Mới đây, một số trường cao đẳng, trung cấp nghề đã cam kết với học sinh, sinh viên ngay từ đầu vào là ra trường có việc làm ngay với mức lương trung bình từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Nếu không như cam kết, nhà trường sẽ hoàn lại học phí. Cam kết đó gây được sự chú ý của dư luận xã hội.
Đầu ra cho người học- điều kiện sống còn của các trường nghề.
Tuyển sinh phải song hành với giải quyết việc làm
Năm 2017-2018, Trường Cao đẳng nghề công nghệ Việt Hàn Bắc Giang tuyển sinh vượt chỉ tiêu 50% hệ cao đẳng, đây là kết quả mà có rất ít trường nghề đạt được. Để thu hút được nhiều học sinh học nghề, nhà trường xác định mục tiêu tuyển sinh ban đầu phải gắn với giải quyết việc làm cho sinh viên. Năm 2017-2018, 90% sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Sau 6 tháng, số sinh viên có việc làm tăng lên 97% với mức thu nhập cao, từ 7 triệu đến 14 triệu đồng/tháng.
Bà Đỗ Thị Hồng- phó hiệu trưởng nhà trường cho biết, để có kết quả này, công tác tuyển sinh phải đi đôi với giải quyết việc làm. Công tác đào tạo phải đảm bảo chất lượng đào tạo, đội ngũ giáo viên, chương trình đào tạo phải phù hợp và sát với thực tế của doanh nghiệp. Nhà trường đặc biệt quan tâm đến việc liên kết với doanh nghiệp trong việc đào tạo, cung cấp trang thiết bị, dụng cụ để phục vụ học tập. Những tập đoàn lớn như Samsung, LG đã tuyển dụng rất nhiều sinh viên của trường ngay khi các em học năm cuối. Mặc dù nhà trường được giao chỉ tiêu là 300 hệ cao đẳng nhưng đã tuyển được 548 chỉ tiêu.
“Quan trọng nhất vẫn là việc làm của sinh viên, bên cạnh đó là chất lượng đào tạo và kỹ năng mềm. Bởi thái độ làm việc quyết định thành công của các em. Nhận thức được vấn đề đó nên chúng tôi rất chú trọng đến công tác đào tạo ngoại ngữ và kỹ năng mềm, sinh viên được học song hành 2 ngoại ngữ, tiếng Anh và tiếng Hàn. Ngoài ra, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, ví dụ nhóm ngành nghề này mà trang thiết bị còn thiếu hoặc chưa hiện đại thì doanh nghiệp sẵn sàng hỗ trợ”- bà Hồng nói:
Hướng nghiệp thực chất
Thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, năm vừa qua, học sinh, sinh viên tốt nghiệp trường nghề có việc làm ngay đạt tỷ lệ trên 80%. Những trường có quan hệ tốt với doanh nghiệp, sinh viên có việc làm ngay đạt 100%, mức lương khởi điểm từ 4,6 đến 10 triệu đồng/tháng. Một tín hiệu đáng mừng là năm 2017 là năm đầu tiên tuyển sinh nghề vượt chỉ tiêu. Cùng từ năm nay, một số trường nghề đã cam kết việc làm cho sinh viên ngay từ đầu vào …Tuy nhiên, mới chỉ có một số lượng rất ít cơ sở dạy nghề trong số gần 2 nghìn cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước làm được việc này.
Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tuyển đủ chỉ tiêu, thậm chí có trường không tuyển sinh được hệ cao đẳng xảy ra ở các tỉnh Cao Bằng, Lai Châu, Đắc Nông. Nhiều ngành nghề khó tuyển sinh, đặc biệt là các nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như khoan nổ mìn, công nghệ mạ, chế tạo khuôn mẫu…. Bên cạnh đó, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp còn cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo, hiệu quả hoạt động thấp, chưa hình thành được các trường chất lượng cao đạt trình độ quốc tế..
Ông Tào Bằng Huy- phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐTBXH) cho biết, dự báo đến năm 2020, cung lao động đạt 58,3 triệu người, đến năm 2025 là hơn 62 triệu người. Trong tương lai, ngành tập trung nhiều lao động là chế biến chế tạo, kinh doanh bất động sản, dịch vụ - thương mại, du lịch, xây dựng… Hiện, Việt Nam đang thiếu rất nhiều lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi đó, hơn 90% các doanh nghiệp không hợp tác với các cơ sở dạy nghề.
“Số công nhân kỹ thuật không có bằng cấp chứng chỉ chiếm tỷ lệ nhiều nhất trong các doanh nghiệp là 16,7%. Tiếp đến là lao động có chứng chỉ đào tạo ngắn hạn chiếm 15%, cuối cùng là lao động có trình độ đại học trở lên. Hiện lao động làm việc trong các doanh nghiệp chủ yếu là lao động giản đơn chiếm gần 24% tổng số lao động”- ông Huy nói.
Như vậy có thể thấy, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp rộng khắp cả nước nhưng nhiều cơ sở không có người học. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” vẫn đang tiếp diễn. Trước thực trạng này, Bộ LĐTBXH đã tập trung sắp xếp, rà soát, quy hoạch mạng lưới theo hướng mở và linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động. Với những nghề, những địa bàn, những trường có chất lượng sẽ duy trì, phát triển. Ngược lại những trường, trung tâm hoạt động không hiệu quả sẽ kiên quyết sắp xếp lại theo hướng các cơ sở này phải sáp nhập hoặc thậm chí giải thể.
Đánh giá về vấn đề này ông Lê Quân- Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cũng cho rằng, từ nay đến năm 2020, các trường nghề phải theo cơ chế tự chủ, thay vì tuyển sinh bao nhiêu, đào tạo bấy nhiêu mà các trường cần xem thị trường cần gì, từ đó thiết kế lại chuẩn chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra, kết hợp với doanh nghiệp để tuyển sinh, khi đó mới đảm bảo có người học và có việc làm. Bộ sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá nhu cầu việc làm của người lao động, đặc biệt với học sinh, sinh viên; dự báo cung - cầu thị trường để định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, định hướng về việc làm.
“Nếu chúng ta chạy theo bộ điểm sàn của Bộ GDĐT thì chúng ta sẽ thất bại. Chúng ta phải thay đổi tư duy, không phải xét tuyển hay thi tuyển mà chúng ta đang hướng nghiệp. Chúng ta phải trả lời được là trong gần 300 nghề trọng điểm, học nghề nào, hướng nghiệp học cái gì, ra trường làm gì, học tiếp cái gì, lương bao nhiêu, thu nhập ra sao? Ai phù hợp, sinh viên nào, học sinh nào phù hợp? Và như vậy, chúng ta thay đổi tư duy từ tuyển sinh sang chọn nghề, sau đó chọn trường. Điều đó là quan trọng hơn cả”- Thứ trưởng Lê Quân nhấn mạnh.
Như vậy, cam kết việc làm cho sinh viên, liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường chính là điều kiện sống còn của các trường nghề cũng như điều kiện tiên quyết để thu hút được nhiều người học nghề, thay đổi tư duy bằng cấp của đại bộ phận người dân.