Năm 2022 chỉ còn ít ngày nữa sẽ khép lại. Sau 2 năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài, nhìn lại một năm qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực khắc phục khó khăn tiếp tục có những bước tiến về nhiều mặt.
Năm 2022 - năm mà dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, học sinh, sinh viên quay trở lại trường, toàn ngành giáo dục đã nỗ lực khắc phục khó khăn, tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.
23 triệu học sinh cả nước dự khai giảng trực tiếp
Sau hai năm trường học nhiều đợt phải tạm dừng đóng cửa, thầy và trò chuyển trạng thái dạy và học trực tuyến kéo dài bởi dịch Covid-19, ngày 5/9, 23 triệu học sinh cả nước đã được đến trường dự khai giảng năm học 2022 - 2023 bằng hình thức trực tiếp trong niềm vui chung của người dân cả nước.
Thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 3, 7, 10
Năm học 2022 - 2023 cũng là năm Bộ GDĐT tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp 3, 7, 10. Trong đó, đáng chú ý, đây là năm đầu tiên chương trình mới được triển khai ở cấp THPT với lớp 10 theo định hướng giáo dục nghề nghiệp, học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay, thay vào đó, các em học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc.
Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đến năm học 2022 - 2023, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành nhận định, chương trình đã có những chuyển biến tích cực; mục tiêu chương trình là phát triển phẩm chất, năng lực học sinh bước đầu đã được khẳng định, tạo niềm tin trong giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và xã hội.
Điều chỉnh môn lịch sử ở bậc THPT
Năm nay, môn Lịch sử trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận khi môn học này nằm trong nhóm môn học tự chọn. Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội, chuyên gia giáo dục nêu quan điểm, cần đưa môn Lịch sử trở lại là môn học bắt buộc.
Trước kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến nêu rõ, dư luận xã hội còn băn khoăn, có ý kiến trái chiều về việc đưa môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT, có thể sẽ gây ra hậu quả, hệ lụy khó lường. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Bộ GDĐT xem xét một cách thận trọng, đánh giá khách quan, toàn diện chương trình cải cách giáo dục phổ thông, nhất là việc đưa môn Lịch sử ở bậc THPT là môn học tự chọn. Ông Chiến cho rằng, cần đổi mới cách dạy và học để nâng cao chất lượng, chứ không nên để môn Lịch sử là môn học tự chọn.Quan điểm này đã được nhiều cử tri, người dân đồng tình.
Trước luồng ý kiến dư luận, cách thời gian năm học mới bắt đầu khoảng 1 tháng, Bộ GDĐT đã ban hành thông tư điều chỉnh môn học Lịch sử ở bậc học THPT từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn khoa học xã hội trở thành môn học bắt buộc.
Giữ ổn định mức thu học phí
Năm 2022 là năm bắt đầu áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Tuy nhiên, để tiếp tục hỗ trợ kịp thời học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, bình ổn giá và kiểm soát lạm phát góp phần phục hồi phát triển kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân sau dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 như năm học 2021 - 2022.
Top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất tại kỳ thi Olympic quốc tế
Một trong những kết quả nổi bật của ngành giáo dục trong năm nay là thành tích của học sinh Việt Nam trên đấu trường Olympic quốc tế. Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, năm 2022, Bộ cử 7 đoàn học sinh giỏi Việt Nam với 38 lượt học sinh tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% học sinh Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm: 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích). Với thành tích ấn tượng này, các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều học sinh đạt điểm số cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế.
Đội phá về chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh
Năm 2022 cũng là năm ngành Giáo dục có bước đột phá về chuyển đổi số trong công tác tuyển sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh năm 2022 đã được triển khai đồng bộ, triệt để từ đăng ký dự thi, đăng ký nguyện vọng xét tuyển và nộp phí xét tuyển, xác nhận nhập học được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh, có những thời điểm có tới hàng trăm ngàn lượt truy cập trong cùng khoảng thời gian trên Cổng thông tin tuyển sinh và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Việc tổ chức đăng ký và xử lý nguyện vọng xét tuyển trực tuyến không chỉ bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, giảm thiểu số lượng thí sinh ảo mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, trong đó đảm bảo việc minh bạch hóa công tác tuyển sinh của cả hệ thống.
Những mảng màu trầm
Năm 2022 đã khép lại, bên cạnh những gam màu sáng, bức tranh toàn cảnh của ngành Giáo dục vẫn còn đó những mảng màu trầm.
Đó là tình trạng “loạn” trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài. Trước tình trạng này, Bộ GDĐT thanh tra công tác tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ. Nhiều đơn vị bị tạm hoãn tổ chức thi IELTS và chứng chỉ ngoại ngữ khác. Sau khi bị rà soát, đến nay, Bộ GDĐT đã cấp phép tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cho hàng loạt đơn vị.
Năm 2022, mặc dù công tác tuyển sinh ghi nhận nhiều mặt tích cực nhưng việc nở rộ tới 20 phương thức xét tuyển cho thấy cần phải xem xét vì có nhiều phương thức không hiệu quả, thậm chí gây mất công bằng cho thí sinh. Trước thực tế này, lãnh đạo Bộ GDĐT đã đề nghị các trường từ năm 2023 loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả.
Bên cạnh đó, cách đây ít ngày, Thanh tra Bộ GDĐT cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 78 cơ sở giáo dục đại học có hành vi vi phạm trong công tác tuyển sinh đại học năm 2021.
Điều đáng nói đây không phải là năm đầu tiên xảy ra tình trạng nhiều trường tuyển vượt chỉ tiêu, dù không được phép. Điều này khiến nhiều ý kiến bày tỏ nghi ngại về mức xử phạt tuyển vượt chỉ tiêu như hiện nay còn nhẹ, nên không có nhiều tác dụng răn đe đối với các trường.
Một mảng màu trầm không thể không nhắc tới trong năm 2022 của ngành Giáo dục là tình trạng thiếu giáo viên ở hàng loạt các địa phương. Theo thống kê của Bộ GDĐT, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông; thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn tiếng Anh, Tin học đối với cấp tiểu học và môn Âm nhạc, Mỹ thuật đối với bậc trung học phổ thông. Năm 2022 có khoảng 16.000 giáo viên xin nghỉ việc, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.
Để giữ chân giáo viên, vào tháng 11 vừa qua, Bộ GDĐT đã có dự thảo Tờ trình gửi Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi nhà giáo. Bộ GDĐT đề xuất chia phụ cấp thành tám mức. Cụ thể, giáo viên mầm non đang làm việc tại xã khu vực III, thuộc các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới được hưởng 100%, còn lại 70%, gấp đôi mức 50% và 35% được quy định trong Quyết định số 255 năm 2005 của Chính phủ về nội dung này.
Trong khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới trong tình trạng thiếu giáo viên thì ở lớp 10 bậc THPT, việc học sinh lớp 10 phải chọn lựa các tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp cũng khiến các em, gia đình và các trường gặp rất nhiều khó khăn. Cho tới thời điểm này, khi năm học 2022 - 2023 sắp kết thúc một học kỳ, việc dạy và học các môn tổ hợp vẫn còn bất cập.
Không dừng lại ở đó, vấn đề về sạn trong sách giáo khoa, giá sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 vẫn còn là tâm điểm của dư luận trong năm 2022.
Rõ ràng, để tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả GDĐT, ngành vẫn còn nhiều việc phải làm. Dẫu vậy, nhìn lại năm 2022, những kết quả, thành tích mà ngành GDĐT đã đạt được từ quyết tâm, nỗ lực khắc phục khó khăn là không thể phủ nhận. Những kết quả này góp phần tạo niềm tin cho xã hội về bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo.