Dấu ấn phố Hiến

Hoài Dương 29/10/2017 07:00

Phố Hiến nổi tiếng từ thế kỷ 13 với vị trí là một thương cảng quốc tế. Khoảng từ thế kỷ 15 đến 17, những tàu buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Anh, Pháp đã biết đến và cập bến... Giờ không còn giữ được nhiều nét của một thương cảng sầm uất, nhưng dấu ấn vàng son vẫn lưu lại nơi này.


Quần thể Đền Trần, đền Mẫu

Phố Hiến, Hưng Yên nổi tiếng từ thế kỷ 13 với vị trí là một thương cảng quốc tế. Từ thế kỷ 15 trở đi, những tàu buôn của Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Anh, Pháp đã biết đến và cập bến nơi đây. Phố Hiến một thời nắm vị trí quan trọng trong việc thông thương buôn bán với các vùng cho đến khi dòng sông Hồng ngày càng lùi xa, khiến phố Hiến mất dần vị thế cho thương cảng mới Hải Phòng, cách đó 50 km. Phù sa của sông Hồng bồi đắp đã tạo nên những cánh đồng tốt tươi màu mỡ cho vùng đất của di sản này.
Hưng Yên là tỉnh có số di tích được xếp hạng quốc gia đứng thứ ba trong cả nước với các khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng, đặc biệt là quần thể di tích phố Hiến đã được Chính phủ xếp hạng là khu di tích quốc gia đặc biệt. Tới đây, nhiều người chọn cách thả bộ trên những con đường yên tĩnh, để cảm nhận sự thanh bình, cổ kính và hoài niệm về một quá khứ hoàng kim, và cũng để hiểu hơn về câu ca: “Thứ nhất Kinh Kỳ, Thứ nhì phố Hiến” qua những dấu tích còn lại. Như quần thể di tích Phố Hiến còn lưu giữ 128 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật giá trị (trong đó có 17 di tích đã được xếp hạng quốc gia) như: Đền Mây ở Xích Đằng (thờ tướng quân Phạm Phòng Át), Đền Trần (thờ Trần Hưng Đạo), đền Ủng (thờ Phạm Ngũ Lão), Văn Miếu Xích Đằng, Đông Đô Quảng Hội, Chùa Chuông, Chùa Hiến (Thiên Ứng tự), Chùa Nễ Châu, Đền Mẫu (thờ Dương Quý Phi), Đền Thiên Hậu (thờ Lâm Tức Mặc), Võ Miếu (thờ ba anh em Lưu Bị, Quan Vân Trường và Trương Phi)… cùng hàng nghìn cổ vật quý giá.


Diễn xướng ca trù trong Văn miếu Xích Đằng.

Bước vào Đông Đô Quảng Hội, người trông coi di tích nói rằng đây là nơi các thương nhân tới trao đổi, buôn bán và gặp mặt mỗi khi tới Phố Hiến. Tuy được xây dựng và bài trí đơn giản, nhưng những nét trạm trổ hoa văn uốn lượn trên các bức phù điêu và cửa sổ vẫn rất đẹp, tinh tế và duyên dáng, thể hiện sự tài hoa của những nghệ nhân xưa.

Tới Phố Hiến, không thể bỏ qua Đền Mẫu (ở phố Bãi Sậy, phường Quang Trung) - cảnh trí thâm nghiêm, huyền bí của một danh lam thắng cảnh đẹp nhất nơi này. Đền tọa lạc trên một khuôn viên rộng rãi, dưới vòm cổ thụ xanh mát, bên phải có Hồ Bán Nguyệt nước trong xanh, ven bờ lơ thơ tơ liễu buông mành thơ mộng, còn được gọi là đền Mẫu Hoa Dương, vì đền nằm trên vùng đất Hoa Dương xưa. Chuyện kể rằng, ngay từ khi mới lập đền, chim chóc về làm tổ rất đông. Hạt chim tha về làm mọc lên ba cây si, sanh, đa quấn quít trước cửa đền (ước tính những cây cổ thụ này đến nay đã hơn 700 tuổi). Sử sách còn ghi, đền xây dựng năm 1278 thờ Mẫu - Dương Quý Phi, là hoàng hậu cuối cùng của nhà Nam Tống (Trung Hoa).

Theo sắc phong và thần tích của Đền, thế kỉ XIII, khi Đế quốc Nguyên Mông đánh sang châu Á, nhà Tống thất thủ, Dương Quý phi đã cùng cùng công chúa và thị nữ chạy xuống phía Nam. Giặc đuổi gấp, bà đã nhảy xuống sông tuẫn tiết giữ trọn chữ Trung Trinh. Xác công chúa và thị nữ trôi dạt vào vùng Cửa Càn ở Quỳnh Lưu (Nghệ An). Người dân vùng Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu) vớt xác họ lên chôn cất, lập đền thờ, gọi là Đền Cờn. Còn xác của Quý phi trôi ngược ra Bắc, dạt tới vùng cửa sông Phố Hiến cũng được nhân dân mai táng chu đáo. Đền còn lưu giữ được 15 Đạo sắc phong của các triều vua Lê, vua Nguyễn cùng hai cỗ kiệu Cửu Long, Ngũ Phượng và nhiều bia kí ca ngợi cảnh trí, tấm gương tiết liệt của Dương Quý phi.

Đến Phố Hiến, không thể không đến thăm chùa Hiến (thời Trần) với cây nhãn tổ tương truyền từng được hái dâng cho đức Phật. Bên cạnh đó, chùa Chuông có tên chữ là Kim Chung Tự. Tương truyền vào một năm đại hồng thủy, có một quả chuông vàng trên một chiếc bè trôi vào bãi sông thuộc địa phận thôn Nhân Dục. Các nơi đua nhau kéo chuông về địa phương mình nhưng không được. Chỉ có những bô lão thôn Nhân Dục mới kéo được chuông. Dân làng cho là trời phật giúp đỡ bèn góp công của dựng chùa, xây lầu treo chuông. Mỗi lần đánh chuông, tiếng vang xa hàng vạn dặm. Do vậy chùa còn có tên gọi là Kim Chung Tự (chùa chuông vàng).

Văn miếu Xích Đằng tọa lạc tại thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, TP Hưng Yên. Được khởi dựng từ cuối thời Lê (thế kỷ XVII – khoảng năm 1701), Văn miếu Xích Đằng là biểu tượng cho nền văn hiến và tinh thần hiếu học có truyền thống lâu đời của người Hưng Yên. Văn miếu Xích Đằng được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 20 (năm 1839) trên nền móng ngôi chùa cổ Nguyệt Đường. Tương truyền, chùa có 36 nóc do Hương Hải Thiền Sư khởi dựng năm 1701.

Xét về quy mô, giá trị kiến trúc và các di vật còn lưu giữ được đây là một trong sáu Văn miếu còn tồn tại cho đến ngày nay trên cả nước. Hiện vật quý giá nhất trong Văn miếu còn được lưu giữ đến ngày nay là 9 tấm bia đá ghi danh 161 vị đại khoa trong tổng số 228 vị khoa bảng của tỉnh, từ thời Trần đến thời Nguyễn thuộc trấn Sơn Nam xưa (tỉnh Hưng Yên có 138 vị, Thái Bình có 23 vị). 8 tấm bia dựng năm Đồng Khánh thứ ba (1888), 1 tấm dựng năm Bảo Đại thứ 18 (1943). Ngày nay, Văn miếu Xích Đằng trở thành trung tâm giáo dục thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo”.

Vào mỗi dịp Tết đến xuân về, các ngày mồng 4 và mồng 5 tháng Giêng nơi đây lại diễn ra các hoạt động văn hóa như: tế lễ, dâng hương, triển lãm thư pháp, hát ca trù, cho chữ thánh hiền. Ðến Phố Hiến, đừng quên vào chợ Phố Hiến, một chợ quê hoàn toàn yên ả, chân quê như mặt nước hồ bán nguyệt ở trung tâm Phố Hiến.

Không còn giữ được nhiều nét của một thương cảng sầm uất, phố Hiến giờ đây yên ả bên dòng sông Hồng, trải dài theo những triền đê. Rong chơi Phố Hiến bắt gặp đôi chút bóng dáng cổ kính ngày nào qua một vài nếp nhà, những máy đình, đền cong cong, ngôi chùa nhuốm màu thời gian... còn lưu giữ vẻ đẹp của một thời hoàng kim phố Hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu ấn phố Hiến