Đấu thầu xe buýt, tại sao không

An Hà 25/05/2021 10:00

Thông tin mới đây cho biết, Sở Giao thông Vận tải TP HCM dự kiến đến năm 2023 sẽ đấu thầu tất cả các tuyến xe buýt có trợ giá trên địa bàn thành phố, với kỳ vọng việc đấu thầu sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng dịch vụ, giảm trợ giá từ ngân sách.

Cũng mới đây thôi, vào hồi cuối tháng 4, Sở này đã đấu thầu thành công 4 tuyến xe buýt gồm tuyến số 1 (Bến Thành - bến xe Chợ Lớn); tuyến số 15 (bến Phú Định - bến xe buýt Đầm Sen); tuyến số 65 (bến xe buýt Sài Gòn - bến xe An Sương); tuyến số 152 (khu dân cư Trung Sơn - sân bay Tân Sơn Nhất). Được biết, doanh nghiệp trúng thầu sẽ khai thác 4 tuyến xe buýt này trong thời hạn 5 năm với tổng giá trị gói thầu là 130 tỷ đồng. Trong số 4 tuyến thì có 3 tuyến (số 1, 65 và 152) được doanh nghiệp đầu tư xe mới hoàn toàn.

Một vị lãnh đạo Sở GTVT TP HCM cho rằng đấu thầu vừa tạo ra tính cạnh tranh, giúp lựa chọn được doanh nghiệp có năng lực, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, giảm số tiền ngân sách TPHCM phải bù lỗ hàng năm. Chính vì thế, năm nay sẽ cố gắng lên kế hoạch đấu thầu tiếp 39 tuyến.

Tại TP HCM, hiện 12 đơn vị vận tải hoạt động trên 90 tuyến xe buýt có trợ giá. Thời gian qua, hầu hết các tuyến xe buýt trên địa bàn TPHCM được thực hiện theo phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích. Với hình thức này, phải dùng ngân sách nhà nước để trợ giá cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã khai thác.

Tại thời điểm này TP HCM có khoảng 127 tuyến xe buýt (90 tuyến có trợ giá và 37 tuyến không trợ giá) với 2.261 đầu xe. Mỗi năm thành phố trợ giá hơn 1.000 tỷ đồng cho xe buýt nhưng lượng khách đi xe lại giảm theo từng năm. Từ con số 305 triệu lượt khách vào năm 2012, đến năm 2018 chỉ còn gần 290 triệu lượt; năm 2019 giảm còn 255 triệu lượt. Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách đi xe buýt giảm còn 148 triệu lượt, giảm khoảng 40% so với năm 2019.

Nói tóm lại, do xe buýt ngày một “ế” nên phải tìm cách vực dậy, vì đây là loại hình vận tải công cộng rất hiệu quả trong việc “ngăn làn sóng xe cá nhân” hết sức mạnh mẽ suốt nhiều năm qua. Vả lại, buýt cũng là phương tiện hữu ích cho người nghèo, trong đó có đội ngũ sinh viên.

Những năm qua, buýt vắng khách dần còn là do tác phong khó chấp nhận của những “cán bộ” lái xe, và xe cũng ít được đầu tư sửa chữa, xộc xệch rất đáng ngại. Vì thế, còn chần chừ gì nữa không đấu thầu xe buýt: Doanh nghiệp được nhờ, người dân được nhờ và ngân sách cũng bớt một khoản không hề nhỏ chút nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đấu thầu xe buýt, tại sao không