Hơn 20 năm trước, địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Quốc gia. Nhưng rồi theo thời gian, Di tích này đang trở nên hoang phế.
Địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế.
Trò chuyện với chúng tôi, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế Cao Huy Hùng rất tự hào khi nói về thắng lợi to lớn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968. Trong thắng lợi đó có một phần đóng góp không nhỏ của Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên-Huế.
Từ tháng 3 năm 1966, Trung ương Đảng quyết định thành lập Khu ủy Trị Thiên-Huế và Quân khu trực thuộc Trung ương, tách khỏi Liên khu V, nhằm mở hướng tiến công ở đường 9, thu hút quân cơ động của địch để tiêu diệt, tạo điều kiện cho các chiến trường phát triển, nhất là chiến trường Trị Thiên-Huế.
Tháng 8/1968 Khu ủy Trị Thiên-Huế chuyển từ miền Tây huyện A Lưới về vùng núi gần chiến khu Hòa Mỹ. Tại đây Khu ủy quyết định đào địa đạo để làm căn cứ chỉ huy ở Động Chuối (phía Tây Hòa Mỹ), các lực lượng đã đào 24/24 giờ trong ngày và hoàn toàn bằng cuốc xẻng. Sau một thời gian làm việc khẩn trương, địa đạo đã được hoàn thành.
Ông Hùng cho biết, Khu ủy Trị Thiên-Huế đã sử dụng địa đạo như một đại bản doanh, nhất là thời kỳ chuẩn bị và sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, tại địa đạo đã diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng của Khu ủy Trị Thiên-Huế. Địa đạo là cầu nối triển khai chủ trương chiến lược của Trung ương và thực tế chiến trường. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã từng sống và chiến đấu ở đây, trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Những giá trị khoa học và lịch sử của địa đạo là bài học quý báu trong công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt thế hệ trẻ hôm nay hiểu được giá trị đích thực về cuộc kháng vô cùng gian khổ, nhưng cũng hết sức vẻ vang của lớp lớp thế hệ cha ông đã không tiếc xương máu giành độc lập tự do cho hôm nay.
“Được hình thành trong những năm chiến tranh giải phóng dân tộc, địa đạo khu ủy Trị Thiên-Huế nằm ở vị trí rừng núi, thường xuyên chịu tác động của thời tiết nên di tích bị xuống cấp nghiêm trọng. Đã có các đoàn lên khảo sát, lập dự án bảo tồn, tôn tạo nhưng do nhiều nguyên nhân dẫn đến quá trình lập dự án gặp khó khăn. Trong đó, sự biến động về địa chất, đất đá tràn xuống làm các cửa địa đạo bị sập nên việc thể hiện trên đồ án kiến trúc là cực kỳ khó”- ông Hùng chia sẻ.
Ông Lê Hồng Thắng- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho biết thêm, địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế nằm ở vị trí đồi 160, thuộc địa phận phường Hương Vân. Sau nhiều năm, tất cả các cửa vào bên trong lòng địa đạo đã bị sập, con đường dẫn vào địa đạo giờ đây đã bị cỏ cây, lau lách mọc um tùm thành rừng, muốn tiếp cận được cửa địa đạo phải mất nhiều giờ đồng hồ tìm kiếm. Người dân lo lắng, nếu không sớm có giải pháp kịp thời thì Di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia Khu ủy Trị Thiên-Huế có nguy cơ không tồn tại.
Được biết năm 2013, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có văn bản về việc thống nhất quy mô đầu tư tu bổ, tôn tạo Di tích địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế với tổng mức đầu tư khoảng 5,1 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong vòng 3 năm. Đến nay đã hơn 5 năm trôi qua nhưng Dự án vẫn chưa được khởi công. Hiện người dân địa phương mong muốn sớm tu bổ, tôn tạo lại Địa đạo Khu ủy Trị Thiên-Huế để đưa Di tích này trở thành điểm tham quan trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh cũng như thị xã, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cho nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ mai sau.