Mất điện thoại, mất luôn cả tiền trong thẻ ngân hàng dù chẳng thực hiện giao dịch. Cũng không đăng ký mở thẻ ngân hàng, bỗng nhiên nhận được email thông báo mở tài khoản thành công. Bảo mật ngân hàng luôn là câu hỏi lớn.
Không hiểu vì sao lại mất tiền
Đó là câu thắc mắc của anh Võ Huỳnh Sơn (TP HCM) khi kể lại chuyện với PV báo Đại Đoàn Kết. Theo lời anh Sơn, anh mở thẻ tín dụng tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Vào thời điểm khoảng cuối tháng 3/2020, anh bị mất điện thoại. Trong điện thoại không hề có thông tin cũng như các ứng dụng liên quan đến thẻ ngân hàng.
Sau khi mất điện thoại được một tuần, anh nhận được thông báo từ ngân hàng gửi đến, anh đã quẹt thẻ để thanh toán mua một chiếc điện thoại có giá 15 triệu.
Anh Sơn không hiểu chuyện gì đang diễn ra, vì anh mua điện thoại mới bằng tiền mặt sau một ngày mất điện thoại, đặc biệt vô lý hết sức khi chiếc thẻ tín dụng vẫn còn nằm ở trong ví. Vậy sao anh lại nhận được tin nhắn thanh toán bằng thẻ tín dụng. Anh báo lên ngân hàng để giải quyết thì chỉ nhận được sự nghi ngờ từ chính ngân hàng.
“Ngân hàng họ nghi ngờ tôi, nói tôi tự bịa đặt ra vụ việc, tự xài 15 triệu rồi muốn ngân hàng bồi thường. Ở đâu ra triết lý vô lý vậy trời?” - anh Sơn bức xúc nói.
Đến ngày 27/4, anh Sơn lên làm việc với ngân hàng và được cung cấp thông tin, là một người khác có tên Nguyễn Hữu Lễ dùng thẻ, quẹt thẻ tại của hàng Cellphones tại đường 3/2 quận 10. Đáng chú ý trên phiếu mua hàng không phải chữ ký của anh.
Anh có thắc mắc, tại sao không phải thẻ của anh trong khi đó chữ ký khác mà ngân hàng vẫn chấp nhận lệnh thanh toán thì phía ngân hàng trả lời hờ hững: “Chữ ký bây giờ không quan trọng nữa”.
Vụ việc xảy ra từ tháng 3 và đến đầu tháng 7, anh Sơn đã nhiều lần liên lạc với Ngân hàng SCB song vẫn chỉ nhận được câu trả lời: Đang điều tra, chưa có kết quả.
Theo anh Sơn, “ngân hàng giải thích không thoả đáng, mà cứ đổ lỗi cho khách hàng trong khi tôi mãi vẫn không biết, không hiểu vì sao lại mất tiền trong khi mình vẫn giữ thẻ”.
Như vậy, ở câu chuyện của anh Võ Huỳnh Sơn đặt ra tình huống có hay không việc thông tin khách hàng bị đánh cắp và có người làm giả thẻ để sử dụng? Các điểm thanh toán bây giờ không quan trọng chữ ký của chủ thẻ nữa?
Ở một trường hợp khác liên quan đến bảo mật ngân hàng từng làm dậy sóng dư luận 4 năm trước là chủ thẻ VietcomBank (VCB) bỗng dưng bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản trong đêm.
Chưa hết cũng trong thời gian qua, nhiều phàn nàn cho biết có nhân viên ngân hàng tự đăng ký kích hoạt thẻ cho khách hàng. Thậm chí có trường hợp, khách hàng nhận được email của thông báo mình thực hiện chuyển khoản trong khi khách hàng không mở tài khoản tại ngân hàng.
Hoạt động trộm cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả ngày càng phức tạp
Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, từng khẳng định khi chào mời khách hàng mở thẻ, các ngân hàng cần lưu ý những vấn đề quan trọng khi sử dụng thẻ, như những trường hợp nào người khác có thể sử dụng, khả năng mất tiền... Thực trạng nhiều người mất tiền khi thẻ vẫn nằm trong túi đã khiến cho không ít khách hàng lo ngại về bảo mật.
Thật vậy, việc bỗng dưng có một số khách hàng mất tiền oan khiến nhiều người dân không chỉ nghi ngờ tính bảo mật của các ngân hàng, mà họ còn lo lắng bởi thái độ ứng xử và tinh thần trách nhiệm của các ngân hàng đối với khách hàng.
Nhiều người dân phàn nàn, gọi lên đường dây nóng ngân hàng 10 lần gặp 10 cô tư vấn viên khác nhau. Chỉ riêng trình bày sự việc cũng đã rất mất thời gian. Chưa kể, trình bày xong còn không biết bao giờ vụ việc mình được xử lý.
Trong trường hợp anh Võ Huỳnh Sơn, anh còn cho biết, nhân viên Ngân hàng SCB còn nói rằng số tiền 15 triệu bị mất là số tiền nhỏ, chắc còn lâu mới được giải quyết. Trong khi đó, lẽ ra ngân hàng phải thấu hiểu “đồng tiền đi liền khúc ruột”, chưa kể lại còn bị mất tiền oan.
Trong khi đó, giới luật sư đưa quan điểm, ngân hàng phải có những khuyến cáo cần thiết cho khách hàng khi khách hàng sử dụng thẻ tín dụng cũng như những nguy cơ lộ lọt thông tin tài khoản trên mạng để khách hàng lưu tâm đề phòng.
Việc thiếu khuyến cáo cho khách hàng nguy cơ lộ lọt thông tin thẻ, hoặc thông tin khách hàng trên Internet để đối tượng xấu lợi dụng chỉ là một nguyên nhân trong số nhiều nguyên nhân dẫn đến sự mất tiền oan.
Đại tá Đỗ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an, cho biết tại Việt Nam, hoạt động của tội phạm trộm cắp thông tin thẻ, làm thẻ giả để chiếm đoạt tiền trong tài khoản diễn ra phức tạp.
Hiện, Việt Nam có khoảng 70 triệu thẻ nội địa, nếu chậm chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip, Việt Nam có thể trở thành tâm điểm của tội phạm thẻ trước vấn nạn giả mạo thẻ, skimming (đánh cắp thông tin thẻ từ ATM) đang ngày càng gia tăng.