Mặt trận

Dấu ấn đỏ ở Thủ đô kháng chiến

TÙNG DUY - TOÁN NGUYỄN 25/01/2024 21:44

Xứ Tuyên - Thủ đô kháng chiến xưa, đang từng ngày khởi sắc diện mạo, xứng tầm với nội lực được phát huy bởi truyền thống. Và di tích Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết ngày nay, đã trở thành địa chỉ đỏ về giáo dục truyền thống cách mạng.

tuyen-quang.jpg
Vợ chồng ông Ma Văn Bằng cùng cán bộ, phóng viên Báo Đại Đoàn Kết bên tấm bia di tích lịch sử Báo Cứu Quốc - tiền thân của Báo Đại Đoàn Kết. Ảnh: Quang Vinh

Vợ chồng ông Ma Văn Bằng - Lê Thị Tỵ ở bản Cây Mơ dậy rất sớm, cho lợn ăn, bơm nước tưới rau từ ao cá cuối vườn. Những bộn bề ngày mới của nông gia ở xã trung du Hợp Thành, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bao năm vẫn vậy. Nay hai con đã lớn đi làm ăn xa, nhà chỉ còn hai ông bà vẫn chăm gần 1 ha keo và cấy mấy thửa ruộng. Một năm thu nhập khoảng 200 triệu đồng, ông Bằng còn kiêm thợ xây cho xóm, nhờ vậy cuộc sống ổn định hơn ở thôn miền núi thuộc xã nông thôn mới.

Bà Tỵ rạng tươi nhận ra phóng viên Báo Đại Đoàn Kết tới thăm, kêu ông Bằng pha trà, rồi lấy smartphone chụp ảnh. Hai năm trước, đoàn công tác của Báo đã về nhà ông bà, nơi từng đặt tòa soạn Báo Cứu Quốc năm 1947, dựng lại tấm bia son lịch sử của tờ báo tiền thân. Ông Bằng đã rất sẵn lòng hiến khoảnh đất thổ cư và hằng ngày vợ chồng ông quét dọn sạch sẽ di tích, như đang cùng thế hệ trẻ phóng viên Báo Đại Đoàn Kết ngày nay nối mạch tri ân những tiền bối viết báo thuở kháng chiến.

Cụ Lương Văn Thơ giờ đã thượng thọ, kể lại ký ức năm 1947 khi thôn Cây Mơ chỉ có 7 hộ người Tày. Nhà sàn mái cọ vách nứa, xung quanh rừng rậm, hổ mò về từng đêm bắt gà. Nghèo đói nhưng bản rất quý cán bộ, khi mang quả mít, lúc bê cả rổ khoai mới luộc cho các phóng viên Báo Cứu Quốc. Chính các nhà báo hồi ấy đã mang kiến thức, chỉ dẫn kinh nghiệm nuôi lợn, trồng ngô, dạy chữ cho dân bản. Mãi đến những năm 1960 bản có người miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới. Từ ấy người Kinh, Tày, Dao... gắn bó nhau ở bản đến tận bây giờ.

Bà Trịnh Thị Hằng - Trưởng thôn Cây Mơ, tự hào nói rằng năm xưa thôn nuôi giấu cán bộ nên người dân đã thừa hưởng cái nết ham học. Nhiều gia đình có hai, ba thế hệ học đại học, trên đại học. Bản Tày giờ nhiều người thoát ly làm cán bộ, giáo viên, ngân hàng, đi làm công ty… Chỉ vào tấm bia Di tích Báo Cứu Quốc, bà nói có nhiều người trẻ từ xa về thăm, và di tích đã trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cách mạng.

Xã Hợp Thành như một thung lũng nhỏ giáp đất Thái Nguyên nhưng khu thị tứ đã khởi sắc hạ tầng. Khu nông thôn Cây Mơ giờ cũng đã ấm áo, no bữa. Chủ tịch xã Hoàng Thế Mạnh cho biết, xã chỉ còn hơn 5% hộ nghèo, đường bê tông cứng hóa cả 17 thôn, nhiều nhà tầng khang trang, cả 3 ngôi trường đều đạt chuẩn Quốc gia. Xã có gần 100 ha chè, hơn 83 ha rừng nguyên liệu, hơn 600 con trâu bò, năm thu gần 2.000 tấn lương thực, là địa bàn điển hình của Sơn Dương - huyện đã có 15 xã nông thôn mới.

Hành trình nỗ lực hơn 10 năm từ huyện nghèo, Sơn Dương tự tin sẽ cán đích huyện nông thôn mới năm 2025 khi đang hoàn tất những tiêu chí cuối cùng. “Nhà nước hỗ trợ, người dân đoàn kết chung tay, cấp ủy và chính quyền phát huy nội lực, cán bộ Mặt trận và Chi bộ Đảng từng thôn rất sát việc, tiêu chí dễ làm trước, khó thì làm từng bước”, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương Nguyễn Thị Thanh Huyền khẳng định.

Báo Cứu Quốc (nay là Báo Đại Đoàn Kết) - Cơ quan ngôn luận của Tổng bộ Việt Minh, trong kháng chiến đã đắc lực tố cáo tội ác thực dân và tuyên truyền đoàn kết toàn dân tộc. Ngày nay, Báo Đại Đoàn Kết đã đóng góp rất tích cực trong công tác tuyên truyền, nêu bật nhiều thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã đạt được. Tờ báo của Mặt trận đã phản ánh kịp thời kinh tế - xã hội, hoạt động an sinh, chăm lo người nghèo và phong trào thi đua. Báo tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia giải phóng mặt bằng, hiến đất cho dự án lớn. Chính tờ báo đã nêu lên các mô hình hay, cách làm hiệu quả của các địa phương trên toàn quốc, qua đó MTTQ tỉnh Tuyên Quang và nhân dân học tập, áp dụng.

Ông Lê Ngọc Tân - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Tuyên Quang

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn đỏ ở Thủ đô kháng chiến

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO