Dấu ấn kình ngư Việt

NHẬT ĐĂNG 22/05/2022 11:00

Tại SEA Games 31, Đội tuyển bơi Việt Nam đã giành được 11 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc và 3 Huy chương Đồng - vượt xa chỉ tiêu đề ra là giành từ 6-8 Huy chương Vàng đặt ra trước đó. Đây là thành tích bất ngờ mà các kình ngư giành được. Càng bất ngờ hơn khi thành phần Đội tuyển bơi Việt Nam năm nay không có kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên.

1. Tại SEA Games 31, môn bơi diễn ra từ ngày 14 đến 19/5/2022. Đội tuyển bơi Việt Nam tham dự Đại hội với 40 thành viên, trong đó có 31 vận động viên (VĐV). Các kình ngư Việt Nam đã làm nên điều khó tin ở SEA Games 31 khi đánh bại Singapore để giành Huy chương Vàng (HCV), phá lỷ lục nội dung 4x200m tự do.

Hôm 17/5, trước khi bước vào nội dung 4x200m tự do, không ai nghĩ tuyển bơi Việt Nam có thể làm nên chuyện. Bởi Schooling cùng đồng đội đang nắm giữ kỷ lục đã giành được ở SEA Games 30 với thông số 7 phút 17 giây 88. Cũng ở kỳ SEA Games 3 năm trước, tuyển bơi Singapore thâu tóm toàn bộ 5 nội dung tiếp sức.Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, các VĐV của đội tuyển bơi Việt Nam đã khiến đối thủ bị sốc thực sự. Đội bơi tiếp sức 4x200m tự do nam Việt Nam gồm Nguyễn Hữu Kim Sơn, Nguyễn Huy Hoàng, Hoàng Quý Phước và Trần Hưng Nguyên xuất sắc về nhất với thành tích 7 phút 16 giây 31.

Đội chủ nhà được xếp ở làn bơi thứ 2. Kim Sơn chính là người lĩnh ấn tiên phong với lượt bơi đầu tiên. Kình ngư này chỉ về đích thứ 4. Sau đó Huy Hoàng thi đấu ở lượt bơi thứ 2. Đây chính là kình ngư đã tạo nên bước ngoặt cho một buổi tối lịch sử của bơi lội Việt Nam. Huy Hoàng bứt phá ngoạn mục để giúp đội chủ nhà vươn lên dẫn đầu.

Từ đó, Quý Phước và Hưng Nguyên có lợi thế rất lớn trước khi dần bỏ xa các đối thủ để cán đích đầu tiên với thông số 7 phút 16 giây 31, bỏ xa Singapore đến hơn 5 giây (7 phút 21 giây 49); đồng thời phá kỷ lục SEA Games.

Đây có lẽ là tấm HCV nằm ngoài sự tính toán của giới chuyên môn và người hâm mộ. Đây cũng là tấm HCV nội dung tiếp sức thứ 2 tại SEA Games 31.

Trước đó, đội bơi 4x100m hỗn hợp giành HCV khá may mắn khi hai đội Singapore và Malaysia phạm quy. Nhưng lần này thì các chàng trai vàng của bơi lội Việt Nam có chiến thắng hoàn toàn thuyết phục.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng.

Tổng thành tích là 11 HCV, 11 HCB, 3 HCĐ đã giúp Bơi Việt Nam đứng ở vị trí thứ 2 toàn đoàn. Về thứ hạng chung cuộc, Singapore dẫn đầu với 21 HCV, 11 HCB và 12 HCĐ. Thái Lan đứng thứ 3 với 4 HCV, 9 HCB và 9 HCĐ. Tiếp theo là Indonesia (2 HCV, 3 HCB và 10 HCĐ); Malaysia (1 HCV, 4 HCB và 2 HCĐ) và Philippines (1 HCV, 3 HCB, 3 HCĐ).

2. Một trong những cái tên được truyền thông nhắc đến trong những ngày qua là Nguyễn Huy Hoàng. Kình ngư người Quảng Bình này đã chứng tỏ sự sung mãn của mình khi mang về 4 HCV cho tuyển bơi Việt Nam. Đây là một kỷ lục ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia và chính thức trở thành biểu tượng mới trên đường đua xanh của bơi Việt Nam.

Nguyễn Huy Hoàng đã khép lại kỳ SEA Games 31 thành công rực rỡ với 2 tấm HCV lịch sử ở nội dung 800m tự do và 200m bơi bướm. 800m tự do nam là nội dung sở trường của Nguyễn Huy Hoàng. Anh từng giành HCB ASIAD 2018 và HCV Olympic trẻ 2018 tại nội dung này. Tuy nhiên, tại SEA Games, nó chưa được đưa vào chương trình thi đấu cho đến Đại hội năm nay.

Với lợi thế được thi đấu trên sân nhà và đang có điểm rơi phong độ tốt, Nguyễn Huy Hoàng đã hoàn toàn áp đảo ở nội dung sở trường này, khi về nhất với thành tích 7 phút 57 giây 65. Xếp sau Nguyễn Huy Hoàng là Nguyễn Hữu Kim Sơn (8 phút 04 giây 23).

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Huy Hoàng đoạt HCV nội dung 800m tự do nam không có gì bất ngờ, bởi trước đó anh đã về nhất ở nội dung 400m và 1.500m tự do. Song, việc anh đoạt thêm tấm HCV ở nội dung 200m bơi bướm - nội dung không phải thế mạnh của mình, lại chỉ sau 30 phút so với nội dung 800m tự do nam - khiến nhiều người bất ngờ, thậm chí “sửng sốt”.

Đây là nội dung Việt Nam chưa giành được HCV tại SEA Games lần nào, kể cả của Hoàng Quý Phước. Kể từ SEA Games 2011, nó là nội dung độc tôn của tuyển bơi Singapore với phong độ xuất sắc của Joseph Schooling và Quah Zheng Wen.

Như vậy, sau 6 ngày thi đấu của SEA Games 31, Nguyễn Huy Hoàng đã đoạt 4 HCV cá nhân và 1 HCV đồng đội. Anh phá 2 kỷ lục ở nội dung 400m tự do và 4x200m tiếp sức tự do nam. Phong độ xuất sắc của kình ngư người Quảng Bình này góp công lớn giúp tuyển bơi Việt Nam vượt chỉ tiêu đề ra với 11 HCV, 11 HCB và 12 HCĐ.

3. Đánh giá về thành tích của tuyển bơi Việt Nam tại SEA Games 31, Tổng thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Đinh Việt Hùng cho rằng, thành tích thi đấu đã phản ánh sự nỗ lực của các kình ngư và ghi nhận dấu ấn đặc biệt của Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên và Phạm Thanh Bảo…

Trước băn khoăn cho rằng, thành tích thi đấu của Huy Hoàng là ấn tượng nhưng những lo lắng, liệu Hoàng có đi vào “vết xe đổ” như trường hợp của Ánh Viên phải thi đấu quá nhiều, ông Đinh Việt Hùng khẳng định: Huy Hoàng đã tham dự 4 nội dung thi đấu nằm trong kế hoạch chuẩn bị từ trước và hoàn thành nhiệm vụ. Hoàng có đầy đủ thời gian nghỉ ngơi, phục hồi và thành tích cũng đã cho thấy tín hiệu khởi sắc.

“Tôi khẳng định, những người làm chuyên môn không “mò cua bắt ốc” để tìm kiếm thêm huy chương ở SEA Games. Huy Hoàng và những kình ngư triển vọng sẽ tiếp tục được chuẩn bị kỹ lưỡng để cải thiện và nâng cao chất lượng thành tích theo hướng có mũi nhọn, trọng tâm. Bản thân tôi cũng rất kỳ vọng, các em sẽ mang về thành tích tốt hơn trong thời gian tới”, ông Hùng nhấn mạnh.

VĐV Nguyễn Quang Thuấn trên đường đua tại SEA Games 31.

Em trai Ánh Viên giành huy chương SEA Games đầu tiên

Đóng góp vào thành tích của Đội tuyển bơi Việt Nam có sự góp mặt của VĐV Nguyễn Quang Thuấn - em trai của kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên. Đây là lần đầu tiên kình ngư 16 tuổi được khoác áo đội tuyển bơi Việt Nam thi đấu tại SEA Games. Ở nội dung 400m hỗn hợp nam, Quang Thuấn thi đấu cùng với đàn anh Trần Hưng Nguyên.

Trong lần đầu tiên tranh tài ở SEA Games, em trai của Ánh Viên thi đấu tự tin, liên tục bám đuổi Hưng Nguyên. Tuy nhiên, đây là nội dung mà Trần Hưng Nguyên không có đối thủ. Anh giành HCV với thành tích 4 phút 18 giây 10, phá kỷ lục do chính mình lập 3 năm trước tại Philippines (4 phút 20 giây 65). Nguyễn Quang Thuấn giành HCB với thành tích 4 phút 22 giây 46.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn kình ngư Việt