Đầu tư công nghệ hiện đại: Không thể chần chừ

Thanh Giang 25/11/2015 22:40

Đầu tư khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất nhưng bị phạt vì mở rộng nhà xưởng mà không báo cáo, áp dụng tiến bộ KHCN khi quy định hiện hành chưa có là không đúng… Những vướng mắc ấy đang làm nản lòng doanh nghiệp khi đổi mới công nghệ. Đó là nội dung được phản ánh tại Hội nghị phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ năm 2015, do Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng phát triển thương hiệu Việt tổ chức, ngày 25/11 tại TP Hồ Chí Minh.Tuy nhiên, đổi mới công nghệ là việc không thể chần chừ.

Tăng năng suất lao động ngành dệt may bằng công nghệ hiện đại. Ảnh TL.

Mở rộng nhà xưởng cũng… phạt

Ông Nguyễn Thế Hà, chuyên viên tư vấn đầu tư của Công ty TNHH Cơ khí Công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ cho hay, năm 2013 công ty thực hiện đổi mới dây chuyền sản xuất xay xát gạo theo công nghệ laser, 3D tại Long An với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng. Theo đánh giá của phía công ty, công nghệ sản xuất mới này ngang ngửa với Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, khi xin hưởng chế độ ưu đãi thuế vì đã áp dụng khoa học công nghệ vào dây chuyền sản xuất thì Cục Thuế Long An từ chối. Lý do mà Cục Thuế Long An gạt công ty Bùi Văn Ngọ qua một bên vì công ty này đã mở rộng sản xuất chứ không phải đầu tư mới dây chuyền. Kết quả, công ty bị Cục Thuế Long An áp dụng hình thức truy thuế với mức phạt 20 tỷ đồng.

“Công ty chúng tôi không mở rộng nhà xưởng, không tăng thêm công nhân chỉ là thay đổi công nghệ sản xuất mà bị phạt thì thật lạ. Đầu tư dây chuyền mới hết 17 tỷ đồng nhưng bị phạt 20 tỷ đồng. Cứ đà này DN không dám có ý tưởng đổi mới hoặc đầu tư KHCN trong sản xuất”, ông Nguyễn Thễ Hà than phiền.

Trước băn khoăn lạ đời mà Cục Thuế Long An áp thuế phạt DN Bùi Văn Ngọ, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng chia sẻ: “Điều lạ đời này làm đau lòng DN. Nguyên tắc, khi DN nâng cao năng suất thì được hưởng ưu đãi chứ không thể bị phạt. Sẽ làm việc với các bên liên quan để gỡ “án treo” cho DN”.

Không kém phần bức xúc về tình trạng cơ quan quản lý nhà nước làm khó DN khi đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, ông Nguyễn Văn Đảo - đại diện một công ty đóng tàu cho biết, DN đầu tư dây chuyền đóng tàu theo hướng công nghệ mới với những vật liệu mới. Nhưng khi đưa tàu đi đăng kiểm để lưu thông thì không được.

Cục Đăng kiểm không chấp nhận đăng kiểm lưu thông vì không có quy chuẩn về vật liệu mới. Trong khi, quốc tế không kiểm tra tiêu chuẩn trên. Công ty phải mất 3 năm nhùng nhằng đấu tranh với quy định “không đâu” của Bộ Giao thông Vận tải. Cuối cùng, Bộ này yêu cầu Cục Đăng kiểm không kiểm tra tiêu chuẩn trên.

Doanh nghiệp áp dụng dây chuyền sản xuất hiện đại. Ảnh: S. Xanh.

Chê “danh hiệu” DN KHCN

Nhìn vào các chính sách chuẩn dành cho DN KHCN và những câu chuyện bị làm khó - dễ của DN ứng dụng tốt công nghệ hiện đại, không ít DN tỏ ra ngao ngán. Nhiều DN cho rằng, tốt nhất là không tham gia vào DN KHCN, còn hành chính vướng đến đâu tự gỡ đến đó. Riêng DN công nghệ hoặc DN phần mềm tỏ rõ thái độ không mặn mà với chương trình phát triển DN KHCN.

Nguyên nhân chủ yếu, DN phần mềm đã được áp dụng các chính sách hỗ trợ. Hơn nữa, vòng đời của sản phẩm KHCN ngắn nên DN không muốn đăng ký. Như vậy, một nghịch lý đang tồn tại hiện nay trong cộng đồng DN, nhiều DN không muốn được chứng nhận DN là KHCN, còn những DN khác lại bị làm khó khi áp dụng KHCN.

Ông Trần Xuân Đính, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường DN và KHCN cho hay, tính đến tháng 11/2015 cả nước có 204 DN được cấp giấy chứng nhận DN KHCN. Bên cạnh đó, có 400 DN đang hoạt động trong các khu công nghệ cao của cả nước cùng với 1.000 DN phần mềm. Tuy nhiên với mức DN KHCN như hiện nay thấy rõ, số lượng DN KHCN không cân xứng với tiềm năng khi cả nước có hơn 1,5 triệu DN.

Mặc dù Chính phủ và các bộ ngành ủng hộ phát triển loại hình DN KHCN cùng các chính sách về thuế thu nhập DN, đất đai… song với kết quả hiện nay hoàn toàn quá nhỏ so với tiềm năng của đông đảo cộng đồng DN Việt. Bài toán phát triển cộng đồng DN KHCN liên tục được mổ xẻ.

TS Lê Minh Thông, Sở KHCN tỉnh Thanh Hóa cho rằng, sắp tới phải có các biện pháp tích cực hơn nữa mới đẩy mạnh phát triển DN KHCN. Tránh những phức tạp trong quy định tỷ lệ doanh thu, chính sách ưu đãi và miễn thuế thuê đất nếu không Thanh Hóa chỉ có thể phát triển được 4 – 5 DN KHCN/năm, thay vì mục tiêu đề ra là 15DN/năm.

“Việc ứng dụng và phát triển KHCN vào sản xuất xem ra không đơn giản. Chúng tôi cần nhà nước tháo gỡ vướng mắc về quy định chứ không phải là hỗ trợ gì cho DN. Theo tôi, muốn phát triển KHCN trong sản xuất thì bản thân các bộ ngành phải thay đổi tư duy nếu không rất khó khăn”, ông Nguyễn Văn Đảo nhấn mạnh.

Liên quan đến quá trình xây dựng DN KHCN, Thứ trưởng Bộ KHCN Trần Văn Tùng cho biết, Bộ sẽ lắng nghe những khó khăn của DN KHCN nhằm chỉnh sửa các quy định cho phù hợp. Động viên DN và doanh nhân thành đạt để họ ứng dụng KHCN một cách thuận lợi nhất. Đây chính là điều kiện quyết định sự thành - bại trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, việc ứng dụng KHCN vào sản xuất giúp DN Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ khác khi hợp tác thương mại giữa Việt Nam và các nước chính thức có hiệu lực.

Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho biết thêm, từ nay đến 2020 phần đấu đưa tổng số DN KHCN lên mức 5.000 DN. Tuy nhiên, Bộ không có chú trọng về số lượng mà sẽ tập trung vào chất lượng DN nhiều hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đầu tư công nghệ hiện đại: Không thể chần chừ