Khai thác cát trái phép là một hành vi ăn cắp tài nguyên. Thế nhưng nhiều năm qua những con tàu hút cát vẫn hoạt động công khai giữa ban ngày. Thậm chí, nơi đây còn hình thành một khu chợ - khu chợ bán cát ăn cắp. Dọc tuyến sông Hồng giáp ranh giữa Hà Nội và Hưng Yên có những giai đoạn có cả trăm chiếc tàu ngang nhiên hoạt động.
Nhiều địa phương đã áp dụng phương pháp đấu thầu công khai cấp quyền khai thác cát cho một số đơn vị
Không thể để chảy máu nguồn tài nguyên này, chính quyền Thủ đô Hà Nội đã ban hành nhiều giải pháp để tuyên chiến với “cát tặc”. Theo đó, rất nhiều cuộc mật phục, truy quét “cát tặc” đã được đẩy mạnh nhưng rút cục khi lực lượng chức năng rút đi mọi việc lại đâu vào đấy. Vẫn những chiếc “vòi rồng” hối hả rút ruột cát sỏi tại các dòng sông khiến tình trạng sạt lở xảy ra ở các lưu vực sông, gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân.
Vậy vì lý do gì, tình trạng khai thác cát trái phép chưa được dẹp bỏ? Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng: “Cát tặc” lộng hành không phải bây giờ mới nóng, mà nóng từ Bắc tới Nam từ lâu rồi, vấn đề là bây giờ vẫn nóng vì không dẹp được. Theo ông Liêm, khai thác cát trộm không mất gì, chỉ hút cát lên bán, dễ kiếm tiền khiến người ta bất chấp thủ đoạn để khai thác trái phép tài nguyên. Nhưng không được cấp phép sao người ta vẫn ngang nhiên khai thác, lỗi này là do công tác quản lý.
Sự mập mờ chính là ở chỗ lâu nay không có sự rõ ràng trong quy hoạch, cấp phép khai thác cát khiến người ta lợi dụng kẽ hở này để khai thác cạn kiệt tài nguyên. Nhưng điều đáng quan ngại hơn là có lợi ích nhóm, sự bảo kê cho tội phạm này. Không thể mỗi khi có việc xảy ra người ta lại tự nhận rằng “cơ quan quản lý buông lỏng, thiếu trách nhiệm, thiếu cương quyết”. Thiếu kiên quyết hay là lợi ích nhóm ở trong đó khiến người ta chỉ xử phạt kiểu giơ cao đánh khẽ, phạt rồi cho tồn tại thì mới có chuyện những chiếc tầu hút cát hoạt động hết công suất, ngang nhiên giữa ban ngày ban mặt như vậy!
Để tránh thất thoát tài nguyên, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Hà Nội sẽ đầu tư khảo sát 27 điểm mỏ có thể khai thác cát an toàn để đấu thầu. Dự kiến năm đầu đấu thầu, Hà Nội sẽ thu 2.600 tỷ đồng, mỗi năm sau đó sẽ thu 1.500 tỷ để tái đầu tư xã hội, khắc phục được tình trạng “cát tặc”. Đấu thầu quyền khai thác cát một cách công khai, minh bạch để ai bỏ thầu cao được cấp quyền khai thác cát là giải pháp tốt. Theo đó, ngân sách vừa đỡ thất thoát một khoản tiền thuế tài nguyên thu được từ hoạt động khai thác cát vừa góp phần quản lý tốt hơn bởi khi có khoản tiền thu được từ hoạt động này sẽ trích một khoản tiền chi cho công tác quản lý, có lẽ sẽ không có chuyện “cát tặc” lộng hành, dân biết mà chính quyền không biết!
Đầu thầu quyền khai thác cát rõ ràng là một giải pháp để quản lý tốt nguồn tài nguyên cát sỏi. Tuy nhiên, để chấm dứt vấn nạn “cát tặc” hẳn sẽ là một câu chuyện dài. Bởi, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) để tránh chuyện không quản được khai thác cát, nhiều địa phương đã áp dụng phương pháp đấu thầu công khai cấp quyền khai thác cát cho một số đơn vị để quản nguồn tài nguyên này cho tốt. Theo đó, đã có trên 707 giấy phép thăm dò, 755 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông được UBND 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp phép cho các tổ chức, cá nhân, trong đó có 87 giấy phép khai thác cấp thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản nhưng đó là điều kiện cần chứ chưa đủ để giúp việc khai thác nguồn khoáng sản này đi vào quỹ đạo.
Và để giải quyết dứt điểm vấn nạn “cát tặc” ngoài giải pháp đấu thầu quyền khai thác cát cần tổng hòa nhiều giải pháp khác. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp vì có quá nhiều cơ quan quản lý. Trên thực tế, quản lý cát, sỏi lòng sông có liên quan trực tiếp đến chức năng quản lý của nhiều bộ, ngành theo quy định của nhiều lĩnh vực khác nhau như: Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an… và UBND cấp tỉnh. Nhiều cơ quan quản lý như vậy nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đối với các hoạt động khai thác cát, sỏi và các khoáng sản khác trên sông, hồ... theo hướng “tập trung đầu mối xử lý tại địa phương phù hợp với quy định của Luật Khoáng sản”. Theo đó, sẽ xây dựng các quy định nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông và làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan đối với các hoạt động khai thác cát. Công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm trong quản lý tài nguyên cát gắn với việc đấu thầu quyền khai thác- có như vậy mới quản lý tốt nguồn tài nguyên này.