Đâu cũng thấy vi phạm tác quyền

Nguyễn Thịnh 18/08/2015 08:15

Không chỉ phim mà cả tranh, nhiếp ảnh, âm nhạc, văn học và kể cả báo chí, truyền thông mạng… hiện đang bị vi phạm tác quyền nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có cơ chế xử lý nghiêm minh.

Cách đây chưa lâu, cơ quan chức năng đã thu giữ hơn
7.000 cuốn Đắc nhân tâm bị làm giả.

Đầu tháng 8 này, tại Hội thảo “Quyền tác giả, quyền liên quan và các vấn đề cấp bách” do Cục Bản quyền tác giả, thuộc Bộ VHTT&DL tổ chức tại TP HCM, ông Vũ Ngọc Hoan, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả thuộc Bộ VHTT&DL cho biết, xâm phạm quyền tác giả diễn ra nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên công nghệ số và Internet.

Tuy nhiên, ông Hoan thừa nhận rằng, hiện nay cơ quan chức năng đang bị động, chưa có giải pháp hiệu quả để chấn chỉnh tình trạng này.

Theo ông Hoan, nước ta trước đây có xây dựng thông tư liên tịch cùng Bộ TT&TT quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trên Internet, có các quy định tương thích với quốc tế. Nhưng để xử lý vi phạm thì phải gián tiếp qua một cơ quan khác như: Thanh tra của Bộ VHTT&DL, thanh tra của Bộ TT&TT và các cơ quan có thẩm quyền khác.

Ông Hoan cho biết thêm, sẽ sửa Thông tư và quy định ràng buộc người cung cấp thông tin về vi phạm; bổ sung quy định pháp luật cho phù hợp thời đại số và những cam kết quốc tế đã tham gia.

Không chỉ với công nghệ số và Internet mà báo chí, truyền thông và nhiều lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật như: văn học, nhiếp ảnh, điện ảnh, hội họa… cũng bị vi phạm tác quyền công khai, thản nhiên. Chuyện hát ca khúc, thu đĩa nhạc, sản xuất chương trình âm nhạc, hoặc sao chép tranh, sao chép phim… mà không xin phép hay không trả tiền tác quyền cho tác giả hoặc chủ sở hữu, diễn ra hàng ngày ở ta.

Dạo quanh một số con đường ở TP HCM, sẽ thấy nhiều phòng tranh treo bán tranh, ảnh chép lại từ bản gốc của nhiều tác giả nổi tiếng và quen thuộc, như ảnh của nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định, tranh của họa sĩ Nguyễn Thanh Bình… nhưng không hề bị xử phạt.

Để bảo vệ tác quyền, nhiều trung tâm bảo vệ tác quyền đã ra đời, như Trung tâm bảo vệ tác quyền âm nhạc, Trung tâm bảo hộ quyền tác giả văn học… Ra đời từ năm 2004, nhưng đến nay Trung tâm Bảo hộ tác giả văn học thuộc Hội Nhà văn Việt Nam (VLCC), chỉ thu được 15 triệu đồng tiền tác quyền.

VLCC đã có 921 hội viên ký ủy thác bảo hộ tác phẩm. Nhưng cả năm 2012, Trung tâm chỉ ký được bản quyền bảo hộ cho gần 100 cuốn sách, bản thảo phim đã hoặc sắp xuất bản. Trong khi Trung tâm bảo hộ quyền tác giả âm nhạc hoạt động khá hiệu quả, năm 2012 thu về 47 tỷ đồng cho các nghệ sĩ.

Tình trạng vi phạm tác quyền trong văn học chưa có dấu hiệu giảm xuống. Mới đây, nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng cho biết một loạt thơ của ông viết về đề tài thiếu nhi đang bị vi phạm tác quyền. Ông Thắng cho biết có nhiều đơn vị chọn in vào các tập sách mà không hề hỏi ý kiến ông, không thực hiện nghĩa vụ pháp lý về tác quyền với tác giả.

Theo ông Thắng, các tập thơ “Thơ cho thiếu nhi”, in 29 bài thơ của ông mà không xin phép. Tập thơ này do NXB Văn học cấp phép, ấn hành từ năm 2013. Ngoài ra, quyển “Tuyển tập bài thơ, bài hát và câu đố hay cho bé”, do Công ty Phúc Minh liên kết với NXB Văn học, ấn hành quý 4 năm 2014, ngoài bìa có ghi “Trà My tuyển chọn”, có in 3 bài thơ của ông Nguyễn Lãm Thắng, có ghi tên tác giả nhưng cũng không xin phép… Ngoài ra là việc sách lậu, sách giả được bày bán tràn lan, nhưng cũng không bị xử lý.

Theo điều 28 Luật Sở hữu Trí tuệ, có 15 mục quy định về các hành vi bị coi là hành vi xâm phạm quyền tác giả, như: Chiếm đoạt quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; Mạo danh tác giả; Sao chép tác phẩm mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền…

Việc vi phạm tác quyền, luật pháp đã có quy định. Tuy nhiên, để có thể xử lý, thì trong thực tế lại rất khó tiến hành. Đưa câu hỏi làm sao để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm tác quyền cho những người liên quan, họ cho rằng cần có chế tài và sự xử lý quyết liệt từ phía cơ quan chức năng đối với hành vi vi phạm.

Ngoài ra, cần tuyên truyền cho người dân có ý thức dùng hàng thật mà tẩy chay hàng giả, hàng vi phạm… thì mới mong dẹp được nạn vi phạm tác quyền. Và từ nay cho đến lúc đó, các tác giả, lẫn công chúng, chỉ biết trông chờ vào ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của các nhà làm sách, các nhà sản xuất, các đầu nậu...

Phát hiện 50.000 cuốn sách in lậu

Liên quan đến vấn nạn vi phạm tác quyền, mới đây, Đoàn liên ngành về phòng, chống in lậu Trung ương vừa bất ngờ kiểm kho sách của Công ty Cổ phần đầu tư và Tư vấn giáo dục Văn Hiến (số 105, phố Bắc Cầu, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên - Hà Nội). Qua kiểm tra, Đoàn liên ngành đã phát hiện tại kho hàng của công ty trên đang tàng trữ khoảng 50.000 cuốn sách ghi tên NXB Giáo dục VN và đều được dán tem nhái tem chống giả của NXB Giáo dục VN.

Theo ông Phạm Tuấn Vũ - Phó trưởng Đoàn liên ngành về phòng, chống in lậu Trung ương cho biết, 50.000 cuốn sách lậu nói trên không đúng nguồn gốc, nội dung không được kiểm duyệt khi đưa ra ngoài sử dụng sẽ gây nguy hại cho người sử dụng. Việc vi phạm Luật Xuất bản, với tính chất nghiêm trọng thì Triệu Quang Phú có thể bị khởi tố hình sự.

T.Kim

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đâu cũng thấy vi phạm tác quyền