Tại An Giang, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS và MN) giai đoạn 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) đối tượng chính được thụ hưởng là đồng bào Khmer và đồng bào Chăm.
Sau hơn 2 năm thực hiện, Chương trình MTQG 1719 bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Kinh tế xã hội cũng như diện mạo vùng nông thôn trong vùng đồng bào DTTS và MN ngày càng khởi sắc.
Chương trình là đòn bẩy phát triển KT-XH cho đồng bào
An Giang là tỉnh biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dân tộc Khmer chiếm 3,98%, dân tộc Chăm chiếm 0,59%, dân tộc Hoa chiếm 0,27%, phần còn lại là dân tộc thiểu số khác sinh sống rải rác trên địa bàn. Vì vậy, việc phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN của tỉnh có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp phát triển chung của tỉnh.
Nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa đặc biệt của Chương trình, An Giang đã thành lập ban chỉ đạo, các bộ phận giúp việc; giao đơn vị chủ trì quản lý chương trình, kế hoạch thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện trong từng nội dung; cơ chế, chính sách, giao kế hoạch vốn trung hạn và hàng năm…
Theo đó, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh An Giang đã chủ động, nỗ lực triển khai chương trình nhằm hướng đến mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh và vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của cả nước; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn. Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục, tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.
Cùng với đó, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Ưu tiên những dự án trọng điểm
Trong năm 2022 và năm 2023, nguồn vốn được phân bổ triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 tại An Giang là gần 176,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư là gần 87 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 89,6 tỷ đồng được phân bổ cho các dự án của chương trình.
Ông Chau Anne – Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh An Giang cho biết: Các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719 đều đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên, Dự án 1 giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt và Dự án 4 về đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và MN là trọng điểm, với vốn phân bổ cao.
Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân nguồn vốn của chương trình, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 416/QĐ-UBND ngày 4/4/2023 về việc thành lập các Đoàn kiểm tra các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2023: Kiểm tra, đôn đốc và xử lý vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án thuộc danh mục dự án kế hoạch đầu tư công năm 2023 nguồn vốn ngân sách trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương (kể cả vốn kéo dài), trong đó trọng tâm là các công trình, dự án trọng điểm và các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, An Giang còn gặp một số khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể đối với một số tiểu dự án như: Tiểu dự án 2, Dự án 9 chưa có hướng dẫn cụ thể về cơ chế thu hồi vốn, vay vốn ủy thác qua ngân hàng; Chưa có qui định về hạn mức để tính giá trị qui đổi đối với cây trồng, vật nuôi, nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Trong thời gian tới tỉnh sẽ đề xuất phương án và cùng tháo gỡ một số vướng mắc để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn của chương trình.
Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh An Giang đã thay đổi đáng kể. Đây là động lực, là niềm tin để An Giang đồng lòng phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.