Tinh hoa Việt

Dấu xưa làng cổ

TÙNG DUY 15/03/2024 05:58

Làng Sơn Vi ở huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, nơi phát tích văn minh Việt cổ, vẫn lưu giữ một phong tục dân gian độc đáo từ thuở Hùng Vương, đó là tế lễ hùng binh và thi đánh cầu phết.

1y9a0061.jpg
Đình Sơn Vi là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.

Tế lợn đen ở miếu cổ

Đại tá Bùi Quang Thọ là Bí thư Chi bộ ở làng Sơn Vi. Ông ngồi bật dậy khi nghe giới thiệu có phóng viên đến. Chân đau nhức vì mấy ngày đôn đáo việc làng, ông vẫn tác phong nhanh nhẹn của một người lính đã hưu, “xách” ngay chiếc xe Dream đèo tôi ra thăm "Tiền Doanh miếu", ngôi miếu cổ ven làng được kể có từ thuở Hùng Vương.

Ngôi miếu dưới tán cội lụ già. Vườn lụ tường bao quanh khang trang, có ghế đá như công viên nhỏ. "Miếu xưa thấp, hình vuông, xây đá ong. Sau dân làng lát lại bằng đá. Hồi xưa nhập ngũ trai làng tôi ra đây làm lễ. Miếu thiêng phù hộ con cháu Vua Hùng đi đánh giặc mà", ông Thọ kể lại. Nhưng ông hàm ý như một lời thề cam kết tân binh lên đường hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Một thoáng huyền bí, thâm nghiêm, những cội lụ hình tháp tọa lạc dáng dấp nguyên sinh, thân cỡ vòng rưỡi tay ôm, lá xanh mát lạnh. Ông Bùi Đông Xuân tuổi bát tuần, đã 25 năm coi sóc vườn miếu, chăm lễ hương khói đang quét dọn. Ông Xuân nói làng xưa có mấy cụ già 100 tuổi kể rằng thuở bé đã thấy 4 cây lụ cao hơn 20 mét to lớn như vậy. "Không ai lấy ở đây một cành củi. Sơn Vi gìn giữ cây thiêng như linh hồn của làng", ông Xuân dừng chổi, khoát tay chỉ vào những cây cổ thụ.

"Tiền Doanh miếu" là một trong ba đồn trú tạo nên "Chiến lũy làng Vầy", tên cổ Sơn Vi xưa. Đây cũng chính là địa chỉ khảo cổ năm 1968 có tới 104 địa điểm khai quật, dày đặc phát tích nền văn hóa Sơn Vi, hậu kỳ thời đại đồ đá cũ cách ngày nay 16.000 năm đến 9.000 năm trước Công nguyên. Phía tây làng là "Tam Quan miếu", giữa làng là "Đại Thần miếu", thế chân kiềng vững chắc hậu cứ bảo vệ dân làng và tổ chức hùng binh trấn trạch hướng Tây Bắc của nhà nước Văn Lang, do danh tướng Trương Công Mộc Xanh chỉ huy.

Huyền sử đất Sơn Vi kể rằng quân sĩ nhà Hùng mỗi lần xuất quân đánh trận cũng từ vườn lụ này trong cuộc chiến với nhà Thục. Thần phả đình Sơn Vi ghi chép nhiều lần giặc Thục tấn công nhưng không thể đánh phá làng Vầy, và đều thất bại đẫm máu. Có những buổi giặc đến bất ngờ, quân sĩ Mộc Xanh không kịp nấu nướng nên mang theo cơm nắm và thịt lợn sống ăn dưỡng sức.

Lần giở một bản ghi chép tay sưu tầm từ truyền miệng, cụ Bùi Văn Thành - thủ từ đình Sơn Vi, nói rằng khoảng cuối thế kỷ XIII chính tướng Lân Hổ Hầu - Đô tướng Đại Vương thời Trần trong một trận đánh oanh liệt ở chiến tuyến Dục Mỹ (thuộc xã Cao Xá) với quân Nguyên Mông, đã tạm dưỡng sức ở vườn lụ này khi bị thương nặng. Máu thấm bệt cội lụ lúc ngài ngồi tựa, tướng quân Lân Hổ gắng lên ngựa đi về phía gò Xa Lộc rồi mới hy sinh. Ngày nay đền Xa Lộc ở xã Tứ Xã được tỉnh Phú Thọ xây dựng khang trang để tưởng nhớ người anh hùng dũng khí.

Từ đó dân làng Vầy có tục thờ hằng năm vào ngày 18 tháng Chạp hoặc mùng 8 tháng Giêng tại miếu cổ vườn lụ. Đàn ông trong làng đến tuổi 53 ra đây làm lễ nhập lão. Lễ có mâm xôi phố gồm những miếng lèn chặt hình viên gạch mô phỏng cơm nắm quân sĩ thuở xưa mang theo đánh giặc, và đặc biệt là phải tế một con lợn đen tuyền còn sống.

Nghi lễ thành kính trang trọng, dân làng vái vọng tứ hướng. Ông thủ từ sẽ cầm hộc tre già khảo vào đầu con lợn, lễ hương vái thần xin phép thần miếu cho làng mang lợn đi mổ lấy thịt tươi lên cúng. Ông cũng xin phép tổ thần cho làng mở hội đánh cầu, cướp phết đầu xuân.

img_9909.jpg
Hai quả cầu phết - "báu vật" được lưu giữ trong đình cổ Sơn Vi.

Hùng binh đánh cầu, cướp phết

Khẽ mở cửa đình, cụ thủ từ Bùi Văn Thành vái lễ Thành Hoàng làng rồi cúi xuống chỉ tay vào hai "báu vật": "Cầu phết đây. Bằng gỗ lim đấy. Nặng lắm". Hai quả cầu, một quả màu đen nhẵn, quả kia màu mộc, được đặt trên đĩa trụ ở chân án thờ. Cụ thủ từ cho phép tôi thử nâng lên một quả. Chừng nặng cỡ 15kg.

Đình cổ Sơn Vi là Di tích Quốc gia có từ thời Hậu Lê, có tới 3 sắc phong, và năm 1941 thì được dân làng tu sửa lại. Rất tiếc phong trào "kháng phong, phản đế" những năm đầu cách mạng đã khiến nhiều vật thể cổ của ngôi đình bị phá bỏ, thất lạc. Năm 1947 dân làng Sơn Vi mở lại hội đánh cầu, cướp phết, một cuộc trổ tài của trai làng chia làm hai phe mô phỏng sức mạnh của hùng binh thuở xưa "Chiến lũy làng Vầy".

Thần phả tả lại Thánh Tản Viên đầu xuân từ Ba Vì vượt sông về lễ tết Vua Hùng, thường ghé làng Vầy coi trẻ cướp cầu bưởi. Rất phấn khích, Thánh Tản Viên cùng quân sĩ dàn quân cùng chơi. Và để thi thố sức khỏe tài trí, Thánh Tản Viên cho làm quả cầu bằng gỗ lim to gấp ba lần trái bưởi. Trên bãi đất trước cửa đình, đào một hố sâu đến cổ gọi là "lò cầu", rộng khoảng 4 mét vuông, đặt quả cầu lim dưới hố. Trai làng và quân sĩ lao xuống giành lấy quả cầu, người chồng chất lên nhau cao mấy mét nhưng không ai bị thương. Mỗi phe có 50 chàng trai, chia hai bên nội - ngoại, thi đấu liền 3 ngày, náo nhiệt không dứt. Giặc Thục cho quân dò la biết chuyện quân sĩ Tản Viên khỏe quá, bèn sợ mà hãn hữu động binh.

Còn đánh phết và trai tráng hai phe đua nhau cầm gậy tre vát đầu cong chọc xuống bứng cầu lên. Đây là màn thi rất đặc biệt và rất khó bởi quả cầu lim quá nặng. Bên thắng lấy được cầu thì cứ thế rước về phía cuối làng, không được làm rơi quả cầu, hướng phía núi Ba Vì như thể trình cáo Thần Tản Viên.

"Đầu xuân trẩy hội Sơn Vi/ Rước cầu đánh phết không đi sao đành", câu ca dao truyền miệng khắp vùng hạ huyện Lâm Thao từ thuở xưa, nay còn đó. Neo giữ hồn xưa của hùng binh chiến lũy làng Vầy, vẫn sinh tồn bén rễ từ thuở bình minh Văn Lang, vẫn có người Sơn Vi coi sóc. Là ý chí quân sĩ, là sức mạnh chống ngoại xâm, là tình đoàn kết quân dân được nối mạch nguồn từ thuở Hùng Vương, làm sống lại khí phách con Lạc cháu Hồng. Từ quá khứ vạn năm có nét đẹp trổ tài cầu phết đã là di sản, báu vật của làng cổ Sơn Vi... "Ngần này tuổi rồi nhưng cứ nghĩ đến cầu phết là tôi lại rạo rực", cụ Thành thủ từ lấy ra khoe một tấm ảnh ép nhựa cẩn thận lưu giữ bức hình thuở trai tráng khi ông chính là đội trưởng một phe cướp cầu.

"Có 3 quả cầu. Mỗi lần giao đấu sẽ tranh giành 3 lượt", ông Bùi Văn Cầu - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Sơn Vi, cùng góp chuyện với tôi và cụ thủ từ. Chính ông đã đề xuất ra Thường vụ Đảng ủy xã khôi phục lại lễ hội cướp cầu, đánh phết những năm đầu 2000. "Giờ tìm chỗ đất rộng khó quá. Đã mấy năm rồi tạm dừng, không được đánh cầu. Nhân dân thì háo hức lắm. Ai gặp tôi cũng hóng chuyện xem Tết tới có được vận khố để chơi cầu phết không...", ông Cầu ngậm ngùi, trộn lẫn nụ cười vừa buồn, vừa vui cho một khoảng lặng về lễ hội độc đáo, mãnh liệt ở miền quê nông thôn mới kiểu mẫu có 9.000 dân đang giàu sức đô thị hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dấu xưa làng cổ