Đầu tư cho một thế giới xanh

Hà Anh 11/11/2022 07:00

Tại hội nghị về khí hậu COP27 đang diễn ra ở Ai Cập, các công ty và đại diện các nước đang thảo luận về các cách thức tăng cường thị trường trái phiếu xanh, hoặc trái phiếu có liên quan đến các dự án được coi là có lợi cho môi trường.

Thị trường tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự chuyển dịch xanh. Ảnh: Reuters.

Trái phiếu xanh

Trái phiếu xanh là một hình thức đầu tư liên quan đến việc một công ty hoặc chính phủ huy động tiền cho các dự án được coi là có lợi cho môi trường. Ví dụ, một công ty năng lượng khổng lồ có thể huy động tiền để xây dựng một dự án điện tái tạo.

Dù trái phiếu xanh không được các nhà phê bình hoàn toàn ủng hộ, nhưng khi thị trường phát triển, nó đã tạo ra một ngành công nghiệp trái phiếu bền vững, rộng lớn.

Vào năm ngoái, các công ty đã vay số tiền kỷ lục thông qua trái phiếu bền vững, tổng số tiền phát hành là 859 tỷ USD, so với 534,3 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, trong thời kỳ bất ổn tài chính năm nay, tỷ lệ toàn cầu đã giảm.

Theo dữ liệu của Refinitiv, trong nửa đầu năm nay, việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội và bền vững đã giảm 23% xuống còn 428 tỷ USD so với 6 tháng đầu năm 2021, do xung đột ở Ukraine ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư.

Các chính phủ là những nhà đầu tư lớn, đặc biệt là ở châu Âu. Sau một loạt các giao dịch vào tháng 9, việc phát hành trái phiếu xanh năm nay ở khu vực đồng euro đã vượt qua mức phát hành cùng kỳ năm 2021. Những người đi vay thích thị trường này vì nó có thể huy động vốn với lãi suất hấp dẫn hơn, mặc dù thuật ngữ "xanh" ám chỉ thực tế rằng, trái phiếu xanh mang lại lợi suất thấp hơn một chút so với khoản nợ thông thường.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, những trái phiếu này không giải quyết được tác động môi trường rộng lớn của một công ty và có thể cho phép những công ty lớn, chuyên khai thác năng lượng, mỏ và các tài nguyên thiên nhiên khác, yêu cầu chứng chỉ xanh mà không cần thay đổi cơ bản mô hình kinh doanh của họ.

Trái lại, những người ủng hộ thị trường xanh lại cho rằng, các công ty rất cần động lực để chi tiêu cho các dự án xanh và thị trường vẫn đang trong quá trình phát triển. Các công ty hoạt động trên thị trường thường tuân thủ các nguyên tắc trái phiếu xanh do Hiệp hội Thị trường vốn quốc tế (ICMA) đề ra.

Trái phiếu liên kết bền vững

Trái phiếu liên kết bền vững (SLB) là một thị trường mới hơn và nhỏ hơn trái phiếu xanh. Các công ty và chính phủ có thể sử dụng số tiền huy động được từ SLB cho bất kỳ việc gì, kể cả các mục đích chung của công ty. Nhưng SLB gắn liền với các mục tiêu bền vững của công ty đã được hứa hẹn sẽ đáp ứng. Nếu không, công ty phải trả lãi suất cao hơn.

Ví dụ, các tổ chức phát hành trái phiếu như Enel, Tesco và Enbridge đã hứa sẽ đáp ứng các mục tiêu nhất định về môi trường, xã hội và quản trị (ESG), như cắt giảm lượng khí thải trong toàn công ty hoặc tăng cường sự đa dạng của hội đồng quản trị vào một ngày nhất định.

Vào tháng 9 năm nay, Ngân hàng Thanh toán quốc tế đã kêu gọi các chính phủ áp dụng các hình phạt cứng rắn hơn khi không đạt được mục tiêu, và coi đây là vấn đề uy tín đối với thị trường SLB. Trong khi đó, các công ty cho biết, mục tiêu của họ được xác minh bởi một bên thứ ba và họ tuân thủ các nguyên tắc tự nguyện do ICMA đặt ra.

Trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu xã hội

Các công ty gây ô nhiễm cao cần hàng nghìn tỷ đô la để giảm lượng khí thải carbon, nhiều hơn những gì họ có thể nhận được từ SLB. Vì vậy, vào năm 2019, trái phiếu chuyển đổi đã được khuyến khích như một giải pháp khả thi cho các công ty trong các lĩnh vực phát thải cao như năng lượng và giao thông vận tải không bị loại khỏi thị trường xanh.

Năm ngoái, 9 công ty phát hành đã huy động được tổng cộng 4,4 tỷ USD bằng cách bán trái phiếu loại này. Những người ủng hộ đang thúc đẩy sự chấp nhận rộng rãi hơn đối với một sản phẩm trái phiếu được dán nhãn chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu cấp bách về tài trợ cho các nỗ lực khử carbon trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc không có các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn rõ ràng cho trái phiếu chuyển đổi đã khiến các nhà đầu tư và chủ ngân hàng cảnh giác với các cáo buộc rửa xanh. Một thách thức nữa là việc đánh giá kế hoạch chuyển đổi đối với các công ty như thế nào là đáng tin cậy.

Liên minh tài chính Glasgow cho Net Zero dự kiến sẽ công bố hướng dẫn trong tháng này về các kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thực tế.

Ngoài các trái phiếu tập trung vào kết quả môi trường, còn một loại trái phiếu tập trung tiền cho các mục tiêu liên quan đến công bằng xã hội hoặc mức sống công bằng.

Ví dụ, một "trái phiếu mục tiêu phát triển bền vững" gây quỹ cho một dự án cải thiện sức khỏe cộng đồng có thể được sử dụng nếu ô nhiễm không khí do đốt nhiên liệu hóa thạch là một mối đe dọa sức khỏe. Ngoài ra, một trái phiếu xã hội có thể tài trợ cho một dự án nhà ở giá cả phải chăng cũng là nơi cư trú những người phải di dời do một trận cháy rừng hoặc lũ lụt do khí hậu gây ra.

Thị trường nhỏ của trái phiếu xã hội đang phát triển nhanh chóng khi một số trái phiếu bền vững lớn được phát hành tập trung vào những thách thức xã hội, như trái phiếu xã hội trị giá 1 tỷ USD của JP Morgan để hỗ trợ nhà ở của Mỹ. Tính đến tháng 6 năm nay, các tổ chức cho vay đa phương lớn như International Finance Corporation đã bán 73 trái phiếu xã hội với tổng trị giá 4,9 tỷ USD.

Trái phiếu xanh đã tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây và khối lượng trái phiếu xanh phát hành trên thị trường có thể đạt mốc 1 nghìn tỷ USD/năm vào năm 2023. Khối lượng phát hành trái phiếu xanh toàn cầu trong năm 2020 đã đạt 269,5 tỷ USD, cao hơn 5,7% so với năm 2019. Mỹ là quốc gia đứng đầu trong bảng xếp hạng về khối lượng phát hành trái phiếu xanh với 51,1 tỷ USD, vị trí thứ 2 thuộc về Trung Quốc với 31,3 tỷ USD, thứ 3 là Pháp với 30,1 tỷ USD.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư cho một thế giới xanh