Giáo dục

Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp - Bài 4: Kiên trì đồng bộ từng bước

Thu Hương (thực hiện) 15/03/2024 06:55

Khi loạt bài “Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp” của Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nguyên giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã bày tỏ sự quan tâm đặc biệt và có những ý kiến góp ý tâm huyết về nội dung này.

pgs.ts-nguyen-le-ninh.jpg
PGS.TS Nguyễn Lê Ninh.

Với kinh nghiệm gần 60 năm trực tiếp giảng dạy và công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh khẳng định chủ trương về giáo dục tích hợp là đúng, phù hợp với xu hướng phát triển xã hội, phát triển cộng đồng, đó là giáo dục nhằm phục vụ sự phát triển của mỗi cá nhân. Làm sao để đạt được tiêu chí đặt ra còn nhiều việc phải làm, phải quan tâm, trong đó quan trọng nhất là phải thống nhất nguyên tắc, đồng bộ từ tổ chức đội ngũ, Hội đồng tư vấn...

PV: Thưa ông, sau 3 năm triển khai dạy học môn tích hợp ở lớp 6, 7, 8 cấp THCS, đến thời điểm này vẫn còn có những ý kiến khác nhau về môn học mới mang tên Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lý, Nghệ thuật được tích hợp từ 7 môn học độc lập của chương trình 2006. Trong đó, không ít thầy cô vẫn lúng túng khi dạy môn học mới này dù đã được bồi dưỡng, tập huấn. Là một nhà giáo, ông nhìn nhận câu chuyện đổi mới này như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh: Chúng ta đã có chương trình và sách giáo khoa (SGK) tích hợp là thuận lợi bước đầu. Tuy nhiên khó khăn đã được lường trước đó là đội ngũ giáo viên (GV) được đào tạo đơn môn và cũng đang giảng dạy đơn môn nên khi chuyển sang dạy môn tích hợp, ban đầu có những khó khăn là đương nhiên. Môn học mới này được triển khai đồng loạt trên phạm vi toàn quốc với số lượng trường học rất lớn, trong khi điều kiện các vùng miền, địa phương khác nhau về cơ sở vật chất, về đội ngũ GV, công tác tổ chức dạy học… nên khó tránh khỏi có vướng mắc, khó khăn, lúng túng.

Tuy nhiên, nhìn từ xu hướng phát triển của thế giới, nhiều quốc gia hiện nay đã và đang giảng dạy các môn học tích hợp thay vì đơn môn. Không chỉ ở khối phổ thông mà cả khối đại học (ĐH), cao đẳng, xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành cũng là hướng đi của các trường ĐH hàng đầu thế giới và nhiều trường của Việt Nam lựa chọn, đáp ứng nhu cầu nhân sự của thời đại 4.0.

Thậm chí, từ những năm 1980 khi tôi tham gia giảng dạy khối ĐH cũng đã ý thức được việc dạy học không thể là đơn môn mà cần liên hệ với những kiến thức của các chuyên ngành khác cũng như các vấn đề thực tế để hướng dẫn sinh viên giải quyết những bài toán nảy sinh trong thực tiễn.

anh-bai-chinh.png
Học sinh trường THCS Thành Công (quận Ba Đình, Hà Nội) trong tiết học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam. Ảnh: NTCC.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Kim Sơn từng cho rằng, một là quay về như cũ thành các đơn môn hoặc vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến năm nào đó GV cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất. Cá nhân ông ủng hộ quan điểm nào?

- Guồng máy đã chạy, vấn đề là làm sao để đạt được mục tiêu đề ra. Tôi cho rằng, đổi mới giáo dục, ở bất cứ thời kỳ nào cũng cần phải mạnh dạn xóa bỏ cái cũ, thay thế bởi cái mới theo một nguyên tắc nhất quán là phải có chủ trương đúng, các chính sách, luật, chế độ quản lý phù hợp và đội ngũ phải đủ số lượng, chất lượng còn yếu thì phải tập huấn, bồi dưỡng. Phải đào tạo làm sao để GV có khả năng giảng dạy tích hợp. Muốn vậy, phải có sự phân công phù hợp, GV phải đồng lòng, đồng sức thì đổi mới mới thành công.

Dạy học tích hợp như ngành giáo dục đang triển khai hiện nay có thể coi là một luồng gió mới cho việc dạy và học trong nhà trường chưa, thưa ông?

- Hiện nay mới ở giai đoạn bắt đầu, tôi cho rằng vẫn chưa thể khẳng định được điều này. Tuy nhiên, yêu cầu phải tích hợp một số môn học ở cấp THCS như Nghị quyết 88 đã nêu là chủ trương đúng, phù hợp với phát triển xã hội, phát triển cộng đồng, giáo dục phục vụ phát triển mỗi cá nhân. Vấn đề là phải kiên trì với mục tiêu đã đặt ra với việc triển khai đồng bộ hóa ở tất cả các khâu, ở mọi nơi.

Nhìn lại yêu cầu tích hợp kiến thức là để người học nắm được một cách chủ động những kiến thức liên quan có ảnh hưởng lẫn nhau như thế nào. Kiến thức tích hợp giúp hiệu suất làm việc, kết quả làm việc tốt hơn rất nhiều so với học riêng lẻ từng môn, nhất là đối với cấp THCS là cấp học trang bị kiến thức cơ bản, nền tảng cần thiết cho sự phát triển của mỗi học sinh. Từ đó giúp cho người học có định hướng sớm về năng lực, sở trường của mình, qua đó định hướng nghề nghiệp tương lai.

Thực tiễn đã chứng minh dù đổi mới ra sao thì nhân tố con người vẫn mang ý nghĩa quyết định sự thành bại. Đối với dạy học tích hợp, khó khăn là đội ngũ GV. Theo ông, thời gian tới cần làm sao để công tác bồi dưỡng, tập huấn GV đạt hiệu quả cao nhất?

- GV trước nay được đào tạo môn riêng lẻ. Khi có SGK tích hợp ra đời, các GV phải được bồi dưỡng trước khi giảng dạy SGK đó, chương trình đó. Ban đầu, cần chọn trước hết những người tự nguyện, có nhiệt tình, nhiệt tâm sẵn sàng thay đổi. Tôi cho rằng với GV trẻ hiện nay việc này không quá khó khăn, nhiều người hăng hái sẵn sàng đăng ký và thực tế đã chứng minh nhiều thầy cô đã bắt nhịp, giảng dạy một mình 1 môn tích hợp thay vì 2, 3 GV cùng dạy 1 môn. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi các thầy cô khác dần dần chuyển động và tự trau dồi, tích lũy để đáp ứng yêu cầu của dạy học đổi mới, trong đó có dạy học tích hợp. Không thể ngay lập tức có được đội ngũ hoàn chỉnh dạy học tích hợp nhưng về lâu dài, phương án này là hoàn toàn khả thi. Đồng thời, các trường sư phạm cũng cần vào cuộc quyết liệt để những khóa sinh viên hiện nay đang và sẽ đào tạo trong trường sớm đáp ứng yêu cầu của dạy học tích hợp đặt ra hiện nay.

Về lâu dài, tôi đề xuất phải có Hội đồng giáo dục quốc gia và của từng địa phương để mỗi một chủ trương giáo dục khi đưa ra có sự bàn bạc, thống nhất và triển khai trong thực tiễn thuận lợi. Tôi lấy ví dụ với môn học tích hợp, khi có Hội đồng giáo dục toàn quốc có thể phân vùng rõ, vùng nào có tính chất xã hội thiên nhiên địa lý, đặc điểm địa chất tương đồng với nhau thì nên dạy các kiến thức liên kết của vùng đó thay vì dạy chung chung. SGK chung với kiến thức tích hợp cho tất cả mọi học sinh mọi vùng miền tôi cho rằng vẫn chưa đủ. Mỗi tỉnh thành nên có thêm một hội đồng giáo dục, trong đó có các chuyên gia của Trung ương để bàn trong vùng này, các nhân tố vật lý, hóa học, sinh học… có ảnh hưởng tương tác như thế nào để đưa vào nội dung của các chương trình dạy học tích hợp, sau đó hoàn thiện thành sách cho môn học tích hợp của địa phương đó. Khi học trò được học và sau đó ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày, có năng lực xử lý vấn đề một cách toàn diện do có kiến thức khái quá. Điều đó rất có ý nghĩa với người học.

Dẫu vậy, cuộc sống vận động không ngừng, nên dù là SGK tích hợp cũng cần tiếp tục chỉnh sửa, cập nhật liên tục. Chính người sở hữu kiến thức tích hợp đó rồi cũng cần luôn luôn học hỏi, tự điều chỉnh để bắt kịp xu thế của thời cuộc và giáo viên dạy môn tích hợp nói riêng và đội ngũ GV nói chung cũng cần trau dồi, tích lũy kiến thức không ngừng thay đổi mỗi ngày.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tích hợp ở bậc dưới, phân hóa ở bậc trên

anh-kem-box-o-hieu.jpg

Triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM nhấn mạnh: Bao lâu nay chúng ta than thở rằng học sinh vác cặp quá nặng. Các em phải học quá nhiều kiến thức. Giờ Chương trình GDPT 2018 đã tích hợp một số môn, kiến thức nhẹ nhàng rồi thì chúng ta cần giữ vững quan điểm đó. TPHCM sẽ quyết liệt, kiên trì dạy học môn tích hợp ở bậc THCS vì nó có lợi cho học sinh. Có thể có một số tỉnh, thành gặp khó khăn trong việc triển khai giảng dạy môn tích hợp. Tuy nhiên TPHCM đã chuẩn bị từ rất sớm. Trong đó bao gồm cả việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên hiện có để dạy tích hợp và việc đào tạo mới giáo viên dạy tích hợp. “Chúng ta vẫn phải tiếp tục dạy học môn này trong thời gian tới theo đúng chủ trương tích hợp ở bậc dưới và phân hóa ở bậc trên" - ông Hiếu nói.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy học tích hợp để định hướng nghề nghiệp - Bài 4: Kiên trì đồng bộ từng bước