Ngày 27/11 tới đây, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao- Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW(Chỉ thị 45) về việc tiếp tục đẩy mạnh Nghị quyết 36-CT/TW (Nghị quyết 36) về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trong tình hình mới.
Việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 45 và Nghị quyết 36 thời gian qua đã được chú trọng ở nhiều nơi, nhiều cấp, trong đó có cả các cơ quan truyền thông. VOV là một cơ quan như thế.
Chia sẻ với báo chí, ông Ngô Minh Hiển, Phó Tổng Giám đốc VOV cho biết, là một trong các cơ quan truyền thông được tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Dự thảo Nghị quyết 36, VOV đã thấu hiểu tinh thần của Nghị quyết, từ đó, ban lãnh đạo Đài đã đầu tư nguồn lực cho hoạt động truyền thông dành cho cộng đồng người Việt Nam ở xa Tổ quốc.
Theo Phó Tổng Giám đốc VOV, chương trình “Phát thanh dành cho đồng bào ở xa Tổ quốc” của VOV5 là một thương hiệu lớn của VOV trong 7 thập kỷ qua, chương trình luôn giữ được tinh thần hướng về Tổ quốc.
Ngoài ra, Ban Thời sự (VOV1) có Chương trình phát thanh “Người Việt ở nước ngoài với quê hương”. Trong khi đó, kênh VTC10 (thuộc Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) thực hiện sản xuất, khai thác biên tập và phát sóng 26 chuyên mục, với các chương trình phản ánh các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Việt Nam cũng như trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Cùng với đó, 13 cơ quan thường trú của VOV ở nước ngoài đã trở thành những địa chỉ vừa đưa tin bài phản ánh về đời sống của bà con người Việt sở tại, vừa tìm hiểu, cung cấp thông tin giúp Đảng, Chính phủ hiểu thêm về cộng đồng người Việt ở nước ngoài, từ đó sẽ xây dựng những chính sách sát hợp hơn.
“Một trong các tiêu chí của VOV về mở cơ quan thường trú ở nước ngoài là dựa trên mức độ đông đảo đồng bào người Việt ở nước sở tại. Những nơi VOV đặt cơ quan thường trú đều đáp ứng tiêu chí đó”, ông Hiển cho biết.
Không chỉ nhiều về số lượng và đa nền tảng, đa loại hình phục vụ đồng bào ở xa Tổ quốc, theo ông Ngô Minh Hiển, lãnh đạo VOV đặt ra yêu cầu, các chương trình phải hướng tới sự lắng đọng, khơi dậy được tinh thần đoàn kết, lòng tự hào dân tộc trong các cộng đồng người Việt, giúp kiều bào hiểu thêm về các danh lam thắng cảnh trong nước...
Có nhiều thuận lợi khi là cơ quan truyền thông đa phương tiện hàng đầu, có bề dày truyền thống qua thập kỷ, lại nhận được sự hợp tác từ các ban ngành, đặc biệt là Bộ Ngoại giao và Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; VOV còn có đội ngũ phóng viên được đào tạo bài bản và mạng lưới cơ quan thường trú tương đối rộng khắp.
Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc VOV cho rằng, cũng có những khó khăn nhất định trong công tác truyền thông liên quan đến người Việt ở nước ngoài như chưa xác định được hết số lượng người Việt sống rải rác ở hơn 100 quốc gia vùng lãnh thổ trên thế giới, tâm lý và suy nghĩ người Việt ở mỗi nơi có những nét riêng.
Hiện nay, có nhiều cộng đồng nhỏ người Việt ở nước ngoài mà VOV chưa tiếp cận được và cũng chưa hiểu đầy đủ, sâu sắc được nên sẽ khó trong việc chuyển tải thông tin của bà con về với trong nước. Đó là chưa kể, sự bùng nổ của mạng xã hội ngày nay cũng đặt ra nhiều vấn đề về cạnh tranh thông tin, kiểm chứng thông tin...
Thời gian tới, để phục vụ bà con ở xa Tổ quốc được tốt hơn, Phó Tổng Giám đốc Ngô Minh Hiển cho biết, VOV sẽ nâng cấp kênh đối ngoại VOV5, xây dựng nền tảng số để có thể dễ dàng chia sẻ các chương trình của mình trong không gian mạng cho khán giả, thính giả, độc giả. Ông cho biết, VOV đang nỗ lực tích hợp các chương trình phát thanh, truyền hình của mình để phát khắp toàn cầu.
Hàng năm, vào các dịp Lễ lớn của đất nước (nhất là vào dịp Tết Cổ truyền dân tộc), VOV đều cử các đoàn phóng viên đi các khu vực trên thế giới, những nơi có đông đảo bà con người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc để viết bài phản ánh không khí chuẩn bị đón Tết của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
“Các chương trình ý nghĩa này được VOV phát sóng trên các kênh phát thanh, truyền hình, trực tuyến vào đúng dịp tết Nguyên đán nhằm tạo không khí tụ họp, sum vầy trong dịp Tết", ông Hiển cho biết.