Khu vực phía Nam đang dần hình thành một mạng lưới giao thông hoàn chỉnh. Đây sẽ là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban tài chính ngân sách Quốc hội:
Tiền đề để thu hút đầu tư
Thời gian qua, tốc độ xây dựng giao thông đường bộ, đặc biệt các dự án đường cao tốc, hệ thống giao thông kết nối ở khu vực miền Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và khu vực Nam miền Trung đã được tăng cường và đẩy mạnh. Nhiều dự án đã và đang khởi công triển khai xây dựng, một số dự án đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Qua đó giúp hệ thống giao thông khu vực này ngày càng hiện đại đồng bộ hơn. Đó là cơ sở, tiền đề để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển tăng trưởng kinh tế - xã hội của các địa phương nơi các trục tuyến giao thông đi qua.
Hệ thống giao thông tại các tỉnh phía Nam đang từng bước được hoàn thiện. Đặc thù của giao thông khu vực này thì miền Tây Nam bộ chủ yếu là vùng sông nước, các điều kiện hệ thống giao thông trước đây chủ yếu dựa vào đường thủy. Nhưng bây giờ có thêm hệ thống giao thông đường bộ hiện đại là yếu tố thuận lợi để rút ngắn thời gian vận chuyển lưu thông. Cho nên bây giờ phải tăng cường hệ thống giao thông đường bộ tại khu vực này lên. Hệ thống kênh rạch sông ngòi trước đây được coi là sự cản trở trong phát triển giao thông thì tăng cường đầu tư xây dựng giao thông đường bộ sẽ khắc phục được các cản trở trong giao thông.
Có thể nói khu vực phía Nam rất có điều kiện thuận lợi để đột phá, tăng trưởng. Thực tế, hiệu quả phát triển hệ thống đường giao thông đường bộ ở khu vực này là rất thuận lợi vì nó là vùng đồng bằng. Khi xây dựng đường giao thông sẽ mở ra một khu vực phát triển. Vì hệ số và hiệu quả khai thác của hệ thống giao thông này là lớn, và khác so với các địa bàn khác. Ví như cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi một đoạn đường dài mới nối được 2 đầu mối về trọng điểm kinh tế. Nhưng ở khu vực này lại rất ngắn vì giữa các trung tâm kinh tế đầu mối có khoảng cách hẹp. Do đó hệ số chi phí cho việc kết nối giữa các trung tâm, các đầu mối sẽ ít hơn so với các địa bàn khác. Đơn cử tại khu vực miền Bắc, miền Trung phải mấy trăm km mới nối được 3, hay 4 điểm trên tuyến giao thông giữa 2 thành phố tại 2 tỉnh được coi là trung tâm kinh tế. Trong khi ở khu vực phía Nam thì kết nối giữa trung tâm kinh tế lại rất ngắn. Cho nên hiệu quả đầu tư sẽ rất lớn. Suất đầu tư phục vụ cho việc hình thành hệ thống đường phục vụ cho tăng trưởng sẽ tiết kiệm và hiệu quả hơn so với các nơi khác. Đây chính là những chi phí đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm trọng điểm. Đầu tư vào chỗ có tiềm năng nhất, điều kiện nhất để khai thác các lợi thế. Nếu tính theo chi phí thì do dân số, diện tích quần tụ đông nên chi phí kết nối bằng hệ thống giao thông là rẻ hơn so với các nơi khác và hiệu quả sẽ rất cao nếu hệ thống giao thông phát triển.
Ông Phạm Văn Hòa - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp:
Đi lại khó khăn làm sao các nhà đầu tư dám đến?
Hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không là mạch máu nối liền của cả nước để lưu thông vận chuyển hàng hóa và con người. Mật độ lưu thông thuận lợi thì kinh tế - xã hội sẽ phát triển cao. Tất cả các nước phát triển trên thế giới đều có hệ thống giao thông thuận lợi hiện đại.
Thời gian qua chúng ta đã coi hạ tầng giao thông là quan trọng, là “mạch máu” nhưng đầu tư cho hạ tầng giao thông giữa các vùng miền còn khác nhau. Trong đó hạ tầng giao thông ở khu vực phía Nam còn bất cập. Ví như giao thông đường thủy chỉ đầu tư vài phần trăm trong tổng mức đầu tư của giao thông. Như vậy là quá ít. Giao thông đường sắt đang gặp khó khăn, còn đường hàng không chỉ phát triển tại một số nơi, đặc biệt giao thông đường bộ thì ở miền Tây Nam bộ có 20 triệu dân chỉ có 1 đường cao tốc duy nhất. Chính vì lẽ đó thời gian gần đây chúng ta đã quan tâm, phát triển thêm các hệ thống đường cao tốc.
“Tôi nghĩ tới đây cần đầu tư, tập trung nhiều hơn, có trọng tâm, trọng điểm vì tiền hạn chế thì không thể rải mành mành. Do đó tới đây Quốc hội, Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải cần có sự phối hợp nhịp nhàng, đầu tư trọng điểm để mang tính chiến lược, mang tầm vóc quốc gia cho khu vực phía Nam. Mặc dù đã có kế hoạch đầu tư trung hạn, dài hạn đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045 nhưng mức độ đầu tư còn mang tính hạn hẹp khi giao thông đường bộ mới mở thêm một số đường cao tốc.
Nếu đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ để kết nối với TPHCM thì hạ tầng giao thông phát triển sẽ vực dậy nền kinh tế, kết nối trong cả nước sẽ thuận lợi và kinh tế xã hội sẽ phát triển, và đi theo kịp các tỉnh lân cận. Đây là vùng trọng điểm, là vùng phát triển đóng góp cho tăng trưởng rất lớn song giao thông chưa phát triển nên chưa phát huy hết thế mạnh của cả vùng. Giao thông vốn là thế mạnh nhưng lại đang đi sau. Hạ tầng giao thông chậm, kém phát triển sẽ kéo theo hạ tầng y tế và hạ tầng giáo dục. Giao thông mà yếu kém làm sao có sự đầu tư cho giáo dục và y tế? Đặc biệt là vấn đề xã hội hóa. Đường xá eo hẹp, đi lại khó khăn vất vả thì làm sao các nhà đầu tư dám đến để họ đầu tư?. Giao thông là huyết mạch, trụ cột, yếu tố quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nên cần quan tâm nhiều hơn cho giao thông, đặc biệt là tại các tỉnh phía Nam” - ông Hòa nói.