Đau đớn khi rừng ngập mặn chết khô

Tấn Thành - Chí Đại 24/07/2021 09:00

Ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam nhiều diện tích rừng ngập mặn đã chết khô. Lá chắn gió bão, che chở nhà cửa, tính mạng con người không còn, khiến người dân vô cùng lo lắng.

Xã Tam Giang, huyện Núi Thành xung quanh hầu hết giáp với sông nước. Người dân địa phương trồng và chăm giữ rừng ngập mặn tự nhiên với các loại cây như mắm, bần, đước chạy dọc theo tuyến đê, dọc bờ sông Trường Giang để làm nhiệm vụ chắn gió biển và giữ không cho sạt lở đất, đá, nhất là vào mùa mưa bão.

Tam Giang hiện có hơn 25 ha rừng ngập mặn tự nhiên nằm rải rác. Thế nhưng, hiện nhiều diện tích rừng ngập mặn chết khô khiến người dân rất lo lắng vì chưa tìm ra nguyên nhân.

Ông Nguyễn Trúc (77 tuổi) - trú thôn Đông Bình, xã Tam Giang cho biết, những năm qua, rừng ngập mặn được các ngành chức năng tổ chức trồng lại nên diện tích rừng được phát triển. Tuy nhiên, vào cuối năm 2020 liên tiếp xảy ra các cơn bão lớn khiến rừng bị hư hại nhiều, tiếp đến nhiều diện tích rừng ngập mặn bắt đầu rụng hết lá và chết dần, chết khô cho đến ngày nay.

Cũng theo ông Trúc, người dân ở khu vực này rất lo lắng vì không biết nguyên nhân nào khiến diện tích rừng ngập mặn tại địa phương bị chết như vậy. Rừng chết, các cành, nhánh nằm phơi giữa trời nắng rất đau xót. Nếu các ngành chức năng không có biện pháp kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để tình trạng này tiếp diễn thì chỉ một thời gian nữa cả khu rừng ngập mặn sẽ không còn một cây nào còn sống nữa. Ngoài ra, các loại rác thải nằm ngổn ngang dọc bìa rừng, bốc mùi hôi thối khiến bà con rất lo lắng về môi trường bị ô nhiễm.

Bà Nguyễn Thị Mai (57 tuổi) - thôn Đông Bình cho hay: rừng ngập mặn ở dọc bờ sông Trường Giang bị chết rất nguy hiểm, bởi lá chắn bão sẽ không còn, bão sẽ uy hiếp đến nhà cửa, tính mạng của hàng trăm hộ dân sinh sống ở đây. Hệ sinh thái môi trường ở khu vực này cũng chết theo.

“Hồi trước, rừng ngập mặn xanh tốt thì có rất nhiều tôm, cá đến đây để tìm thức ăn, sinh sống, vì thế nguồn thủy sản ở khu rừng rất dồi dào. Giờ đây nguồn thủy sản ở rừng đã cạn kiệt, người dân thả lưới bắt cá không đủ để sinh sống” - bà Mai nói.

Ghi nhận thực tế của chúng tôi, tại khu vực rừng ngập mặn ở xã Tam Giang, dọc bờ sông Trường Giang có rất nhiều cây mắm, bần, đước ở khu rừng đã chết khô; nhiều cây rụng hết lá chỉ còn lại cành, nhánh nằm phơi giữa trời nắng. Nước ở khu vực này bị đục và có nhiều rác thải nằm ngổn ngang dọc trong bờ bốc mùi hôi thối. Rừng chết, nước ô nhiễm đã thật sự ảnh hưởng đến môi trường sống nơi đây.

Theo ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, toàn xã có hơn 50 ha rừng ngập mặn tập trung ở phía Đông và phía Tây của xã, trong đó hơn 25 ha là rừng tự nhiên, 26 ha là rừng trồng mới. Sau 2 đợt bão cuối năm 2020, rừng ngập mặn có tình trạng rụng lá hàng loạt và bắt đầu héo cành rồi chết. Trước sự việc này, chính quyền xã đã báo cáo với lãnh đạo huyện Núi Thành và đề nghị đi kiểm tra để có giải pháp bảo vệ, khôi phục diện tích rừng ngập mặn này.

Ông Lê Văn Hiệp, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Núi Thành cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh của người dân về diện tích rừng ngập mặn ở xã Tam Giang bị chết khô, ngành chức năng huyện đã kiểm tra, trong 25 ha rừng tự nhiên thì có khoảng 7,5 ha rừng đã chết; rừng trồng mới 26 ha thì hầu như bị chết hết.

Trước thực trạng trên, huyện Núi Thành đã báo cáo đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đề nghị sở xuống kiểm tra và đưa ra phương án, khắc phục tình trạng rừng chết. “Không chỉ khu vực rừng ngập mặn ở xã Tam Giang, mà một số khu rừng ở xã Tam Hòa và xã Tam Hải của huyện Núi Thành cũng bị chết khô. Hiện giờ chúng tôi cũng không rõ nguyên nhân tại sao rừng ngập mặn bị chết như vậy” - ông Hiệp cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đau đớn khi rừng ngập mặn chết khô

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO