, xóm Mũi đã hiện ra trong tầm mắt. Tính ra, giờ đến với Đất Mũi cũng vẫn mất thời gian tương đương như đi tàu cao tốc, nhưng có điều muốn về lúc nào tùy thích, muốn ở lại lúc nào về thì về.
Tình cờ gặp một gia đình ngư dân tại điểm dừng chân ven đường, qua vài câu hỏi thăm, người đàn ông có vẻ ngoài “gấu biển” tên Thạch Cam bỗng nước mắt lưng tròng, kể rằng anh “chạy đói” từ miệt Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu xuống Đất Mũi hơn 10 năm nay, lấy vợ và sinh 5 đứa con nhưng chưa một lần được về thăm quê.
“Quê cách đây chưa tới 150 km nhưng tiền mua vé tàu cho cả nhà cũng mất ít nhất trên 2 triệu đồng. Số tiền tương đối cao đối với những người chỉ mò cua bắt ốc, ngày kiếm được trên dưới 50 ngàn đồng. Nay hay tin mẹ yếu, bệnh tật, không biết còn sống được bao lâu. Cũng nhờ có đường ra tận đây, có xe khách nên năm nay quyết định đưa vợ con về quê thăm mẹ và ăn tết với bà”, Thạch Cam trải lòng.
Ghé thăm nhà lão ngư dân Lê Văn Đá (Tám Đá), tôi cũng hơi bất ngờ, tưởng mình đi nhầm nhà vì những ngôi nhà không cửa huyền thoại quay mặt ra kênh, rạch đón gió như thuở nào giờ đã không còn nữa. Mà thay thế bằng những ngôi nhà mới khang trang hướng mặt tiền ra đường lớn.
“Từ khi có lộ xe rồi thì ai cũng sửa lại nhà, cửa nẻo đàng hoàng chứ không thể để trống huơ trống hoác như xưa. Sở dĩ khi xưa dân xứ này cất nhà không cần làm cửa vì trộm vào lấy đồ cũng không có đường mà mang đi tiêu thụ. Còn bây giờ, có đường rồi thì phải thay đổi nếp sống thôi”, ông Tám Đá phân trần.
Ngồi nghe ông Tám Đá tâm sự lại muốn có được cảm giác nhâm nhi ly trà, hay chung rượu, tận hưởng những luồng gió biển miên man thổi vào những căn nhà không cửa ven sông của ngư dân Đất Mũi. Xóm nhà không cửa huyền thoại giờ đã lùi vào quá khứ cùng với bao nhiêu nét hồn nhiên, hoang dã đã tạo nên dấu ấn, ký ức khó phai của vùng đất này với khách thập phương.
Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng ấp Xóm Mũi, nhanh chóng chuyển hướng câu chuyện nhà không cửa bằng cái nhìn lạc quan hơn về nơi này: “Sự phát triển, hội nhập nào cũng phải có đánh đổi. Một vài nét văn hóa đặc trưng của Đất Mũi có thể mất đi vì không còn phù hợp, nhưng quan trọng nhất là tương lai của thế hệ mai sau.
Đã bao đời nay, trẻ con nơi đây khi mở mắt chào đời đã nhìn về phía biển. Cha mẹ cũng dạy con kỹ năng kiếm sống ngoài biển và lớn lên lại ra biển mưu sinh. Còn từ đây về sau, ngoài nhìn ra biển chúng nó sẽ phải nhìn về nhiều hướng, nhìn về con đường mới nối dài lên các phố thị như hướng về tương lai”.
Lời nói của trưởng ấp Xóm Mũi dường như đã đánh trúng mong muốn nhiều người dân nơi đây nên ai cũng gật gù tán thưởng. Dẫu không còn những làn gió thổi mơn man vào những ngôi nhà không cửa năm xưa nhưng ai cũng thấy mát lòng vì đã có luồng gió mới, sinh khí mới thổi vào làm cho mảnh đất cuối trời Nam đang nhanh chóng thay da đổi thịt từng ngày…