Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy sản của cả nước, đã trải qua chặng đường 50 phát triển. Thành tựu nổi bật là phát triển nông nghiệp, thủy sản, chuyển từ phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống sang kinh tế nông nghiệp, hội nhập thị trường thế giới, trở thành nguồn cung các chuỗi nông sản gia 1trị toàn cầu như thủy sản, trái cây, lúa gạo.
Vùng này đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng và 70% sản lượng trái cây của cả nước. Gạo, tôm, cá tra, trái cây nhiệt đới của vùng đã hiện diện ở hàng trăm thị trường quốc tế. Những con số không chỉ phản ánh vai trò chủ lực của vùng trong đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và thế giới.
Hạ tầng giao thông là một trong những “nút thắt” từng kìm hãm phát triển vùng, nay đang dần được tháo gỡ. Hàng loạt tuyến cao tốc – từ TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận đến Cần Thơ - Hậu Giang, Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, tuyến hành lang ven biển Đông và biển Tây kết nối từ TP HCM dọc theo biển Đông, biển tây đến Hà Tiên.
Hàng loạt các cầu lớn được đầu tư đưa vào sử dụng như cầu Cần Thơ, Mỹ Thuận 1, 2, cầu Rạch Miễu, Cao Lãnh, Rạch Miễu,… đang mở ra các trục kết nối chiến lược. Hệ thống cảng biển trên sông Tiền, sông Hậu, đặc biệt là cụm cảng cần Thơ và cảng biển nước sâu Trần Đề trong tương lai; các sân bay quốc tế Phú Quốc, Cần Thơ và sây bay Rạch Giá, Cà Mau... đã và đang định hình lại bản đồ giao thông vùng.
Trong lĩnh vực thủy lợi, các công trình ngăn mặn, trữ ngọt, kiểm soát triều cường như hệ thống đê bao ven biển Tây, các kênh trục thoát lũ, trạm bơm lớn được đầu tư đồng bộ, giúp ổn định sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu và đảm bảo sinh kế cho hàng triệu nông dân.
Nông nghiệp vùng không chỉ tăng trưởng về sản lượng mà đang chuyển dần sang chất lượng và giá trị. Mô hình canh tác lúa thông minh, tôm - lúa, tôm công nghệ cao, trái cây xuất khẩu theo các tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm nông nghiệp của vùng đã xây dựng được thương hiệu, có chỗ đứng ổn định tại các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản.
Thặng dư thương mại ĐBSCL đang dẫn đầu cả nước. Xuất nhập khẩu là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của ĐBSCL. Trong giai đoạn 2015–2024, kim ngạch xuất khẩu của vùng tăng từ 12 tỷ USD lên 28,2 tỷ USD (tăng trung bình 9,4%/năm), trong khi nhập khẩu tăng từ 6,1 tỷ USD lên 13,8 tỷ USD (9,5%/năm). Năm 2024, vùng ghi nhận mức thặng dư thương mại 14,4 tỷ USD, chiếm 58% tổng thặng dư thương mại của cả nước – một con số ấn tượng phản ánh thế mạnh xuất khẩu nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến.
Tuy vậy, ĐBSCL vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Theo báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL các năm gần đây, ba vòng xoáy đi xuống vẫn đè nặng lên hành trình phát triển vùng: nguồn vốn đầu tư thấp, tỷ lệ ngân sách thấp so với đóng góp kinh tế, và chất lượng nguồn nhân lực còn yếu. Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội của vùng chỉ chiếm khoảng 11-12% cả nước – mức thấp nhất trong các vùng kinh tế. Cùng với đó, lực lượng lao động chưa được đào tạo bài bản, kỹ năng hạn chế, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao khiến ĐBSCL khó bứt phá trong cuộc chuyển đổi số và công nghiệp hóa.
ĐBSCL đã chuyển từ “vùng trũng” hạ tầng giao thông, thủy lợi, chất lượng nguồn nhân lực sang một trung tâm tăng trưởng năng động. Xuất khẩu tăng mạnh, môi trường kinh doanh cải thiện rõ rệt, số lượng doanh nghiệp tăng nhanh. Nhưng để giữ vững và phát huy đà tăng trưởng này, vùng cần vượt qua các thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng và khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.
Nhận diện đầy đủ tiềm năng, thách thức và yêu cầu phát triển mới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, cùng với Quyết định số 287/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Đây là lần đầu tiên vùng được quy hoạch tích hợp toàn diện, mở ra không gian phát triển mới, tiếp cận theo hệ sinh thái, không còn chia cắt hành chính.
Một định hướng quan trọng là phát triển vùng theo trục đông - tây, dựa trên hành lang sông và biển, kết nối nội vùng với TP.HCM và các trung tâm kinh tế lớn. Các tiểu vùng sinh thái – từ Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên đến bán đảo Cà Mau – sẽ phát huy lợi thế riêng trong chiến lược phát triển chung, phù hợp điều kiện thủy văn và biến đổi khí hậu từng vùng.
Để triển khai quy hoạch hiệu quả, ba nhóm giải pháp trọng tâm cần được ưu tiên. Thứ nhất, tập trung huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư. Việc hình thành Quỹ đầu tư phát triển ĐBSCL, cơ chế đặc thù để thu hút vốn tư nhân và vốn nước ngoài sẽ tạo cú hích cho hạ tầng, công nghiệp và đô thị phát triển. Đầu tư công phải đi đầu, có chọn lọc và mang tính dẫn dắt.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. ĐBSCL cần một chiến lược đào tạo toàn diện, gắn với nhu cầu thực tế của từng ngành, từng địa phương. Các trung tâm giáo dục, đại học vùng phải trở thành hạt nhân nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và đào tạo chuyên sâu.
Thứ ba, tăng cường liên kết vùng và thể chế điều phối. Một cơ chế điều phối vùng mạnh mẽ, có đủ thẩm quyền, đủ nguồn lực và có sự tham gia của doanh nghiệp, cộng đồng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp. Liên kết không chỉ là giữa các tỉnh mà còn là liên kết với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ trong chuỗi cung ứng, logistics, lao động và công nghệ.
Hành trình 50 năm nhìn lại là cơ hội để khẳng định vai trò chiến lược của vùng trong tương lai đất nước – một vùng đất giàu tiềm năng, hội tụ tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên. Muốn vậy, cần một tầm nhìn dài hạn, chính sách đúng hướng và sự chung tay của toàn xã hội – từ Trung ương đến địa phương, từ người nông dân đến nhà đầu tư, từ trí thức đến doanh nghiệp. Đó cũng chính là cách để vùng đất Chín Rồng tiếp tục viết tiếp câu chuyện phát triển trong nửa thế kỷ tới – mạnh mẽ, tự tin và bền vững.