Đấu thầu thuốc: Để cứu người, đừng chậm trễ quá

An Thái 17/11/2022 07:00

Quy định về đấu thầu trong lĩnh vực y tế là vấn đề được rất nhiều đại biểu quan tâm tại Kỳ họp Quốc hội vừa qua. Hầu như nhóm sản phẩm dịch vụ sử dụng ngân sách đều phải đấu thầu. Chúng ta chấp nhận chậm lại để không tiêu cực nhưng có nhóm mặt hàng đặc biệt là y tế để cứu người, chữa bệnh, liên quan tính mạng người dân thì không chậm được.

Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn TPHCM) cho rằng, thuốc là mặt hàng thiết yếu, khi đấu thầu sẽ có tình trạng các đơn vị dự thầu từ chối không tham gia thầu hoặc hủy thầu. Trong trường hợp này cần có cách giải quyết đặc biệt để có thuốc phục vụ điều trị cho bệnh nhân, không để bệnh nhân phải chờ đợi. Song, vấn đề này đến nay vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị, vật tư y tế tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, quy định về chọn giá kế hoạch cần phải rõ ràng, căn cứ theo thị trường, không thể căn cứ vào giá trúng thầu của năm trước để làm giá kế hoạch của năm sau. Như vậy dẫn đến giá đấu thầu thuốc ngày càng thấp và không bảo đảm được chất lượng. Mục tiêu của đấu thầu là chọn giá rẻ nhất, nhưng cần có giải pháp để giá rẻ nhưng chất lượng phải bảo đảm, nhất là trong đấu thầu thuốc.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức (Đoàn TPHCM) nêu quan điểm, trong dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) chỉ nói về đấu thầu thuốc, điều đó là chưa đủ. Đại biểu mong muốn Ban soạn thảo bổ sung một chương riêng đối với đấu thầu y tế bởi lĩnh vực đấu thấu y tế có tính chuyên sâu rất cao. Bên cạnh đó, dự thảo vẫn xem hàng hóa y tế, vật tư y tế như là hàng hóa thông thường, trong khi cần phải xem vật tư y tế hàng hóa đặc biệt vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng người bệnh.

Do đó, ông Thức đề nghị trong Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) nên sửa lại là cho phép các bệnh viện hạng đặc biệt hoặc bệnh viện tuyến cuối được phép lựa chọn thương hiệu để mua sắm thuốc hoặc trang thiết bị y tế. Có như vậy thì người nghèo và bệnh viện công mới được tiếp cận các phương pháp điều trị hiện đại và các thiết bị tiên tiến nhất. Cùng với đó, nên quy định trường hợp cấp bách trong y tế, vì hiện giờ chỉ có quy định là cấp cứu, còn chưa quy định trường hợp cấp bách bởi khi không có đơn vị nào dự thầu hoặc là không trúng thầu thì không có thuốc hoặc trang thiết bị để điều trị cho người bệnh. Trường hợp cấp bách này thì xử lý như thế nào, tổ chức nào được phép xác định trường hợp cấp bách.

Trước đó, tại Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, sửa đổi ngay các bất cập trong các quy định về đấu thầu mua sắm và tập trung giải quyết nhanh, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, thực hiện lộ trình phù hợp tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tổng kết việc tự chủ trong bệnh viện.

Sớm gỡ vướng mắc ở lĩnh vực y tế

Trước ý kiến đề xuất có chương riêng về đầu thầu trong lĩnh vực y tế trong Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần phải cân nhắc bởi nếu có chương riêng sẽ phá vỡ kết cấu chung của luật và hệ thống pháp luật. Không phải chỉ có lĩnh vực y tế mới có đặc thù đặc biệt mà còn nhiều lĩnh vực cần đặc thù, đặc biệt kể cả trong giáo dục đào tạo, trong thiên tai địch họa, chiến tranh, quốc phòng an ninh…Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định sẽ tiến hành rà soát để bảo đảm bao quát đầy đủ, tháo gỡ tất cả các vấn đề vướng mắc trong ngành y tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu thầu thuốc: Để cứu người, đừng chậm trễ quá