Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Vậy Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”.
Người căn dặn, nếu cất nhắc, nâng đỡ cán bộ không phải vì tài năng và đạo đức mà chỉ vì cảm tình riêng hoặc quan hệ nhờ vả hai chiều thì cán bộ đó không bao giờ đủ khả năng làm việc, sẽ làm quần chúng dị nghị, gây mất uy tín cho tổ chức và cán bộ.
Là người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đặc biệt coi trọng công tác cán bộ. Ngày 8/12/2017 tại cuộc họp Bộ Chính trị cho ý kiến về kết quả kiểm tra của 5 Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về thực hiện Kết luận số 24-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI đẩy mạnh công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý đến năm 2020 và những năm tiếp theo, gắn với thực hiện Quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Quy trình thủ tục là một cách để hạn chế bớt tiêu cực, phát huy cái tốt cái đúng, cho nên phải rất chặt chẽ, bảo đảm uy nghiêm.
Tổng Bí thư đặt vấn đề: Nhưng tại sao vừa qua có dư luận cái gì cũng làm đúng quy trình, nhưng cán bộ thì lại không đúng, tức là dùng quy trình để hợp thức hóa cái sai. Cuối cùng là trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, đồng thời phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến tập thể...
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Công tác cán bộ cực kỳ quan trọng, qua thực tiễn càng ngày càng thấy quan trọng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là gốc của mọi công việc, then chốt của then chốt.
Thời gian qua, công tác cán bộ được Đảng ta đẩy mạnh, cả “chống” và “xây”. “Chống”, đó là việc nhiều cán bộ vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm pháp luật đã bị xử lý nghiêm khắc và đang tiếp tục xử lý tiếp, không có vùng cấm, cũng không ngừng nghỉ. “Xây”, có thể thấy rất rõ trong công tác nhân sự XIII của Đảng và cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua.
Điều đó đã mang đến niềm tin cho mọi tầng lớp nhân dân, tạo nguồn cảm hứng cho toàn xã hội, làm nên sức mạnh tinh thần lớn lao.
Từ đó, nhìn vào “cuộc cách mạng chứng chỉ” trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, thăng hạng, bổ nhiệm, chúng ta thêm hy vọng và có niềm tin khi mà “thiên la địa võng” chứng chỉ sẽ dần được loại bỏ, để có thể chọn được người thực tâm, thực tài, thực việc.
Đó là công việc rất khó khăn, vì trong đó có quá nhiều quyền lợi nổi lẫn chìm. Nhưng vì nước, vì dân, vì lẽ công bằng và sự tiến bộ xã hội thì không thể tránh né, không thể không làm.
Lâu nay, những đòi hỏi về chứng chỉ (chưa nói đến bằng cấp) đã làm khổ biết bao người. Những người làm việc thực sự, trách nhiệm thực sự đôi khi không còn thời gian để lấy được một loạt những chứng chỉ không liên quan, cũng không giúp ích gì nhiều cho công việc của họ. Để có được vị trí này vị trí khác phải có cả xấp chứng chỉ, vì thế không ít người thoái chí.
Cũng có những người vì tự trọng mà không theo những lớp cấp tốc để có chứng chỉ. Có nghĩa là nhiều người tốt đã “đứng ngoài cuộc chơi”. Trong lúc những người yếu kém, việc không ra việc, nhênh nha nhênh nhang nhưng lại khôn khéo “tranh thủ thời cơ” hoàn chỉnh hết chứng chỉ này đến chứng chỉ khác.
Khi vào dịp chuyển ngạch, thăng hạng, bổ nhiệm thì “xòe ra” không thiếu thứ gì. Thế là nghiễm nhiên có vị trí tốt, cả danh lợi lẫn quyền lực. Với những người này, chứng chỉ không chỉ là vỏ bọc hào nhoáng mà còn là tấm áo giáp che chắn, là bậc thang cho họ leo lên mà không cần cọ xát với công việc, trưởng thành từ công việc.
Không phải người ta không biết mặt trái của vấn nạn chứng chỉ, nhưng tiếc thay nó vẫn tồn tại như một thách thức. Thì nay, đã có cuộc công phá vào “núi chứng chỉ”, nước chảy mãi thì đá cũng phải mòn. Chúng ta tin tưởng vào lẽ công bằng, những gì chỉ mang tính trình diễn bên ngoài rồi sẽ bị bước qua.